Theo Quyết định số 2451/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất (THMĐ) đến năm 2020, BR-VT phải kết thúc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình tương tự mặt đất để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất trước ngày 31-12-2016. Hiện BR-VT đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đẩy nhanh việc thực hiện đề án này, giúp người dân tiếp cận với THMĐ theo đúng lộ trình.
Số hóa THMĐ được hiểu đơn giản là quá trình chuyển đổi công nghệ phát sóng và thu, xem từ truyền hình tương tự mặt đất (analog) sang truyền hình số mặt đất. Khi quá trình số hóa này hoàn thành, truyền hình số mặt đất sẽ thay thế hoàn toàn truyền hình analog. Truyền hình analog sẽ ngừng hoạt động và “đi vào lịch sử” như truyền hình đen trắng trước đây được thay thế bởi truyền hình màu.
Lộ trình chuyển đổi THMĐ tương tự sang truyền hình số mặt đất được chia làm 4 giai đoạn. Theo đó, các tỉnh, thành phố trong cả nước sẽ kết thúc phát sóng tất cả các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình analog để hoàn toàn chuyển sang truyền hình số mặt đất trước ngày 31-12-2020. Trong đó, giai đoạn 1 của đề án được áp dụng tại 5 thành phố gồm: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, TP.Hải Phòng, TP.Đà Nẵng và TP.Cần Thơ (trước ngày 31-12-2015). BR-VT nằm trong giai đoạn 2 của đề án, kết thúc việc phát sóng các kênh chương trình truyền hình trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình analog trước ngày 31-12-2016, để chuyển hoàn toàn sang phát sóng trên hạ tầng truyền dẫn, phát sóng truyền hình số mặt đất.
Theo lãnh đạo Đài PT-TH tỉnh, để thực hiện phương án số hóa THMĐ trên địa bàn tỉnh BR-VT, Đài đã xin chủ trương của UBND tỉnh xây dựng các trạm phủ sóng chương trình của Đài PT-TH tỉnh trên địa bàn huyện Châu Đức và Côn Đảo. Đến nay, đã hoàn thành việc xây dựng phòng máy, lắp đặt trụ ăngten cao 50m, đầu tư máy móc, trang thiết bị kỹ thuật theo công nghệ phát sóng truyền hình số mặt đất DVB-T2 tại huyện Châu Đức. Công trình này đã đưa vào hoạt động từ cuối năm 2014. Hiện nay, Đài PT-TH tỉnh đang hoàn tất các thủ tục cần thiết để xin Cục Tần số Vô tuyến điện cấp phép tần số phát sóng chính thức cho trạm phát sóng truyền hình số mặt đất tại huyện Châu Đức.
Tại huyện Côn Đảo, công trình trạm phủ sóng PT-TH đã được xây dựng xong nhà xưởng, hoàn thành lắp đặt 3 trụ ăngten. Thời gian tới, sẽ lắp đặt máy phát sóng bằng công nghệ số mặt đất theo chuẩn DVB-T2 tại huyện Côn Đảo và đưa vào sử dụng vào đầu năm 2016.
Trạm phát sóng Núi Lớn (TP.Vũng Tàu) cũng đã được UBND tỉnh phê duyệt dự án và giao đất cho Đài PT-TH tỉnh. Khi xây dựng trạm phát sóng Núi Lớn sẽ giúp Đài phủ sóng truyền hình số mặt đất đến các địa phương: TP.Vũng Tàu, TP.Bà Rịa và các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Tân Thành, Xuyên Mộc.
Làm sao để xem được truyền hình số mặt đất?
Ông Nguyễn Hồng Tuấn, Thường trực Ban chỉ đạo đề án số hóa truyền hình Việt Nam cho biết, việc số hóa truyền dẫn, phát sóng THMĐ sẽ giúp người dân được tiếp cận nhiều chương trình truyền hình chất lượng cao hơn, phát trên chuẩn HD, 3D. Bên cạnh đó, việc quy hoạch lại việc truyền dẫn, phát sóng truyền hình cũng giúp các đài sử dụng hiệu quả tài nguyên tần số vô tuyến điện; các đài sẽ có điều kiện tập trung vào sản xuất chương trình, còn việc truyền dẫn phát sóng giao cho các DN.
Để xem truyền hình số mặt đất, người dân phải trang bị thêm mỗi tivi một đầu thu truyền hình số (set-top-box). Trên thị trường có nhiều loại set-top-box khác nhau với giá dao động từ 600-800 ngàn đồng/bộ. Như vậy, nếu mỗi gia đình có một tivi, sẽ mất từ 600-800 ngàn đồng để chuyển sang dùng truyền hình số. Với các hộ đang thu xem truyền hình bằng đầu thu kỹ thuật số của VTC (dùng công nghệ cũ DVB-T, chuẩn MPEG-2) vẫn được dùng. Tuy nhiên, để thu xem được các chương trình chất lượng cao sau khi số hóa, người dân vẫn phải mua set-top-box công nghệ mới (DVB-T2, chuẩn MPEG-4). Ngoài ra, trong lộ trình số hoá truyền hình, nhà nước sẽ trích khoảng 1.710 tỷ đồng từ nguồn Quỹ Dịch vụ Viễn thông công ích để hỗ trợ các hộ gia đình nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách đã có tivi sở hữu thiết bị set-top-box.
Ông Trần Minh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược TT-TT khuyến cáo, từ thời điểm này, trong trường hợp mua tivi mới, người dân nên mua tivi đã tích hợp sẵn chức năng thu truyền hình số DVB-T2. Loại tivi này hiện bán rất nhiều trên thị trường với giá cao hơn khoảng 100-150 ngàn đồng so với tivi cùng dòng không tích hợp. Như vậy,người dân sẽ không phải trang bị thêm thiết bị set-top-box.