Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của ngành nông nghiệp Hà Tĩnh, dự án “Phục tráng giống bưởi Phúc Trạch” ở huyện Hương Khê đã thành công mỹ mãn.
Diện tích, năng suất và sản lượng những năm qua tăng đều đặn. Nông dân phấn khởi quay trở lại trồng loại cây có múi đặc sản này. Được mùa, được giá Vườn bưởi 1 sào (500 m2) của ông Lê Thăng Long, xóm 8, xã Phúc Trạch năm nay mới cho mùa quả thứ 2. Do nằm cạnh đường liên xã, lại có vườn bưởi chín vàng nên từ tháng 7 âm lịch, ngày nào nhà ông cũng đón khách đến mua. Ông Long cho biết, người tiêu dùng giờ rất kỹ tính. Đã chi tiền ăn đặc sản là họ phải vào tận vườn mua, dù đắt nhưng quan trọng là mua được “hàng thật”. Vì thế, các nhà vườn không cần phải hái, cũng chẳng phải mất công đem đi bán, thực khách tự tìm đến tận vườn. Đến độ cuối tháng 8 âm lịch thì các vườn bưởi đều đã bán hết. Bưởi Phúc Trạch không bán theo kg mà tùy quả to, quả nhỏ (quả lớn nhất cũng chỉ khoảng 1,5 kg), giá bán dao động từ 50.000 - 150.000 đồng/quả. “Gia đình tôi vừa mới trồng thêm 5 sào bưởi Phúc Trạch nữa. Đây là cây đặc sản, giá trị kinh tế lớn, giá cả có thể lên xuống chút ít nhưng vẫn có lãi. Trong khi trồng nhiều loại cây khác, giá cả bấp bênh, mỗi khi rớt giá, trừ công lênh, đầu tư thì người nông dân đều lỗ. Với 1 sào bưởi, năm nay gia đình tôi đã thu về trên 25 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế của bưởi Phúc Trạch ở đây luôn vượt trội so với những cây trồng khác”, ông Long phấn khởi. Bưởi Phúc Trạch năm nay được mùa, số quả trên mỗi cây đều nhiều hơn những năm trước. Nếu tính bình quân mỗi cây 20 quả, tính giá thấp nhất là 50 nghìn đồng/quả thì năm nay, toàn xã thu về 660 nghìn quả bưởi, tương đương 33 tỷ đồng. Toàn xã Phúc Trạch hiện có 160 ha bưởi bản địa, trong đó có 110 ha đã cho thu hoạch (trung bình mỗi ha 300 gốc bưởi). Diện tích trồng cây bưởi đặc sản này đang có xu hướng tăng, theo quy hoạch của huyện sẽ ổn định ở mức 200 ha. Hộ trồng nhiều nhất khoảng 0,5 ha, hộ ít cũng vài ba chục cây, phần lớn các hộ dân ở đây đều có 50 gốc trở lên. Đây quả là một con số khổng lồ mà trước nay người trồng bưởi tại Phúc Trạch không dám nghĩ đến. Lãnh đạo xã Phúc Trạch cho biết, sẽ chuyển một số diện tích cây trồng năng suất và hiệu quả kinh tế thấp sang trồng bưởi Phúc Trạch. Khi đó, trên vùng đất này, cây bưởi sẽ là cây trồng chủ lực, đem lại cuộc sống ấm no cho người dân. Theo thống kê của Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh, bưởi Phúc Trạch hiện có 1.100 ha, trong đó có khoảng 600 ha đã cho thu hoạch. Hai năm nay, bưởi Phúc Trạch được mùa lớn, năng suất bình quân ước đạt 9 tấn/ha, có những vườn đầu tư tốt, đạt 14/tấn/ha. Nếu quy ra quả, toàn huyện sẽ có 3,6 triệu quả bưởi Phúc Trạch, tương đương số tiền 180 tỷ đồng. Bưởi Phúc Trạch là một cây trồng khó tính, chỉ phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của 18 xã của huyện Hương Khê và vài xã giáp ranh thuộc huyện Vũ Quang. Nếu đem giống bưởi này trồng tại các địa phương khác, cây bưởi vẫn sinh trưởng, phát triển nhưng năng suất và chất lượng giảm hẳn. Tại Hương Khê, trước đây, do không được đầu tư thâm canh, tỷ lệ đậu quả thấp nên có những thời điểm, năng suất bưởi chưa đạt 0,7 tấn/ha, nông dân chán nản bỏ mặc, diện tích bưởi Phúc Trạch gần như bị xóa sổ. Vậy tại sao, nông dân Hà Tĩnh lại quay lại trồng bưởi Phúc Trạch và đang biến cây bưởi trở thành cây trồng chính, đem lại thu nhập cao? “Bí kíp” Chúng tôi tìm về xã Phúc Trạch, nơi được coi là “thủ phủ” của giống bưởi Phúc Trạch nổi tiếng.
Các cụ cao niên trong xã cho biết, từ năm 1867, khi địa danh hành chính huyện Hương Khê ra đời, bưởi Phúc Trạch đã là một cây có múi đặc sản. Chỉ khi có khách quý đến chơi mới được gia chủ tiếp đãi bằng bưởi Phúc Trạch. Khách đến Phúc Trạch, nếu chưa được ăn một vài múi bưởi này coi như chưa từng đến nơi đây. Về tên gọi, có thể thời điểm đó, giống bưởi này có nhiều nhất tại làng Phúc Trạch (nay là xã Phúc Trạch) nên được gắn với tên địa danh. Trên thực tế, bưởi Phúc Trạch được trồng trên toàn huyện Hương Khê và một vài xã phụ cận thuộc huyện Vũ Quang. Cây bưởi Phúc Trạch đã trải qua nhiều biến cố, thăng trầm, có những thời điểm diện tích chỉ còn khoảng vài chục ha. Năm 2002, bưởi Phúc Trạch đã được đăng ký bản quyền tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN). Nhưng cũng kể từ đó, năng suất bưởi Phúc Trạch giảm thê thảm, từ 6 tấn/ha (2000), chỉ còn 0,67 tấn/ha (2006). Nhiều hộ dân bỏ bê không chăm sóc, bưởi nhiễm sâu bệnh, chết dần chết mòn. Đúng vào lúc cây trầm hương lên ngôi, bưởi Phúc Trạch mất thế độc tôn, dần dần bị chặt bỏ. Nhưng điều đáng quý nhất là, với ý thức bảo tồn giống bưởi quý, hầu như nhà nào cũng để lại trong vườn ít nhất 1 cây. Năm 2010, UBND tỉnh Hà Tĩnh phê duyệt dự án bảo tồn, nhân giống và phát triển SX giống bưởi Phúc Trạch theo hướng hàng hóa. Nhưng theo những người thực hiện dự án, công tác phục tráng giống bưởi quý này đã được Hà Tĩnh thực hiện từ rất lâu. Những người có trách nhiệm, tâm huyết với giống bưởi này luôn trăn trở để không mất đi nguồn gen quý. Họ đi điền dã khắp huyện Hương Khê, hộ gia đình nào còn bưởi Phúc Trạch đầu dòng đều được nắm rõ trong lòng bàn tay. Ông Võ Tá Phong, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh cho biết: “Thực ra, công việc này đã được chúng tôi âm thầm thực hiện từ nhiều năm trước. Lúc đó, toàn tỉnh chỉ còn lại 20 cây đầu dòng trong vườn 17 hộ thuộc 9 xã trên địa bàn huyện Hương Khê. Chính sách của tỉnh là hợp đồng 4 bên ràng buộc đồng thời trích ngân sách hỗ trợ 1,4 triệu đồng/cây đầu dòng/năm để người dân bảo tồn các cây này. Từ các cây đầu dòng, chúng tôi đã lấy giống, vi ghép đỉnh sinh trưởng, tạo ra 25 cây S0, nuôi dưỡng tại Khoa Sinh học, Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội (nay là Học viện Nông nghiệp VN), sau đó đưa về trại giống bưởi Phúc Trạch vừa được đầu tư xây dựng (nằm trên địa bàn xã Phúc Trạch), nuôi dưỡng, bảo tồn trong nhà lưới. Cũng nhờ có chương trình hỗ trợ Greening của thế giới, chúng tôi đã giảm chi phí tạo ra mỗi cây S0 từ 15 triệu đồng xuống còn 4 triệu đồng. Từ đây, chúng tôi tiếp tục tạo ra 250 cây S1 (gọi là cây nhân nhanh mắt ghép). Đây là nguồn để nhân giống cung cấp cho người dân có nhu cầu. Cứ 3 - 4 năm, nguồn S0, S1 này sẽ được thay đổi để đáp ứng nguồn gen cho việc tạo ra bưởi Phúc Trạch giống. Ngoài việc bảo tồn trong nhà lưới, dự án còn xây dựng hệ thống vườn bảo tồn tập trung ngoài trời…”. Đến năm 2011, diện tích bưởi Phúc Trạch cơ bản đã được phục hồi (688,97 ha), năng suất đã đạt trên 5 tấn/ha. Năm 2014, diện tích, năng suất và sản lượng bưởi Phúc Trạch tăng đáng kể. Chính quyền địa phương đã trình thủ tục khoanh vùng bảo hộ gồm 18 xã của huyện Hương Khê và 2 xã của huyện Vũ Quang. Đây cũng là năm UBND tỉnh Hà Tĩnh thành lập Hiệp hội Tiêu thụ bưởi Phúc Trạch với nhiệm vụ điều chỉnh mức giá, bao tiêu sản phẩm cho người dân, tránh để tư thương vào vườn ép giá. Nhưng thực tế, cầu vượt xa nguồn cung, bưởi Phúc Trạch vẫn được khách hàng đến tận vườn thu mua, giá cao, lãi lớn. Đến năm 2015, năng suất bưởi Phúc Trạch ước đạt gần 9 tấn/ha. Người trồng bưởi hồ hởi mở rộng diện tích, hàng vạn cây giống bưởi Phúc Trạch được ghép tại trại giống bưởi Phúc Trạch mỗi năm vẫn không đủ cung cấp cho người dân. Bưởi Phúc Trạch hiện cho năng suất 8 - 9 tấn/ha, nhiều hộ chăm sóc tốt còn đạt năng suất 14 tấn/ha, thậm chí 25 tấn/ha, năng suất tiềm năng có thể lên tới 50 tấn/ha. Nguyên nhân dẫn đến mất mùa một phần là do chất đất nghèo dần dinh dưỡng không được bổ sung kịp thời nhưng cơ bản vẫn là do điều kiện khí hậu trong vòng 20 năm trở lại đây bất lợi cho quá trình ra hoa, đậu quả của bưởi Phúc Trạch. Nếu người trồng bưởi chịu khó, chăm sóc đúng kỹ thuật, bổ sung chất dinh dưỡng kịp thời, thụ phấn bổ sung cho cây bưởi thì năng suất sẽ tăng dần. 2 năm nay, bưởi Phúc Trạch được mùa toàn diện, đó là minh chứng cho nỗ lực của người trồng bưởi Hà Tĩnh.