TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 26/4/2024
Tổng quan về phường
Tin hoạt động-KHCN
Sản phẩmHọat động UBND
Dịch vụ
Gương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Lượt truy cập: 307222
  TIN HOẠT ĐỘNG-KHCN

  Triết lý làm nông của bà chủ trang trại tại Thạch Thất
30/06/2020

Chị Kim Hoa - chủ trang trại Hoa Viên, Thạch Thất tin rằng sự bền vững của nông nghiệp phụ thuộc tư duy, hành động của con người bên cạnh yếu tố tự nhiên.

Đi sâu qua khoảng chục ngách đồi sỏi đá, nhỏ hẹp tại thôn Dục, xã Yên Bình, huyện Thạch Thất, Hà Nội là một trang trại rau hữu cơ rộng lớn mang tên Hoa Viên. 

Chị Trương Kim Hoa (53 tuổi) là chủ trang trại Hoa Viên rộng hơn 60 ha. Một số người dân ở đây gọi chị là "nữ chúa rừng" vì dám từ bỏ cuộc sống đô thị lên vùng rừng núi chăm hàng nghìn con lợn, trồng rau sạch.

Triết lý làm nông từ mô hình rau hữu cơ lớn nhất miền Bắc 

Một góc trang trại rau hữu cơ Hoa Viên.

Cộng sinh với thiên nhiên

Trang trại của chị Kim Hoa bạt ngàn các loại rau rừng và rau bản địa như: ngót rừng, bò khai, rau mỏ, sau sau, dền chua, măng rừng, sung nếp, hoa và củ chuối rừng... Nơi này trước kia là khu vực sinh sống của người Mường. Đất chủ yếu bỏ hoang hoặc chăn thả bò. Nhìn thấy đất đại bị lãng phí, chị Hoa đã sang nhượng và mời chính những người Mường về canh tác, bón rau, nuôi lợn. Khi đất đai màu mỡ và mô hình sản xuất thành công lại được trả về tay họ.

Nằm gối mình trên cánh rừng nguyên sinh, trang trại rau Hoa Viên có những điều kiện lý tưởng để sản xuất các sản phẩm hữu cơ. Trước đây chị Hoa và các công nhân chỉ trồng rau sạch, từ năm 2013, chuyển hẳn sang nông nghiệp hữu cơ. Chị giải thích vì đất ở đây là đất nguyên sinh chưa bị tác động bởi các tác nhân hóa học và các nguồn gây ô nhiễm. Ngoài ra, chị Hoa cùng các cộng sự đã dẫn 5 km nguồn nước mạch từ núi Vua Bà, lợi dụng thế năng để tưới rau.

Sau mỗi cơn mưa hay vào mùa xuân sang, các luống rau thường bị sâu đánh phá. Lá bị ăn nham nhở, héo vàng, thủng lỗ chỗ. Một số người khuyên chị Hoa dùng thuốc trừ sâu, nhưng chị nhất quyết phản đối, thậm chí huy động công nhân bắt bỏ sâu mỗi ngày, đồng thời lợi dụng thiên địch để diệt sâu.

Triết lý làm nông từ mô hình rau hữu cơ lớn nhất miền Bắc  - 1

Trang trại sử dụng phân trùn quế cải tạo đất.

"Thời gian đầu sâu nhiều như nêm, toàn bộ trang trại gần như lỗ. Nhưng sau đó, nhiều loài chim kéo thành bầy sà xuống các luống rau ăn sâu, kỳ nhông, thằn lằn, cóc trườn từ sườn núi ra để săn mồi. Sinh thái lại trở về mức cân bằng", chị Hoa chia sẻ. Ngoải ra, khi sâu xuất hiện nhiều, chị hướng dẫn mọi người dùng lưới đẩy chúng ra, dồn lại phía ngoài tấm lưới để chim muông, thằn lằn vẫn có chỗ về kiếm ăn.

Công tác dân vận trong nông nghiệp

Năm 2006, chị Hoa đề nghị ông Nguyễn Công Hoàng, lúc bấy giờ là một trung đội trưởng tại Trường Lục quân 1, về trang trại giúp quán xuyến và bao quát công việc. Đam mê nông nghiệp, ông Hoàng xuất ngũ, theo chị Hoa lên chân núi Vua Bà cải tạo đất, nuôi lợn, trồng rau cùng hơn 100 công nhân khác.

Điều đặc biệt rằng là ông Hoàng lại chủ động áp dụng chiến thuật quân đội vào trong nông nghiệp. Với ông, phẩm chất của một người chỉ huy quân đội là cứng rắn đúng lúc và biết "lấy nhu để thắng cương".

"Người trung đội trưởng phải biết cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với chiến sĩ; thì một người làm nông cũng thế. Ngoài công việc, tôi cùng chị Hoa cố gắng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho anh em công nhân. Tôi gọi vui đó là công tác dân vận trong nông nghiệp, ông Hoàng tâm sự.

Triết lý làm nông từ mô hình rau hữu cơ lớn nhất miền Bắc  - 2

Ông Hoàng trực tiếp hướng dẫn công nhân một số kỹ thuật trồng trọt.

Những câu chuyện như làm sai một công đoạn hay thiếu sót trong công việc là chuyện không thể tránh khỏi. Ông kể, có lần một công nhân làm sai quy trình bón cây, nhưng thay vì phê bình chỗ đông người, ông lại đợi đến khi hết giờ làm mới gọi họ ra nói chuyện riêng, phân tích đúng sai, động viên để họ hiểu và rút kinh nghiệm.

Với những người mới vào, ông dành thời gian để trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của họ. Theo ông, mỗi người đóng vai trò như một mô-đun trong hệ thống; khi biết động viên, kết nối lẫn nhau sẽ tạo nên hiệu quả.

Trong hơn 100 công nhân làm việc tại trang trại có khoảng 10% đến từ các miền đất xa xôi như Thanh Hóa, Quảng Ngãi, Hà Tĩnh... trong đó có cả ông Hoàng. Họ sinh sống ngay tại những mái nhà cấp 4 đan xen giữa các khu trồng rau. Họ coi làm nông là niềm vui, đất rừng là quê hương và những người chị em công nhân khác là gia đình.

Nông nghiệp hữu cơ: hướng đi bền vững

Suốt 5 năm đầu chuyển hướng sang mô hình rau hữu cơ, chị Hoa bù lỗ liên tục. Trước câu hỏi "Rau sạch hữu cơ là bước tiến hay thụt lùi của chị?", chị khẳng định, để sản xuất được rau hữu cơ luôn cần những bước đệm. Mô hình này là phát triển bền vững, dài hạn, phải có sự đầu tư ban đầu.

"Công cấy là công bỏ - Công làm cỏ là công ăn", chị Hoa luôn nhắc nhở các công nhân của mình hiểu rằng, tác dụng của việc chăm sóc cây trồng là rất lớn. Dần dần, người ta kháo nhau và tìm đến trang trại của chị ngày một đông.

Học sinh, sinh viên đến trải nghiệm, học hỏi. Các giáo sư, đoàn thể, tổ chức đến tìm hiểu và nghiên cứu. Qua những lần như vậy, chị Hoa, ông Hoàng lại sàng lọc thông tin về kỹ thuật và công nghệ chăm sóc cây trồng, thử nghiệm ngay tại trang trại để chia sẻ với công nhân.

Triết lý làm nông từ mô hình rau hữu cơ lớn nhất miền Bắc  - 3

Một số loài cây như dưa chuột, su hào được trồng xen canh trong nhà màng.

Sản phẩm bước đầu thu về lợi nhuận và đạt sản lượng cao, khoảng một tấn mỗi ngày là phần thưởng cho những năm tháng gian nan của chị Hoa, ông Hoàng và các cộng sự.

Ngoài hướng sản xuất rau hữu cơ, chị Hoa tiếp tục ấp ủ dự định trồng các loại cây thảo dược hữu cơ, cây chống oxy hóa và chống lại sự phát triển của các tế bào ác tính. Chị tự tin vào tương lai của trang trại Hoa Viên và cho rằng "sân chơi thảo dược là một sân chơi công bằng".

Sản phẩm rau của trang trại Hoa Viên đạt tiêu chuẩn hữu cơ của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) Certificate No: 91038 Certified Organic by CERES và chứng nhận hữu cơ phù hợp tiêu chuẩn IFOAM Norms for Organic Production với mã số chứng nhận: VICA S052 – PRO – 0005.

Rau hữu cơ là loại rau canh tác trong điều kiện hoàn toàn tự nhiên, đảm bảo tiêu chuẩn 5 không: không bón phân hoá học; không phun thuốc bảo vệ thực vật; không phun thuốc kích thích sinh trưởng; không sử dụng thuốc diệt cỏ; không sử dụng sản phẩm biến đổi gen.

 

vnexpress
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân phường Kim Dinh, thị xã Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 820 632 - Fax: (84.064) 3 820 632
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu