Thời tiết thất thường, nguy cơ mất mùa điều
22/02/2017

Theo phản ánh của bà con nông dân, đợt mưa trái mùa trước và sau Tết Nguyên đán đúng vào dịp cây điều trổ bông khiến bông bị rụng, không thể đậu trái, cây bị nhiễm nấm và bị các loại sâu bọ tấn công. Hiện tại, hơn 60% diện tích điều của tỉnh bị ảnh hưởng, trong đó rất nhiều cây trổ bông đúng dịp Tết gần như mất trắng.

Ông Vũ Văn Hoàng, nhà ở ấp 4, xã Tóc Tiên (huyện Tân Thành) có 3ha điều đang thời kỳ cho trái cho biết, gần 10 năm gắn bó với cây điều, nhưng chưa năm nào ông chứng kiến dịch bệnh trên điều bùng phát mạnh như vụ này. Mưa trái mùa, ban đêm trời lạnh, sáng sớm có sương muối đã tạo điều kiện cho bọ xít, nấm trên cây điều phát triển mạnh, khiến bông và đọt non bị hư hại. Mặc dù ông Hoàng đã phun 3 đợt thuốc bảo vệ thực vật và thường xuyên vệ sinh vườn, nhưng bọ xít vẫn không giảm. Tỷ lệ điều đậu trái ước tính giảm 60% so với vụ trước. Ông Vũ Văn Hoàng cho biết: “Vụ trước vườn điều cho sản lượng gần 3 tấn, nhưng năm nay chỉ đạt khoảng 30%. Nếu thời tiết tiếp tục diễn biến thất thường như hiện nay thì khả năng vườn điều thất thu rất lớn”.

Huyện Tân Thành có 2.197ha điều, trong đó hơn 16ha trồng mới, tập trung chủ yếu ở các xã: Châu Pha, Tóc Tiên, Hắc Dịch, Sông Xoài. Theo thống kê, toàn huyện Tân Thành hiện có hơn 270ha điều bị bọ xít phá hoại với tỷ lệ phổ biến từ 5 đến 10%; cá biệt có 15 ha bị bọ xít gây hại với tỷ lệ 45 đến 60%; 30ha bị nhiễm bệnh thán thư (do nấm colletotrichum sp là bệnh hại rất phổ biến trên nhiều cây ăn quả. Bệnh có thể gây hại các bộ phận cây như lá, hoa quả, chồi và cành non) với tỷ lệ 5 đến 10%. Trước tình hình dịch bệnh trên cây điều diễn biến phức tạp, Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Thành đã hướng dẫn bà con nông dân sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật phòng trừ dịch bệnh trên cây điều để hạn chế dịch bệnh. Ông Hoàng Đức Tỷ, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Tân Thành cho hay: “Do độ ẩm cao nên bọ xít xuất hiện nhiều. Chúng tôi đã xuống các vườn kiểm tra và hướng dẫn các hộ dân phun thuốc phòng trừ để tránh ảnh hưởng đến các đợt ra hoa tiếp theo”.

Tình trạng này cũng xảy ra tại các vườn điều trên địa bàn các huyện như Xuyên Mộc, Châu Đức. Ông Lê Văn Hải, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Hội (huyện Xuyên Mộc) cho biết, sản lượng niên vụ điều năm nay dự báo sẽ giảm mạnh so với mọi năm, nguyên nhân là do năm nay tình hình mưa kéo dài nên cây điều bị đảo ngược thời gian sinh lý cho trái. Ngoài ra, trong những ngày mưa lại xuất hiện rất nhiều sâu bệnh làm cho nông dân phải tốn thêm nhiều chi phí xịt thuốc. Ông Phạm Văn Tuyển (ấp 5, xã Hòa Hội, huyện Xuyên Mộc) cho biết thêm, 7.000m2 diện tích điều trổ bông vào gần cuối tháng Chạp và qua Tết Nguyên đán đã bị hư hại do gặp mưa và sương muối. Nếu như năm ngoái, với 50 gốc điều, gia đình ông thu được gần 2 tấn hạt, vụ điều này dự báo năng suất giảm 50% do không đậu trái. Còn theo ông Trần Đức Xinh (ấp Phú Lộc, xã Hòa Hiệp, huyện Xuyên Mộc), gia đình ông hiện đang trồng hơn 2,5ha điều. Trước Tết, một số nhánh điều đã đậu trái và phát triển tương đối tốt. Thế nhưng, những cơn mưa trái mùa sau Tết đã ảnh hưởng đến việc ra bông của cây điều. Mưa lớn khiến bông điều bị ngậm nước, hư thối và khó đậu quả. Bên cạnh đó, hiện tượng sương muối làm khô bông, héo trái non với những cây điều đã đậu trái. “Dự đoán mùa điều năm nay, khả năng điều đậu trái không cao, thậm chí có thể mất mùa gần hết cả vườn”, ông Xinh cho biết.

Những năm gần đây, cây điều cho thu nhập quá thấp, chỉ từ 40- 50 triệu đồng/ha khiến nông dân không còn mặn mà với loại cây trồng này. Vì vậy, mặc dù chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch điều nhưng nhiều nông dân sẵn sàng chặt bỏ để chuyển sang cây trồng khác. Hiện tại, toàn tỉnh còn khoảng 9.800ha điều, giảm gần 200ha so với năm 2015. Theo dự báo, diện tích điều trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới. Theo ngành nông nghiệp tỉnh, với thời tiết bất thường hiện nay, ngành cũng chưa đánh giá được mức độ thiệt hại đối với các nhà vườn. Tuy nhiên, đây là cơ hội để dịch bệnh trên cây trồng bùng phát, vì vậy ngành nông nghiệp tỉnh đã chỉ đạo cán bộ phụ trách địa phương tăng cường kiểm tra, ghi nhận, nắm tình hình, đồng thời hướng dẫn nông dân chủ động phòng chống bệnh trên cây trồng. Điều là cây phụ thuộc trên 60% vào điều kiện tự nhiên nên mỗi khi thời tiết xuất hiện những hiện tượng thất thường như mưa trái mùa, không khí lạnh kèm sương muối… sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng. Để hạn chế thiệt hại, bà con nông dân cần thăm vườn thường xuyên, kịp thời có các biện pháp phun, xịt các hóa chất trừ sâu bệnh, côn trùng.

;

Top of Form

 


Số lượt đọc: 487 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác