Kế thừa truyền thống quý báu hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc, trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng, bằng sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quân và dân ta đã viết nên những trang sử vẻ vang trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm giành độc lập, tự do, thống nhất đất nước.
Để có được những chiến công vĩ đại, hàng triệu người con ưu tú của dân tộc, đã hiến dâng tuổi thanh xuân và cả cuộc sống của mình cho đất nước. Họ đã ngã xuống trên khắp các chiến trường, hoặc khi trở về đã mang trên mình thương tật suốt đời. Hàng triệu thân nhân liệt sỹ; những bậc ông bà, cha mẹ; những người chồng, người vợ và những người con đã mãi mãi không thể gặp lại những người thân yêu nhất của mình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chính họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi… tinh thần của họ luôn sống với non sông Việt Nam”.
Tới thăm mẹ Lê Thị Thê, ngụ tại ấp Xóm Rẩy, thị trấn Phước Bửu vào một ngày đầu tháng 7 – thời điểm mà cả nước đang dấy lên nhiều hoạt động nhằm tri ân các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, Dù đã bước sang tuổi 86, đôi mắt mẹ đã mờ, ký ức không còn rõ nét nhưng những kỷ niệm của mẹ về người chồng và con là liệt sĩ Trần Bân và Trần Thị Ngân không hề phai nhạt. Nhắc đến họ, đôi mắt của mẹ lại nhòe nước. Mẹ kể, ngày đó ở vùng quê nghèo Quảng Trị, mẹ lập gia đình khi tuổi đời còn trẻ, sinh được 5 người con. Chiến tranh cướp đi hạnh phúc của biết bao gia đình, chồng hy sinh năm 1968, lúc đó mẹ vừa sinh người người con út được 2 ngày, bế đưa con đỏ hỏn trên tay chỉ biết khóc, rồi cũng cố gắng nén đau thương nuôi nấng, đùm bọc các con, đến năm 1972 tiếp tục nhận tin giặc bắn cô con gái Trần Thị Ngân, mẹ như ngã quỵ, khóc đến mờ mắt. 42 năm sau ngày đất nước giải phóng, quê hương sạch bóng quân thù, ngần ấy thời gian, không có phút giây nào mẹ thôi mong ngóng chồng, con.
ảnh: mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thê bên bằng Tổ quốc ghi công
của chồng và con là liệt sĩ Trần Bân và Trần Thị Ngân.
Mẹ tâm sự: một tay 5 đứa con dại, vô cùng cực khổ nhưng phải cố gắng nuôi các con đến nơi đến chốn, được nhà nước tặng nhà tình nghĩa mẹ rất mừng, có nơi thờ tự ông và con tươm tất, nhìn các con yên bề gia thất mẹ mừng hơn nữa.
Từ đó đến nay mẹ tiếp tục là trụ cột, là chỗ dựa tinh thần lớn của cả đại gia đình. Trong cuộc sống thường ngày, mẹ luôn răn dạy các con, cháu phải luôn phát huy truyền thống của một gia đình cách mạng, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; trong gia đình phải kính trên, nhường dưới; đối với bạn bè, chòm xóm phải hòa nhã, thân thiện,… Chính vì vậy, các con mẹ giờ đây đều đã có yên bề gia thất, có công việc ổn định, mẹ luôn nhận được sự yêu quý, kính trọng của con cháu cũng như bà con lối xóm, gia đình mẹ nhiều năm liền là gia đình văn hoá tiêu biểu.
Sự hy sinh vì nước, vì dân của các chiến sĩ là vô cùng cao quý. Tổ quốc mãi mãi ghi công, nhân dân đời đời biết ơn và tưởng nhớ. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng viết: “Máu đào của các liệt sĩ ấy đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Nhân dân ta đời đời ghi nhớ công ơn các liệt sĩ”. Người cũng dạy: “Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân và gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Cho nên bổn phận chúng ta là phải biết ơn, phải thương yêu và giúp đỡ họ”.
Không trông chờ, ỷ lại vào chính sách, với phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", không ngại gian khó, nhiều thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ và người có công đã tự vươn lên bằng chính sức lao động của mình. Họ trở thành những tấm gương tiêu biểu và có nhiều đóng góp cho sự phát triển KTXH của địa phương. CCB Võ Văn Mười, thương binh ¾ ngụ tại ấp Gò Cà là một điển hình như thế.
ảnh: ông Mười bên ruộng lúa trĩu bông, thành quả lao động của người CCB cần cù, giỏi giang.
Sau những năm tháng rèn luyện, chiến đấu trên chiến trường, năm 1975, CCB Võ Văn Mười trở về quê hương ấp Gò Cà, xã Phước Bửu cũ, lúc này còn cha mẹ già, các con còn nhỏ, ông đã tích cực lao động sản xuất trên ruộng vườn nhà để chăm lo kinh tế cho gia đình. Ông kể: “thoát ly gia đình năm 1969, tham gia kháng chiến chống Mỹ ở xã Phước Bửu cũ, với chức vụ xã đội phó, đến khi giải phóng về gia đình chăm lo ổn định cuộc sống sau chiến tranh. Đến năm 1988, ông tham gia công tác tại địa phương, kinh qua các chức vụ: cán bộ nông nghiệp, phó chủ tịch UBND Xã, Chủ tịch UBND xã rồi Bí thư đảng ủy xã Phước Thuận. Đến năm 2010, ông nghỉ hưu tiếp tục lao động sản xuất trên 3ha ruộng và nuôi heo rừng lai”.
Trong quá trình sản xuất tại gia đình, ông luôn tích cực học hỏi kinh nghiệm phát triển kinh tế, ứng dụng tiến bộ KHKT vào chăm sóc để thu về những ruộng lúa trĩu bông.
Ông Mười nói: Phát huy phẩm chất bộ đội cụ Hồ từ khi về nghỉ hưu, tôi tiếp tục làm kinh tế gia đình, làm ruộng và chăn nuôi để lo cho con cái ăn học, đến nay, 4 người con có công việc ổn định, kinh tế gia đình thoải mái, con cái thành đạt gia đình rất vui.
Dũng cảm trong thời chiến, giỏi giang trong thời bình, CCB Võ Văn Mười thật sự là tấm gương tiêu biểu cho tinh thần của người thương binh “tàn nhưng không phế”, biết phấn đấu, cần kiệm làm kinh tế giỏi. Góp phần xây dựng cho gia đình và quê hương ngày càng phát triển.