Tuy nhiên, nhờ áp dụng quy trình VietGAHP gần 1 năm nay, các hộ nuôi bò đang dần mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng đàn bò và từng bước tiếp cận với hướng chăn nuôi hiện đại.
Gia đình ông Dương Văn Nội ở khu Vườn Đào 2, thị trấn Nông trường Mộc Châu là một trong hơn 550 hộ nuôi bò sữa áp dụng quy trình chăn nuôi theo VietGAHP.
Theo ông Nội thì việc áp dụng quy trình này nhằm cung ứng ra thị trường sản phẩm sữa VSATTP bằng cách làm chuồng trại sạch sẽ, bảo vệ môi trường, an toàn lao động.
Ngoài ra, nuôi bò sữa theo VietGAHP còn bảo vệ sức khỏe cho chính bản thân và gia đình, góp phần tăng nhanh số lượng đàn bò, thu nhập cao...
“Sau khi dự hai khóa học chứng chỉ VietGAHP do Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) phối hợp Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) tổ chức, cộng thêm hai lớp tập huấn về VSATTP do Sở NN-PTNT Sơn La mở, gia đình tôi đã mạnh dạn đầu tư 1,2 tỷ đồng mở rộng quy mô trang trại, làm hố phân, cống thoát nước đạt tiêu chuẩn, đưa máy móc vào việc hỗ trợ nuôi bò”, ông Nội cho hay.
Chỉ trong vòng chưa đến 1 năm, đến nay, số lượng bò của gia đình ông Dương Văn Nội đã tăng từ 40 lên 50 con, thu nhập bình quân từ 30 lên 45 triệu đồng/tháng.
Còn trang trại của anh Nguyễn Văn Hải ở Vườn Đào 1, do đầu tư chuồng trại từ vài năm trước, nên khi áp dụng VietGAHP, gia đình anh chỉ làm thêm hố phân khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên, anh Hải lại mạnh dạn bỏ ra gần 1 tỷ đồng mua máy cày và một chiếc xe ben phục vụ nhu cầu SX.
Anh Hải cho biết, trước đây, khi chưa có máy cày, xe ben, máy vắt sữa tự động, tối ngày các thành viên trong gia đình chỉ biết làm việc và làm việc. Giờ áp dụng KHKT vào nuôi bò, chăm sóc, vắt sữa, thấy mình nhàn hơn, khỏe ra, chất lượng sữa nâng cao, thu nhập theo đó tăng cao, ai chả muốn làm. Hiện nay, trang trại của anh Hải có 63 con bò, trong đó 34 con cho sữa, thu 7,2 tạ sữa/ngày. Trừ chi phí, hằng tháng anh thu về 90 triệu đồng, lọt vào danh sách những tỷ phú nuôi bò trên cao nguyên Mộc Châu.
VietGAHP là áp dụng các quy trình thực hành SX nông nghiệp tốt, gắn trách nhiệm của người SX, người lưu thông phân phối với những sản phẩm khi cung cấp cho khách hàng. Tháng 11/2013, Mộc Châu Milk là doanh nghiệp chăn nuôi bò sữa được đánh giá và cấp Chứng chỉ VietGAHP đầu tiên ở Việt Nam. Ông Phạm Văn Nhán, Phó TGĐ Mộc Châu Milk cho biết, ngay sau khi được cấp chứng chỉ, Cty tiến hành ngay việc áp dụng các tiêu chuẩn cho toàn bộ các hộ chăn nuôi.
Tuy nhiên, VietGAHP chỉ là một phương pháp “chứng chỉ hóa”, nhằm động viên, khuyến khích người nông dân chăn nuôi bò sữa mạnh dạn hơn nữa trong việc áp dụng KHKT vào chăn nuôi, thúc đẩy năng suất lao động. Trước đó, dù chưa có quy trình VietGAHP thì đa phần các hộ chăn nuôi trên thảo nguyên này đã áp dụng các tiêu chuẩn tương tự do Cty quy định nhằm tối ưu hóa năng suất, sản lượng sữa cung ứng ra thị trường.
Cùng với việc triển khai VietGAHP, năm 2013, Mộc Châu Milk đã được UBND tỉnh Sơn La phê duyệt quy hoạch vùng dự án phát triển chăn nuôi với diện tích 17 nghìn ha đất nông nghiệp nhằm phấn đấu đến năm 2020 đưa đàn bò sữa Mộc Châu lên 35 nghìn con, với sản lượng sữa đạt hơn 150 nghìn tấn/năm.
Để làm được điều đó, Mộc Châu Milk đã đưa vào sử dụng hai trung tâm giống, quy mô 2 nghìn con bò, thực hiện nhiệm vụ do Bộ NN-PTNT giao giữ giống gốc. Trung tâm giống số ba đang được xây dựng, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014. |
“Qua các lớp tập huấn, chúng tôi cũng tuyên truyền để bà con hiểu một trong những ưu điểm của VietGAHP chính là tạo cho họ điều kiện, môi trường làm việc tối ưu, nhằm ngăn chặn lạm dụng sức lao động của chính mình. Đây là một trong những ưu điểm mà VietGAHP mang lại cho người chăn nuôi”, ông Nhán phân tích.
Ở Mộc Châu, các quy định về VSATTP được đặt lên hàng đầu trong quá trình chăn nuôi cũng như SX các sản phẩm sữa. Thực hiện nghiêm ngặt các tiêu chuẩn của VietGAHP từ quy trình chăn nuôi, chế biến thức ăn đến khâu vắt sữa, vận chuyển sữa đến điểm thu mua được người nuôi bò sữa chú trọng lên rất nhiều. Từ đó, góp phần tăng năng suất sản phẩm.
Ông Nhán cũng cho hay, việc áp dụng quy trình VietGAHP đối với các hộ chăn nuôi vẫn còn gặp những khó khăn, đó là trong quá trình triển khai với mô hình chăn nuôi lớn, việc đầu tư mở rộng, xây trang trại theo đúng kỹ thuật, tiêu chuẩn cần nguồn vốn lớn. Điều này một mình các hộ dân không thể làm được.
Ngoài ra, hầu hết các trang trại ở Mộc Châu được xây dựng từ lâu, việc đầu tư mở rộng không đồng bộ, một số chỉ tiêu đánh giá còn nhiều bất cập, rãnh thoát nước giữa các chuồng, hệ thống xử lý rác thải, khử trùng đối với người, phương tiện ra vào trang trại chưa được thực hiện triệt để khiến công tác kiểm tra đánh giá các tiêu chí mất nhiều thời gian.
“Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ vốn đối với các hộ muốn mở rộng quy mô đàn bò; xây dựng và hoàn thiện phần mềm về quản lý đàn, quản lý dịch bệnh để có hồ sơ đầy đủ, bảo đảm truy nguyên nguồn gốc. Sự phát triển bền vững của mỗi hộ chăn nuôi chính là bảo đảm cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp và ngược lại”, ông Nhán nói.