Một số hộ nông dân tại xã An Viễn, huyện Trảng Bom, Đồng Nai bắt đầu tiến hành ghép cải tạo vườn điều do nhận thấy hiệu quả thiết thực của phương pháp này.
Hiệp hội Điều VN (Vinacas) cũng đang tài trợ cho 10 hộ ghép cải tạo tại đây, với mong muốn xây dựng mô hình nâng cao năng suất và chất lượng điều cho nông dân…
Anh Nguyễn Văn Thực, 42 tuổi, ngụ ấp 2, xã An Viễn, huyện Trảng Bom có 3 ha điều trên 20 năm tuổi. Nhiều năm gần đây, năng suất vườn điều của anh Thực luôn đứng ở mức gần 2 tấn/ha.
Tuy nhiên, mấy tháng trước, anh được Vinacas tổ chức cho đi thăm mô hình điều ghép tại huyện Bù Gia Mập cho năng suất lên tới 4 tấn/ha. Về nhà, anh nung nấu quyết tâm ghép cải tạo vườn điều để gia tăng thu nhập cho gia đình.
Khi tham gia dự án của Vinacas, anh được kỹ sư Phạm Văn Đẩu, một chuyên gia đầu ngành về cây điều, hướng dẫn cho cách ghép cải tạo 1 ha ngay tại vườn với 3 giống điều M1, M2 và N24.
Đi cùng chúng tôi trong vườn, anh Thực chỉ vào những cành điều đang mọc lên những chồi non mơn mởn, nói: “Đây là những cành tôi mới tiến hành ghép từ ngày 16/10/2014. Nói thực là do mới được hướng dẫn nên tỷ lệ mắt ghép sống chưa cao. Tuy nhiên, với kinh nghiệm hơn 20 năm sống với cây điều, tôi tự tin sẽ sớm hoàn thiện kỹ thuật để hoàn thành ghép hết 3 ha trong năm 2015”.
Tại vườn điều của anh Thực, nhiều cành điều ghép mới hơn 1 tháng nhưng đã bắt đầu phân bố mầm hoa và dự kiến gần Tết Ất Mùi 2015 sẽ cho trái non đầu tiên. Theo anh Thực, do triển khai ghép vào thời điểm vườn điều ra hoa, nên tỷ lệ cắt cành ghép cũng ở mức độ nhất định để cây điều cho thu hoạch trái.
Sau khi thu hoạch xong (khoảng tháng 5/2015) anh sẽ đẩy mạnh ghép trên toàn vườn và đến vụ năm sau năng suất vườn điều sẽ cải thiện đáng kể. Dự kiến 3 - 4 năm sau ghép, năng suất trung bình sẽ đạt từ 3 - 4 tấn/ha.
Theo kỹ sư Phạm Văn Đẩu, vấn đề quan trọng nhất của việc ghép cải tạo vườn điều là phải chỉ ra được ở địa phương đó, vùng sinh thái đó ghép giống điều nào thì phù hợp, là vấn đề mấu chốt quan trọng nhất. Chính quyền và ngành nông nghiệp các tỉnh trồng điều phải vào cuộc; nếu nông dân cứ lấy giống điều chất lượng không cao, không phù hợp để ghép thì sẽ không thể thành công. |
Kỹ sư Phạm Văn Đẩu, người phụ trách hướng dẫn cách ghép cho nông dân tại xã An Viễn cho biết: “Hiện có 8/10 điểm (1 ha/điểm) nằm trong dự án ghép cải tạo do Vinacas tài trợ đã cưa cành để tiến hành ghép. Trong dự án này sẽ có các lớp tập huấn cho nông dân, đi sâu vào kỹ thuật theo phương châm “cầm tay chỉ việc”.
Nhiều nông dân làm được nhưng không nắm được tại sao lại ghép như thế. Mục tiêu của chúng tôi là giúp nông dân vừa thực hành ghép tốt, vừa nắm rõ nguyên lý để lan tỏa cách ghép hay, hiệu quả trên cây điều”.
Về kỹ thuật ghép, kỹ sư Đẩu cho biết: "Cây điều và cây gỗ nói chung đều hút nước, muối khoáng đi vào mạch gỗ, sau khi đến tán lá thì quang hợp tạo ra chất hữu cơ nuôi cây. Chất hữu cơ được dẫn lại ở lớp tượng tầng của cây để nuôi toàn bộ bộ rễ và các chồi mới ghép.
Vì thế, khi ghép phải chú ý dùng dao cắt vát cả cành cây và cành ghép để làm sao tượng tầng của cả hai dính vào nhau, nhằm dẫn dinh dưỡng từ cây nuôi mắt ghép. Sau đó, dùng màng nilon chuyên dụng (loại thật mỏng) quấn thật kín từ trên xuống dưới phần mắt ghép, tuyệt đối không để hở khiến nước chui vào sẽ làm hư mắt ghép.
Mắt ghép cũng phải chú ý không quá non (chồi ghép ngủ) vì thời gian ra lá non rất lâu, thậm chí chết mắt ghép. Cần chọn mắt ghép có chồi phình to, chuẩn bị bung lá non, các cành ghép này sẽ có lực hút dinh dưỡng lớn giúp mắt ghép phát triển nhanh và khỏe mạnh".
Tỉnh Đồng Nai có trên 44.700 ha điều, năng suất bình quân đạt khoảng 1 tấn/ha, trồng tập trung tại 3 huyện Xuân Lộc, Trảng Bom và Định Quán. Do năng suất bình quân không cao nên vấn đề cải tạo vườn điều để gia tăng thu nhập cho nông dân đặt ra rất cấp thiết.