Ông Liêm cho biết, do điều kiện thời tiết miền Bắc bị ảnh hưởng bởi mùa đông lạnh, chỉ nuôi được 1 vụ tôm nên khi thấy nhiều nơi nuôi tôm trong nhà kín mang lại hiệu quả cao thì ông đã mạnh dạn đầu tư, mặc dù chi phí cho 1 ao nuôi là rất lớn.
Để có được ao nuôi tôm trong nhà kín, ngoài việc ao phải được xây và láng bóng bằng xi măng giống như một bể bơi thì ao phải có mái che. Tất cả đều được gia cố chắc chắn vừa đảm bảo an toàn khi gió bão, vừa ngăn các loại địch hại có thể ảnh hưởng đến ao tôm. Chi phí xây một “ngôi nhà” cho tôm rộng 2.000 m2 từ 600 - 650 triệu đồng.
Ao nuôi được xây và láng xi măng 100%. Tùy theo mục đích sử dụng là ao ương tôm giống hay nuôi thương phẩm mà diện tích và thiết kế khác nhau. Ao được bố trí một hàng cột sắt ở giữa, là khung xương chống đỡ cho toàn bộ mái.
Các cột được giằng chắc chắn với dây thép từ hai bên bờ và xung quanh ao tạo thành mái cho ao tôm. Sử dụng nylon trắng phủ bên ngoài để đảm bảo ánh sáng vào ao cho tảo phát triển. Trong ao kín lắp đặt thêm đèn để tiện lợi khi chăm sóc tôm vào ban đêm.
Từ mô hình của ông Liêm, hy vọng nghề nuôi tôm ở Quảng Ninh sẽ ngày càng phát triển mạnh, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt là tôm thẻ chân trắng, một sản phẩm của Quảng Ninh vừa được đăng ký thương hiệu “Tôm thẻ chân trắng Móng Cái”. |
Ưu điểm lớn nhất của nhà kín là đảm bảo duy trì nhiệt độ, tránh hiện tượng chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm. Đây là một trong những nguyên nhân thường làm người nuôi tôm thất bại.
Ao nuôi tôm trong nhà kín luôn đảm bảo nhiệt độ môi trường > 20 độ C vào mùa đông và đảm bảo nhiệt độ không quá cao vào mùa hè giúp tôm phát triển tốt nhất. Bên cạnh đó, ao nuôi tôm trong nhà kín thuận tiện cho người chăm sóc, quản lý dịch bệnh tốt hơn.
Kỹ thuật nuôi tôm trong nhà kín không có sự khác biệt nhiều so với cách nuôi thông thường. Tuy nhiên, phải thường xuyên theo dõi và đảm bảo lượng oxy hòa tan đầy đủ cho tôm. Trong quá trình nuôi sử dụng chế phẩm sinh học, men vi sinh để xử lý nước, môi trường.
Việc sử dụng men vi sinh, hóa chất không chỉ giúp hạn chế việc sử dụng thuốc và hóa chất mà còn tạo ra những sản phẩm tôm an toàn.
Một điểm lợi thế của mô hình này là ít thay nước, chỉ cần thêm và bổ sung nước nên hạn chế được lượng nước thải ra môi trường. Đối với chất thải, bùn thải từ ao nuôi sẽ được hút đáy định kỳ vừa đảm bảo môi trường ao nuôi vừa giúp quản lý chất thải được tốt hơn.
Bắt đầu xây dựng mô hình nuôi tôm trong nhà kín từ tháng 5/2013, đến nay ông Liêm đã có 4 ao với tổng diện tích 8.000 m2. Với mỗi ao nuôi 2.000 m2, thả nuôi với mật độ từ 80 - 100 con/m2 nếu nuôi trong mùa đông từ 100 -120 ngày; mùa hè 80 - 90 ngày là có thể thu hoạch. Năng suất bình quân là 3 tấn/2.000 m2.
Nếu tính theo gối vụ có thể nuôi từ 2 - 2,5 vụ/năm. Với cách nuôi này, sau khi trừ chi phí người nuôi như ông Liêm thu lãi từ 200 - 300 triệu đồng/2.000 m2. Do phải đầu tư lớn nên ở Móng Cái có hơn 1.000 ha nuôi tôm nhưng chỉ 4 - 5 cơ sở có điều kiện để làm mô hình này.