TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Năm, 25/4/2024
Tổng quan về phường
Tin hoạt động-KHCN
Sản phẩmHọat động UBND
Dịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Lượt truy cập: 306977
  GƯƠNG LÀM KINH TẾ GIỎI

  9X bỏ công chức về quê nuôi lợn thả vườn, bán chạy như tôm tươi
05/10/2018

Trang trại chăn nuôi lợn rừng thuộc Hợp tác xã (HTX) Mu Hoom của ông chủ 9X Lương Thanh Tuấn tại xã Kháng Chiến, huyện Tràng Định, (Lạng Sơn) được xây dựng theo quy trình chăn nuôi khép kín. Đặc biệt đây là mô hình khép kín từ khâu chăn nuôi đến khâu giết mổ để cung cấp sản phẩm thịt lợn sạch ra thị trường. Thịt lợn rừng ở đây mổ thịt đến đâu bán hết đến đó, chạy như tôm tươi.

Chăn nuôi theo quy trình hữu cơ

Gặp anh, chàng trai sinh năm 1990 khi anh đang tất bật đuổi đàn lợn ra vườn ăn cỏ, tắm nước khe.  Nói về cái tên của HTX, anh Tuấn chia sẻ: “Mu Hoom là tiếng dân tộc dịch ra có nghĩa là lợn thơm. Mình muốn đặt một cái tên thật đặc biệt để khi nhắc tới khách hàng đã hình dung ra sản phẩm và luôn có lòng tin vào chất lượng sản phẩm của mình”.

Chia sẻ về cơ duyên với nghề nuôi lợn, anh Tuấn cho biết: “Sau khi tốt nghiệp Đại học, mình có làm công chức trong một cơ quan nhà nước, nhưng nhận thấy công việc gò bó, mà tính mình thích tự do, bay bổng nên mình đã bỏ việc về quê”. Mới đầu gia đình ai cũng khuyên nhủ là phải suy nghĩ kỹ, công việc Nhà nước thì ổn định nhiều người muốn còn không được. Hàng xóm, láng giềng nhiều người cũng nghĩ anh dở người, tự dưng bỏ việc về quê “bốc đất, nuôi lợn”.

“Thời gian đó mình cũng suy nghĩ nhiều nhưng mình quyết định bỏ mặc ngoài tai những lời xì xào, bàn tán và bắt đầu suy tính về hướng đi mới cho bản thân”, anh kể.

Một lần tình cờ đi ăn ở ngoài, được thưởng thức món thịt lợn mình thấy thịt ngon, mềm chứ bì không cứng và dai như lợn rừng bình thường, hỏi ra mới biết đó là lợn rừng lai. Đang lúc muốn thử thách bản thân, anh nung nấu ý tưởng mở trại nuôn lợn rừng và từ đó anh tự mày mò tìm hiểu trên mạng, các chương trình trên TV, sách vở...về cách nuôi lợn rừng.

Nói về mô hình chăn nuôi lợn của mình, chàng giám đốc HTX trẻ tuổi luôn hào hứng và nhiệt huyết. Đầu tháng 4.2017, HTX Mu Hoom được thành lập với 7 thành viên với số vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng xây dựng cơ sở vật chất, hệ thống chuồng trại và nhập 35 con giống là lợn đực thuần chủng và lợi nái ỉn Móng Cái để tạo ra dòng lợn lai F1.

“Cái gì mới bắt đầu cũng gian nan, sau thời gian chăm sóc và phối giống đàn lợn nái Móng Cái đẻ nhưng do thời tiết lạnh, mình chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc nên năm đó hơn 100 con lợn con bị chết lạnh. Về sau tìm hiểu mình mới biết là bỏ rơm lót nền sẽ giữ ấm cho đàn lợn”, anh Tuấn kể lại.

Toàn bộ quá trình chăn nuôi lợn rừng lai tại HTX được thực hiện theo quy trình hữu cơ, công tác phòng, chống dịch bệnh được ưu tiên hàng đầu, ngoài tiêm các loại vắc xin phòng bệnh dịch cho đàn lợn theo hướng dẫn của cơ quan thú y, HTX chủ động phòng bệnh tiêu chảy, đường ruột cho lợn bằng các loại lá cây thuốc nam có sẵn vườn nhà.

Để đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho đàn lợn rừng lai, trang trại bố trí 1 ha để trồng cỏ, chuối, trồng cây thuốc nam và 900m2 xây hơn 60 ô chuồng nuôi. Thức ăn cho đàn lợn chủ yếu là thức ăn xanh, gồm cỏ voi, rau và các loại cỏ thân mềm, rau dại, rồi bổ sung thêm cám ngô, cám gạo, đồng thời anh cho lợn ăn thêm bỗng rượu.

Từ trang trại sạch đến bàn ăn!

Nhằm khai thác lợi thế sản phẩm thịt lợn rừng sạch từ trang trại đến người tiêu dùng không qua khâu trung gian, bảo vệ người chăn nuôi, tránh tình trạng “được giá mất mùa, được mùa mất giá”, chiến lược phát triển kinh doanh của HTX là đăng ký và phát triển thương hiệu thịt lợn sạch Mu Hoom. HTX ây dựng lò mổ, khu chế biến thịt lợn rừng sạch và chuỗi cửa hàng bán lẻ ở thị trấn, TP. Lạng Sơn để khách hàng biết và tới mua.

“Phương châm của HTX Mu Hoom là đem sản phẩm thịt lợn “từ trang trại sạch đến bàn ăn”. Mình muốn được nghe trực tiếp những đánh giá, nhận xét từ khách hàng để từ đó có những điều chỉnh, đảm bảo cung cấp sản phẩm sạch tới bàn ăn người tiêu dùng, Muốn có được chỗ đứng và sự cạnh tranh trên thị trường trước hết phải biết lắng nghe và tạo được lòng tin nơi khách hàng”, anh Tuấn chia sẻ.

Sau hơn 1 năm đi vào hoạt động tháng 8.2018, HTX đã bắt đầu có sản phẩm cung cấp ra thị trường và đang dần xây dựng thương hiệu riêng. Những chú lợn rừng lai trên 1 năm tuổi sẽ được HTX tự giết mổ, sau đó tự mang bán tại các điểm bán, đồng thời bán hàng online giao hàng tận nơi với giá dao động 150-160 nghìn/kg thịt lợn. “Hiện tại mình có 1 điểm bán hàng ở thị trấn Thất Khê, và bán online đối với TP.Lạng Sơn các tỉnh như Bắc Giang, Hà Nội... Sản phẩm thịt lợn hiện nay đều nhận được sự đánh giá cao từ khách hàng, thịt đến đâu là bán sạch đến đó”, anh Tuấn cho hay.

Nói về những kế hoạch trong tương lai, chàng trai trẻ 9X xứ Lạng giọng phấn khởi: “Với doanh thu ban đầu hơn 100 triệu/tháng, thời gian tới mình sẽ mở thêm nhiều điểm bán đồng thời tăng đàn lên 1.000 con lợn rừng lai, tăng số lượng thịt cung cấp ra thị trường nhưng vẫn đảm bảo được chất lượng. Nếu có thể mình sẽ mở thêm quán ăn để phục vụ khách hàng không chỉ sạch từ trang trại đến bàn ăn nữa mà sẽ là sạch từ trang trại đến món ăn”.

Với hiệu quả ban đầu và tiềm năng phát triển, quy trình chăn nuôi hữu cơ, HTX Mu Hoom đảm bảo chất lượng sản phẩm sạch, đặc trưng riêng mang sản phẩm sạch, khẳng định được chỗ đứng và thương hiệu trên thị trường. Đây hứa hẹn sẽ là mô hình điểm để nhân rộng ra các địa phương khác trong tỉnh.

 
Danviet
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân phường Kim Dinh, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 820 632 - Fax: (84.064) 3 820 632
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu