Trong một lần đi học tập kinh nghiệm nuôi thỏ tại tỉnh Đồng Tháp, bà Đỗ Kim Thu ngụ ấp Vàm Rầy, xã Bình Sơn, Hòn Đất nhận thấy đây là giống vật dễ nuôi, chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn, có thể phát triển tại địa phương. Vì vậy, bà Thu đã quyết định mua 5 con thỏ về nhân giống, tăng đàn.
Thức ăn của thỏ chủ yếu là cỏ và rau xanh, nên người nuôi chỉ tốn công đi cắt cỏ mỗi ngày mà không cần tốn nhiều chi phí đầu tư. Sau 4,5 - 5 tháng, thỏ bắt đầu sinh sản, mỗi lứa từ 6 - 8 con.
Bà Lê Thị Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Sơn cho biết: “Mô hình nuôi thỏ thời gian qua đã cho thấy hiệu quả kinh tế rất cao. Tuy nhiên, đây là mô hình mới, người dân chủ yếu học tập kinh nghiệm lẫn nhau là chính. Vì vậy, địa phương mong muốn ngành nông nghiệp tập huấn kỹ thuật cho nông dân và hỗ trợ vốn vay để chị em phụ nữ xã thực hiện mô hình hiệu quả hơn”. |
Sau 15 - 20 ngày nuôi, thỏ con được xuất bán với giá dao động từ 80.000 - 90.000 đồng/con. Đặc biệt, nguồn thu từ việc bán thỏ con quay vòng nhanh vì chu kỳ sinh sản của thỏ chỉ từ 35 - 40 ngày là có thể sinh sản lứa kế tiếp.
Hiện nay, bà Thu đã nhân được 40 con thỏ giống và tiếp tục nhân giống bán thỏ con. Với đàn thỏ hiện tại, trừ chi phí mỗi năm bà lãi từ 50 - 60 triệu đồng. Thấy mô hình của bà Thu có hiệu quả, nhiều hộ dân xã Bình Sơn học tập và nhân rộng mô hình.
Người dân bắt đầu nuôi thỏ nhiều hơn từ năm 2013, tính đến nay, Bình Sơn có khoảng 10 hộ làm chuồng nuôi thỏ bán giống. Theo nhiều người dân cho biết thỏ là loài rất dễ nuôi, ít bệnh và không tốn nhiều chi phí cho thức ăn cũng như công chăm sóc.
Hiện nay, ngoài cung cấp con giống, bà Thu còn hướng dẫn cho cách nhân giống và chăm sóc thỏ cho những hộ mới vào nghề.
Theo bà Thu, thỏ là loài dễ nuôi, tận dụng thời gian nhàn rỗi chị em có thể kiếm thêm thu nhập khá từ vật nuôi này. Thỏ không chỉ dễ chăm sóc mà còn ít tốn kém chi phí, nhưng trong quá trình nuôi, cần cho thỏ ăn thêm lúa và thức ăn viên để thỏ sinh sản tốt, tăng sức đề kháng, ít bệnh.