Theo báo cáo từ các địa phương, đến nay đã có 43 tỉnh thành có quy hoạch vùng SX rau an toàn (RAT), ứng dụng quy trình VietGAP và dự kiến đến năm 2020 sẽ có 120.869 ha RAT.
* Kiểm soát chặt dư lượng thuốc BVTV Ngày 24/11, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị mở rộng Ban chỉ đạo áp dụng thực hành SX nông nghiệp tốt (VietGAP) trong trồng trọt và phát triển rau an toàn (RAT). Tham dự có đại diện các cục vụ viện, lãnh đạo các Sở NN-PTNT, Chi cục BVTV, hiệp hội và doanh nghiệp. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì hội nghị… Bất cập sản xuất Theo Cục trồng trọt, sau 3 năm thực hiện Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành SX nông nghiệp tốt (VietGAP) trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản, đã có 4.128 cơ sở SX, sơ chế được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP. Trong lĩnh vực trồng trọt có hơn 25.822 ha (1.673 cơ sở) được cấp chứng nhận VietGAP còn hiệu lực đến tháng 11/2015, gồm rau 3.146 ha; quả 12.791 ha, lúa 690 ha, chè 9.000 ha, cà phê 121 ha. Đến nay một số địa phương đã hình thành được vùng SX tập trung như thanh long (Bình Thuận); vải thiều (Bắc Giang); chè (Phú Thọ); lúa (Long An). Có khoảng 10.000 ha rau, quả SX theo hướng VietGAP, nông dân được tập huấn áp dụng các chỉ tiêu cơ bản của VietGAP, có sự hỗ trợ và giám sát của cán bộ kỹ thuật. Ngoài ra còn có một số mô hình SX rau, quả, chè, lúa gạo hữu cơ đã được chứng nhận theo hệ thống PGS tại Hà Nội, Hòa Bình; đồng thời có một số cơ sở SX hữu cơ đã được cấp chứng nhận theo tiêu chuẩn Châu Âu, Mỹ, như sản phẩm rau tại Lâm Đồng; chè tại Lào Cai. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai vẫn còn một số mặt tồn tại trong các chính sách chưa đồng bộ từ khâu SX đến tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt người nông dân rất khó tiếp cận với nguồn vốn vay để mở rộng quy mô SX hay xây dựng nhà màng. Hơn nữa, nhiều tiêu chí trong quy trình VietGAP rất phức tạp, khó áp dụng ngoài thực tế, kinh phí chứng nhận cao, khoảng 30-40 triệu đồng/ha nhưng không được Nhà nước hỗ trợ tái chứng nhận nên việc duy trì, phát triển SX theo VietGAP còn rất hạn chế. Tuy nhiên, ông Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt lạc quan cho rằng, SX rau các loại đang tăng trưởng mạnh cả về diện tích và sản lượng. Một số tỉnh đã hình thành các vùng SX rau an toàn tập trung như Lâm Đồng, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hà Nội và TP.HCM đem lại thu nhập cao cho người nông dân. Mặc dù Việt Nam có nhiều tiềm năng trong SX rau, nhưng sản phẩm rau xuất khẩu vẫn còn rất hạn chế, chủ yếu do chưa đáp ứng được các yêu cầu về ATTP của các nước nhập khẩu. Vấn đề chất lượng sản phẩm cũng chưa đồng đều, nguồn cung không thường xuyên do nhiều vùng còn SX manh mún và không áp dụng các công nghệ tiên tiến để kiểm soát và duy trì chất lượng nhằm đáp ứng tốt cho xuất khẩu. Nhiều địa phương đã bước đầu hình thành khu SX rau theo hướng NNCNC, đầu tư nhà màng, nhà lưới, trồng rau bằng phương pháp thủy canh, năng suất cao bằng công nghệ nhà kính của Israel. Nhiều mô hình tưới tiết kiệm đã được đưa vào SX giúp người nông dân giảm công lao động nhưng lại cho hiệu quả cao. “Chính vì diện tích rau đang ngày càng phát triển mạnh, khiến nhu cầu về hạt giống rau để SX cũng rất lớn. Tuy nhiên, do công tác nghiên cứu chọn tạo và SX giống rau của ta còn rất hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu SX cả về chủng loại và chất lượng khiến 80% hạt giống rau vẫn phải nhập khẩu”, ông Dư cho biết. Rau VietGAP chưa được 1% Theo báo cáo từ các địa phương, đến nay đã có 43 tỉnh thành có quy hoạch vùng SX RAT, ứng dụng quy trình VietGAP và dự kiến đến năm 2020 sẽ có 120.869 ha RAT. Mặc dù vậy, diện tích SX RAT trong cả nước vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng. Đến năm 2014, tổng diện tích canh tác rau của cả nước có khoảng 880.000 ha, năng suất trung bình 175 tạ/ha, cho sản lượng 15 triệu tấn rau các loại. Đến nay mới có khoảng 7.000 ha rau được chứng nhận SX RAT, như vậy chưa được 1%.
Ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Sở NN-PTNT TP.HCM cho biết, hiện trên địa bàn TP có 3.486 ha rau, đã hình thành một số vùng chuyên canh rau tập trung. Thực tế về công tác quy hoạch vùng RAT hay vùng rau VietGAP trên địa bàn TP trong nhiều năm qua vẫn còn khá lúng túng. Thứ trưởng Lê Quốc Doanh: "3 vùng trồng rau lớn TP.HCM, Hà Nội và Lâm Đồng cũng đã có chính sách phát triển RAT. Các chất cấm dùng trên rau thậm chí còn độc hơn dùng trong chăn nuôi, sẽ bị ngộ độc cấp tính ăn xong là lăn đùng ra ngay chứ không phải như trong chăn nuôi còn tích lũy dần. Vì vậy phải quyết liệt kiểm tra kiểm soát chất cấm trên rau như trong chăn nuôi, bởi sản phẩm rau dễ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Cần phải nêu đích danh địa chỉ, kể cả là nông dân hay cơ sở nào sử dụng chất cấm, thuốc BVTV ngoài danh mục để có biện pháp xử lý nghiêm”. Do vậy, để xác định rõ ngành chức năng đã phải tiến hành lấy mẫu đất, nước và những điều kiện khác của từng vùng để phân tích sẽ cho thấy được vùng nào nâng cấp được từ RAT thành VietGAP. Đồng thời, trong chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sẽ cho chuyển dần diện tích lúa có điều kiện tốt để trồng rau và tăng diện tích RAT. Ông Tiến cho rằng: “Qua thực tế kiểm tra chúng tôi thấy rằng, khu vực ô nhiễm cao nhất chính là khu dịch vụ sau thu hoạch, chế biến và khu vực kinh doanh ngoài thị trường. Do vậy, cần phải điều tra ô nhiễm ngay từ trên đồng ruộng và kiểm tra kiểm soát dư lượng thuốc BVTV trên sản phẩm thu hoạch thì mới thấy được rõ chất lượng của công tác tập huấn của các ngành chuyên môn đã được triển khai có hiệu quả như thế nào”. Theo ông Tiến, TP.HCM là nơi đi đầu trong việc xây dựng chuỗi từ khâu SX đến khâu tiêu thụ. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế khi diện tích rau VietGAP và RAT vẫn còn khác nhau; thậm chí hiện có quá nhiều loại logo trên rau khiến cho việc quản lý rất khó khăn. Hơn nữa, công tác dự báo thị trường còn quá yếu và thiếu khiến việc thông tin, cảnh báo, giới thiệu thị trường, sản phẩm còn chưa hiệu quả. Mặc dù, TP.HCM có một trung tâm tư vấn hỗ trợ nông dân có phụ trách giá cả thị trường nhưng còn rất sơ sài, rất đơn giản, như vậy chưa làm tròn trách nhiệm với nông dân. Ông Đào Duy Tâm, Phó GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội chia sẻ: “Chúng tôi không dám khẳng định chắc chắn các điểm bán RAT trên địa bàn Hà Nội là có an toàn thật không. Mặc dù chúng tôi đã đề nghị rất nhiều, nhưng đến nay vẫn chưa có chợ nào dành riêng bán RAT, VietGAP mà các sản phẩm rau này vẫn phải bán ở các chợ cóc, chợ tạm, vỉa hè và bán chung với tất cả các loại rau khác”. Theo ông Tâm, thực tế để SX rau VietGAP phải tốn từ 30-40 triệu đồng mới được chứng nhận nhưng cũng chỉ kéo dài được 2 năm, khi hết thời hạn đành phải rút lui chấp nhận thành vùng rau thường vì kinh phí tái chứng nhận quá cao. Do vậy, cần phải rà soát lại toàn bộ các hệ thống văn bản và đánh giá lại những nội dụng mang tính khả thi, còn nếu đem tất cả các quy trình của các nước đang phát triển ra để áp dụng thì không thể làm được. Ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Trồng trọt: "Cục Trồng trọt đang xây dựng quy chuẩn, tiêu chuẩn về rau VietGAP để sắp tới sẽ ban hành. Chúng tôi sẽ rà soát lại tất cả các quy định của Nhà nước về chứng nhận rau VietGAP và RAT để tổ chức SX RAT cung cấp cho người tiêu dùng. Còn rau VietGAP hoặc GlobalGAP thì có thể chỉ dành cho nhà hàng khách sạn cao cấp và xuất khẩu. Cần phải tuyên truyền mạnh để người SX thấy được rằng việc sử dụng chất cấm, thuốc BVTV không cho phép là đầu độc người tiêu dùng. Đồng thời xây dựng hành lang pháp lý để kiểm soát chặt chất cấm trên rau”.