Không ai ngờ đất rừng U Minh Thượng (Kiên Giang), một vùng ngập nước, lau sậy dày đặc, đất nhiễm phèn mà lại thích hợp với cây thanh long ruột đỏ.
Ông Lê Hoàng Hưởng, GĐ Vườn Quốc gia U Minh Thượng cho biết cây thanh long ruột đỏ rất có tiềm năng trên vùng đất này. Nhưng muốn đạt năng suất cao, chất lượng bảo đảm, người trồng phải nắm vững kỹ thuật từ khâu chọn giống, xuống giống đến khâu chăm sóc trong suốt quá trình cây phát triển, nhất là giai đoạn cây ra hoa kết trái. Thanh long hợp đất cao ráo, tơi xốp, dễ thoát nước nên người trồng phải cải tạo đất thật kỹ trước khi trồng. Chị Phạm Thị Hồng Ý, 44 tuổi, quê ở huyện Vĩnh Thuận (Kiên Giang) đã được VQG U Minh Thượng khoán cho 5 ha đất rừng từ năm 1993 tại ấp Công Sự, xã An Minh Bắc. Thời gian đầu chị bỏ ra 3 cây vàng đầu tư cho việc đắp bờ bao ngạn giữ nước để cấy lúa và nuôi cá nhưng hiệu quả kinh tế không cao vì đất nhiễm phèn. Tuy là phụ nữ nhưng chị rất chịu khó đi học hỏi kinh nghiệm SX. Sau một thời gian tìm hiểu về đặc tính sinh trưởng của cây thanh long ruột đỏ và được sự hướng dẫn tận tình của một số nhà vườn có kinh nghiệm, chị đã quyết tâm đầu tư cho cây này. Năm 2011 chị trồng thử nghiệm 300 trụ bằng xi măng, mỗi trụ 4 nhánh. Chị cho biết do địa hình đất thấp nên phải đào mương lên liếp, do đó thay vì mỗi gốc thanh long chỉ cần 9 m2, chị phải tốn diện tích gấp đôi. Nhờ trồng đúng kỹ thuật nên chưa tròn 1 năm cây đã phát triển tốt và bắt đầu cho trái. Bước qua năm thứ 2 chị đã thu về 84 triệu đồng, năm sau cao hơn năm trước và gần đây nhất, 9 tháng đầu năm 2015 chị thu nhập trên 200 triệu đồng. Hiện cây đang ra trái nghịch vụ sẽ thu hoạch tiếp vào tháng 10 và 11 âm lịch. Từ kết quả đó, chị đã tiếp tục xuống giống thêm 2.100 trụ, nâng tổng số lên 2.400 trụ, tất cả đều phát triển tốt và sắp sửa cho trái. Chị cho biết lúc đầu chị phải nhờ các chuyên gia đến hướng dẫn về kỹ thuật, đặc biệt là việc thiết kế hệ thống chiếu sáng và kỹ thuật xử lý cho cây ra hoa nghịch vụ. Đến nay thì chị đã thành thạo và tự mình có thể chăm sóc theo những quy trình kỹ thuật mà chị đã học hỏi trong nhiều năm. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào SX nên thanh long của chị có trái to, bóng đẹp, ngọt thanh, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, trọng lượng bình quân từ 700 – 800 gr/trái. Theo ước tính của chị, nếu giá thanh long giữ ở mức ổn định từ 20.000 – 25.000 đ/kg như hiện nay thì năm tới lợi nhuận sẽ tăng gấp đôi, gấp ba. Một vài năm nữa, khi cây trưởng thành, con đường vươn tới “tỷ phú thanh long” đối với chị không còn xa lắm. Theo kinh nghiệm của nhiều người, sau ba năm tuổi thanh long ruột đỏ sẽ cho 50 kg/gốc, cao nhất là vào năm thứ tư, thứ năm. Điều quan trọng là chị đã biết vận dụng những kiến thức khoa học kỹ thuật để bắt thanh long ra hoa trái vụ, giá cao gấp 2, 3 lần mùa thuận, cụ thể như năm 2014 có lúc giá vọt lên tới 60.000 đ/kg. Chị Hồng Ý không những trồng thanh long mà chị và hai người em còn trồng 1.500 cây đu đủ, bưởi và nhãn dọc theo các bờ đê. Bưởi và nhãn sắp ra trái, chỉ riêng đu đủ mỗi năm cũng thu nhập vài chục triệu đồng.