Ông dám khẳng định: “5 năm tôi không mất mùa điều, không sợ dịch bệnh hay thời tiết”.
Sau vài giờ chạy xe, mãi tới đầu giờ chiều, tôi mới đến được Trạm Khuyến nông huyện Cẩm Mỹ để hỏi thông tin về cây điều. Sau khi lật sổ sách, Trạm trưởng Trạm KN Trương Văn Cường chỉ cho tôi một cộng tác viên của trạm là ông Trương Đình Bá, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lâm San, vốn nổi tiếng trồng điều giỏi.
Ông Bá được bà con biết đến là người có vườn điều năng suất cao nhất xã. Chính ông là người đầu tiên đưa cây điều về trồng quy mô lớn, khi hầu như không ai biết và hiểu về nó.
Đi thêm quãng đường 30 km từ trung tâm hành chính huyện Cẩm Mỹ đến xã Lâm San, tôi được ông Bá đón tiếp rất nhiệt tình với nụ cười sảng khoái. Gặp được ông, tôi hơi ngạc nhiện vì ông có làn da ngăm đen, dáng người dỏng cao, gầy guộc, nhưng lại có những câu thơ ngẫu hứng rất vui vẻ.
Vào Lâm San từ năm 1987 với hành trang duy nhất là … bịch quần áo, ông tự khai hoang 1,2 ha đất để trồng bắp. Nhưng không may tháng 5 âm lịch năm đó mưa lớn, số giống mới gieo hỏng hết. Không nản chí, ông vay tiền mua 16 kg giống mới bắt tay vào thử nghiệm trồng mật độ dày hơn 20 - 25 cm, hàng cách hàng 80 cm.
Mặc cho người dân xung quanh chê ông không biết trồng (bình thường mật độ phải 40 - 45 cm, hàng cách hàng 1 m). Vụ đầu tiên đúng như dự đoán, năng suất bắp của vườn ông Bá đạt cao nhất xã. Trong khi bà con duy trì ở mức 3,5 tấn/ha, thì ông đạt tới 5,5 tấn/ha, cùng một loại giống.
Năm 1990, ông bắt đầu biết tới cây điều, do có lần sang chơi nhà hàng xóm, thấy một cây “lạ” trước nhà, hạt chui ra ngoài và có tên là đào lộn hột (hạt điều). Được hàng xóm cho thưởng thức mùi vị bùi bùi của hạt điều, ông quyết định xin trữ hạt, sau đó trồng trên 5 sào đất.
Không chỉ bà con hàng xóm nói ra nói vào, người nhà cũng bảo ông mạo hiểm với một cây hoàn toàn mới, tại xã chưa ai dám trồng, không ai biết về kỹ thuật chăm sóc như thế nào thì chỉ có… đổ nợ.
“Khi tôi đã quyết tâm cái gì rồi thì không ai ngăn cản được. Cuối cùng thì cũng thành công, suốt mấy chục năm qua cây điều cho trái và thu nhập đều đặn!”, ông Bá khẳng định.
Không chỉ thành công lớn từ cây điều, vườn nhà ông Bá tập trung rất nhiều loại cây trồng khác, thu hoạch quanh năm. Cụ thể, tháng 8 thì ông thu hoạch bắp hoặc đậu xanh, tháng 9 - 10 thu hoạch cà phê, tháng 11 thu hoạch cà ri, ra tết từ tháng 12 - 2 năm sau là thu hoạch tiêu, điều. Ông nói vui: “Gia đình tôi quanh năm chỉ có “mùa thu”, chứ không có mùa đông đâu!”. |
Lúc đó ông trồng 260 gốc điều, tự mày mò, tìm hiểu mọi thứ từ đặc tính cây, phân bón, mưa trái vụ, sâu bệnh. Trong thời gian trồng điều, ông vẫn có thu nhập từ những cây ngắn ngày trồng xen trong vườn như đậu, rau màu… theo hình thức lấy ngắn nuôi dài.
Sự thành công về cây điều của ông Bá bắt đầu từ năm 1997, khi đó ông được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật về cây điều, sử dụng thuốc BVTV đối với từng loại sâu bệnh từ Trung tâm Khuyến nông tỉnh. Ông mạnh dạn phát triển diện tích điều lên 2 ha, sản lượng mỗi năm luôn vượt trên 5 tấn.
“Bí quyết của tôi là luôn nắm bắt được tình hình sâu bệnh, xử lý kịp thời nên vườn không hề có dịch bệnh. Hàng ngày, bất cứ khi nào rảnh là tôi lại chạy tới vườn, chăm sóc, cải tạo nó như “người thân” nên mới được đáp trả xứng đáng như vậy”.
Theo ông Bá, bà con xã Lâm San trước đây trồng điều hầu hết theo phương thức truyền thống, chỉ trồng lên, bón ít phân rồi cứ bỏ mặc không chăm sóc cho tới khi sắp thu hoạch mới đi tỉa cỏ. Chính vì thiếu sự quan tâm, hầu hết diện tích điều bị đổ bệnh, bà con không ai kịp trở tay, vì thế năng suất thấp.
Điều quan trọng nhất để tăng năng suất đối với cây điều là việc chăm sóc sau thu hoạch, tỉa cành tạo chồi và xử lý thuốc BVTV phù hợp trong lúc ra bông, đậu trái. Làm tốt 3 khâu này trong từng giai đoạn, sẽ giúp cây phát triển đồng đều, tỷ lệ đậu hoa, ra quả cao, giúp năng suất vượt trội.
Thời gian thu hoạch của cây điều là vào giữa tháng 12 cho tới tháng 2 năm sau, bà con chú ý sau thu hoạch cần bón phân cho cây để đáp ứng chất dinh dưỡng, tránh cho cây bị suy kiệt. Ngoài các vấn đề trên, việc tỉa cành, tạo tán cũng rất quan trọng. Tỉa những cành nhỏ, cành trong tán, cành sâu bệnh… để tập trung toàn bộ dinh dưỡng cho những cành khỏe mạnh, đang phát triển bình thường.