Nhạy bén, tự tin, đó là chìa khóa thành công của chàng thanh niên Phan Văn Đức- hiện ngụ tại tổ 5- ấp 4B- xã Tân Lâm. Ở tuổi 25, Đức hiện là chủ xưởng sản xuất giày dép mang tên anh, chuyên sản xuất các mặt hàng giày dép nữ giá rẻ cung ứng cho thị trường địa phương và xuất đi 1 số tỉnh lân cận.
Nói về con đường đến với nghề sản xuất giày dép của Đức cũng tình cờ lắm. Bởi từ ban đầu thì đây không phải là sự lựa chọn, là hướng đi mà anh nghĩ tới.
Năm 2012, sau khi tốt nghiệp ngành cơ khí tại trường cao đẳng nghề Lilama 2, Đức vào làm công nhân tại công ty cổ phần China Steel Sumikin Việt Nam- một công ty chuyên sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn tại huyện Tân Thành. Với tính cách nhạy bén, năng động, đồng thời cũng muốn có thêm nguồn thu nhập, tranh thủ các buổi tối, các ngày nghỉ cuối tuần, Đức mua giày dép tại các xưởng sản xuất trên địa bàn bán lẻ cho các đối tượng người tiêu dùng là công nhân, học sinh, những người có thu nhập thấp, trung bình và bỏ sỉ cho các quầy hàng tại các chợ. Trong thời gian đến lấy hàng tại các xưởng sản xuất về để bán, Đức còn tranh thủ học nghề, tìm hiểu kĩ càng về các công đoạn, kĩ thuật để làm ra 1 đôi giày hoàn chỉnh. Không biết từ lúc nào, niềm đam mê với những đôi giày đã cuốn Đức theo.
Đức chia sẻ: trong thời gian này anh đã suy nghĩ rất nhiều: công việc hiện tại chỉ có thể mang lại cho Đức nguồn thu nhập ổn định đủ để nuôi sống bản thân chứ không thể làm giàu được. Muốn phát triển kinh tế thì phải mạnh dạn tìm hướng đi khác.
Nhận thấy các mặt hàng giày dép bình dân cho nữ giới có thị trường tiêu thụ ổn định, dễ bán. Vốn sẵn có đam mê kinh doanh, năm 2015, Đức đã có quyết định táo bạo: xin nghỉ việc tại công ty, đồng thời dồn toàn bộ số vốn tích lũy được lên thành phố Hồ Chí Minh để học gò giày và thuê ki ốt, mua máy móc, tuyển nhân công tự sản xuất các mặt hàng giày dép mang tên mình.
Tuy nhiên, do nóng vội, chưa tìm hiểu kĩ thị trường, và chưa có nhiều các bạn hàng, các mặt hàng giày dép do cửa hàng của anh Đức làm ra không tiêu thụ được nhiều. Chi phí bỏ ra lớn trong khi nguồn thu lại không nhiều. Sau khi trừ các khoản chi phí, số dôi dư không đáng là bao so với công sức bỏ ra.
Sau nhiều ngày đắn đo, cân nhắc, giữa năm 2016, Đức một lần nữa quyết định trả mặt bằng và chuyển máy móc về quê để làm lại từ đầu.
Đức cho biết: sau lần vấp ngã đã cho anh nhiều kinh nghiệm hơn. Làm việc gì cũng phải suy tính trước sau, tìm hiểu kĩ thị trường và đối tượng mình hướng đến để có hướng xây dựng và phát triển cho phù hợp.
Không lựa chọn mở xưởng tại nơi nào xa xôi mà trên chính diện đất của gia đình. Điều này đã giúp anh Đức tiết kiệm được khá nhiều chi phí.
Ảnh: Công nhân hăng say lao động tại xưởng giày dép Phan Đức
Để phục vụ cho việc sản xuất, Đức mạnh dạn vay mượn của họ hàng người thân gần 300 triệu để đầu tư mua sắm thêm máy may và 1 số máy móc, thiết bị khác như: máy dập thủy lực, máy ben, máy ép đế...tuyển các thợ may, thợ gò có tay nghề vững để nâng cao chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, anh Đức cũng nhận đào tạo những người chưa có tay nghề, hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề để nhân công yên tâm gắn bó với xưởng.
Anh Đức chia sẻ: đối tượng hướng đến chủ yếu của xưởng giày dép Phan Đức là các bạn trẻ, chị em phụ nữ ở độ tuổi trưởng thành. Chính vì vậy, việc thường xuyên đổi mới kiểu dáng, mẫu mã, màu sắc nhằm đáp ứng nhu cầu, sở thích thời trang của chị em là điều rất quan trọng. Để làm được điều đó, Đức rất chịu khó học hỏi, mày mò, sáng tạo. Bên cạnh những mẫu mã truyền thống, cứ vài tuần 1 lần, xưởng giày dép Phan Đức lại cho ra những sản phẩm với mẫu mã mới nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Vừa làm vừa chủ động liên hệ chào hàng, giới thiệu sản phẩm mới. Mẫu mã đẹp, bắt mắt, giá cả phải chăng. Tiếng lành đồn xa. Nỗ lực của Đức đã được đền đáp, sản phẩm giày dép từ cơ sở sản xuất của anh ngày càng được thị trường ưa chuộng. Ngày nào xưởng giày dép Phan Đức cũng xuất hàng. Như thời điểm hiện nay, trung bình một ngày xuất từ 500 đến 700 đôi. Còn từ cuối tháng 3 đến giáp tết, nhu cầu tiêu thụ tăng hơn nhiều, khoảng từ 1.200 đến 1.300 đôi/ ngày. Hiện, sản phẩm giày dép Phan Đức đã có mặt ở nhiều tỉnh thành như Hà Nội, Gia Lai, thành phố Buôn Ma Thuột, một số đại lí tại quận Tân Bình- thành phố Hồ Chí Minh và các chợ trên địa bàn tỉnh BRVT.
Làm ăn phát đạt, hiện xưởng giày dép Phan Đức đang đáp ứng nhu cầu việc làm với nguồn thu nhập ổn định từ 4 đến 6 triệu đồng tùy theo từng vị trí công việc cho 30 lao động thường xuyên. Đức cũng đã trả được hết số tiền vay và đang chuẩn bị mở 1 thêm 1 xưởng mới với diện tích trên 100m2 để có thêm việc làm cho nhiều người. Anh Hoàng Tý- hiện ngụ tại ấp 4B- công nhân xưởng sản xuất giày dép Phan Đức cho biết: anh đã làm việc tại đây được hơn 7 tháng. Trước đây khi chưa có xưởng sản xuất giày dép của anh Đức, thu nhập chính của anh là từ làm chậu kiểng song rất bấp bênh. Nhưng nay cuộc sống đã cải thiện hơn rất nhiều. Với thời gian làm việc 8 tiếng/ ngày, và nghỉ chủ nhật, mỗi tháng anh Tý có nguồn thu nhập ổn định với 5 triệu đồng để trang trải cuộc sống.
Anh Nguyễn Linh Thủy- bí thư xã đoàn Tân Lâm cho biết: là địa bàn vùng xa và gặp rất nhiều khó khăn về điều kiện kinh tế. Đến thời điểm hiện nay trên địa bàn gần như chưa có công ty, xí nghiệp nào hoạt động. Chính vì vậy, để kiếm việc làm, đa phần thanh niên địa phương đều phải chấp nhận đi làm ăn xa. Từ khi xưởng giày dép của anh Đức đi vào hoạt động đã mở ra cơ hội việc làm và nguồn thu nhập ổn định cho nhiều lao động địa phương, đặc biệt là các đối tượng thanh niên có trình độ học vấn thấp và chị em phụ nữ. Anh Đức là tấm gương sáng cho tuổi trẻ địa phương về sự năng động, sáng tạo, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm. Không chỉ vươn lên làm giàu cho bản thân mà còn đóng góp tích cực đối với sự phát triển kinh tế- xã hội địa phương.