Qua lời giới thiệu của chị chủ tịch hội phụ nữ xã Bàu Lâm, đến với tổ 9- ấp 2 tây, phóng viên chúng tôi đã có dịp được gặp và trò chuyện với chị Lê Thị Lục. Gặp chị vào buổi sáng khi chị vừa hoàn thành công việc tưới tiêu của mình. Chị Lục nói: do ở đây nguồn điện yếu, cho nên bà con phải chia nhau thời gian tưới cho phù hợp, chính vì vậy, mà thời gian làm việc của chị phần nhiều đều vào rạng sáng. Khó khăn là thế, nhưng chị luôn vui vẻ, ngập tràn hạnh phúc. Chị Lục chia sẻ: Ngày trước khó khăn, nay kinh tế đã khấm khá hơn nhiều. Có điều kiện cải thiện cuộc sống, chăm lo cho con cái học tập, đó là điều mình thấy vui hơn cả.
Đi giữa vườn tiêu xanh mướt mắt, sắp đến ngày thu hoạch, trong tiết trời xuân mới, tận mắt chứng kiến những công việc chị vẫn làm hàng ngày, và cùng nghe chị chia sẻ về kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, phóng viên chúng tôi càng thêm cảm phục nỗ lực phấn đấu, tinh thần chịu thương chịu khó và sức lực phi thường của người phụ nữ nhỏ bé này.
Chị Lục đang coi sóc vườn tiêu
Năm 1995, sau khi lập gia đình, vợ chồng chị Lục được ba mẹ chồng hỗ trợ 1,3 ha đất để trồng điều, đồng thời xen canh thêm bắp, mì để chăm lo cho cuộc sống hàng ngày, thế nhưng, cuộc sống cũng không khấm khá được là bao. Hai vợ chồng vẫn phải làm thuê làm mướn thêm để lo cái ăn cái mặc hàng ngày. “Trong cái khó ló cái khôn”, chị Lục kể: lúc đó, thấy nhiều hộ dân xung quanh trồng cà phê kinh tế ngày một khấm khá nên 2 vợ chồng đã bàn với nhau mạnh dạn chặt bỏ hết diện tích trồng điều để chuyển sang cây trồng này. Ai ngờ, sau 3 năm vun xới, vụ cà phê đầu tiên lại rất được giá. Có vốn, vợ chồng chị lại quyết định trồng xen thêm hồ tiêu để tăng nguồn thu nhập. Chị Lục chia sẻ tiếp: thời điểm lúc đó, tại địa phương, số người trồng hồ tiêu còn khá ít. Không nắm được các kĩ thuật trong trồng, chăm sóc cây, mọi việc phụ thuộc nhiều vào số kinh nghiệm ít ỏi có được và điều kiện tự nhiên cho nên năng suất thu được không cao.
Bao năm vất vả, lăn lộn với ruộng rẫy, vợ chồng chị nhận ra rằng: chỉ có nắm vững kĩ thuật, hiểu đất, hiểu cây thì mới có thể làm ăn hiệu quả, thúc đẩy năng suất cây trồng. Từ đó, chị Lục luôn tích cực, chủ động tham gia các lớp tập huấn, các hội thảo về trồng trọt, các lớp học chuyên ngành về cây tiêu do hội, ngành chức năng và địa phương tổ chức, rồi chịu khó tìm tòi học hỏi trên sách báo, ti vi, tham quan các mô hình làm ăn kinh tế tại địa phương, cùng tìm hiểu và trao đổi kinh nghiệm làm ăn với bà con.
Nắm được kiến thức khoa học kĩ thuật, 1 lần nữa vợ chồng chị mạnh dạn chặt bỏ đi những diện tích cà phê sâu bệnh, năng suất thấp, cây nông nghiệp ngắn ngày, cải tạo lại diện tích cây trồng theo kĩ thuật mới để trồng thêm hồ tiêu. Nguồn giống để trồng cũng được anh chị lựa chọn kĩ lưỡng: đó là giống tiêu Vĩnh Linh, có khả năng sinh trưởng nhanh; kháng bệnh, chịu hạn tốt, chùm quả dài đậm, cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương.
Nhạy bén, ham học hỏi, những mùa vụ tiếp theo đã mang đến thành công ngoài mong đợi cho anh chị. Làm ăn hiệu quả, bước đầu có dư, chị Lục đã vay mượn thêm từ ngân hàng chính sách xã hội và bà con họ hàng mua thêm 2 ha đất để trồng cao su.
Không ngại khó ngại khổ, mọi việc từ đôn dây, tỉa cành, tạo tán, bón phân, tưới nước, vun bồn… cho cây đều có bàn tay của chị Lục. Thiên thời, địa lợi cộng với sự tận tâm trong công việc, qua các năm, diện tích cây trồng của gia đình chị Lục ngày càng được mở rộng thêm. Đến nay, gia đình chị đã phát triển được quy mô vườn tiêu, cao su, điều với gần 6 ha. Trung bình mỗi năm, gia đình chị thu hoạch trên 20 tấn mủ, trên 5 tấn tiêu, từ 4 đến 5 tấn điều.
Những mùa vụ bội thu, với giá thành ổn định đã giúp gia đình chị thu lãi mỗi năm từ 500 đến 600 triệu đồng.
Các cụ ta vẫn có câu “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” điều đó để nói lên vai trò to lớn của người phụ nữ trong việc xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình. Những ai đã từng gặp gỡ và quen biết gia đình chị Lục đều không khỏi khâm phục chị không chỉ ở khả năng làm kinh tế giỏi, mà ở chị, người ta còn thấy được một người phụ nữ đảm đang, luôn biết chăm lo, vun vén hạnh phúc gia đình, nuôi dạy con cái chăm ngoan học giỏi.