Ngấm cảnh thua lỗ, người nuôi heo dè dặt
22/02/2017

Giá heo hơi sau một thời gian rớt xuống mức thấp kỷ lục đã bắt đầu tăng nhẹ, từ 26.000 đồng/kg lên 31.000-33.000 đồng/kg. Với mức giá này, người chăn nuôi vẫn lỗ, do đó chưa có nhiều hộ nuôi heo mạnh dạn đầu tư tái đàn.

GIÁ TĂNG VẪN CÒN LỖ

Vừa cho xuất chuồng 10 con heo với giá 31.000 đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, chị Nguyễn Thị Hằng (khu phố 1, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) bị lỗ trung bình 500 ngàn đồng/con heo. Chị Hằng cho biết, theo chu kỳ nuôi, đáng lẽ ra đàn heo này phải xuất chuồng từ trước Tết, nhưng do giá xuống thấp, thương lái chỉ mua với giá 26.000 đồng/kg nên chị không bán. Sau Tết Nguyên đán giá heo tăng nhẹ nên chị Hằng bắt đầu bán dần để chuẩn bị tái đàn. Theo chị Hằng, do nuôi heo bằng thực phẩm thô có sẵn như bắp, cám gạo, thức ăn thừa xin ở các quán ăn nấu cùng với rau, củ phế phẩm nên chị bị lỗ ít. Nếu nuôi heo bằng cám công nghiệp thì người nuôi sẽ lỗ từ 1-1,2 triệu đồng/con heo với trọng lượng trung bình 1 tạ/con.

Trong khi đó, các trang trại chăn nuôi heo với số lượng từ 500-1.000 con trở lên cũng đang cố gắng cầm cự chờ giá lên. Dù heo đã quá trọng lượng để xuất bán nhưng giá vẫn còn thấp nên các chủ trang trại đang “nghe ngóng” thị trường để bán giảm lỗ. Ông Nguyễn Thanh Đính, chủ một trang trại nuôi heo ở xã Láng Lớn (huyện Châu Đức) cho biết, nếu như trước Tết thương lái mua với giá 27.000 đồng/kg, với 680 con heo ước tính ông lỗ hơn 500 triệu đồng, vì vậy ông quyết định để lại nuôi thêm chờ giá cả thị trường sau Tết. “Giữ heo lại nuôi chúng tôi rất hồi hộp vì không biết giá cả thị trường sẽ tăng giảm thế nào. Nếu giá heo không tăng lên thì chúng tôi chịu lỗ thêm tiền thức ăn nuôi thêm trong gần 1 tháng qua. Tuần qua, khi giá heo tăng lên 33.000 đồng/kg, tôi bán hết, tính ra lỗ khoảng 272 triệu đồng. Tuy biết lỗ nhưng vẫn phải bán vì heo trong chuồng đã đến lứa, nếu để nuôi thêm vượt trọng lượng, thương lái không mua thì còn lỗ nặng hơn”, ông Đính nói.

TÁI ĐÀN “NHỎ GIỌT”

So với mọi năm, tình hình chăn nuôi heo thời điểm này rất ảm đạm. Nhiều trang trại, hộ chăn nuôi đã giải phóng đàn heo tồn đọng từ trước Tết cũng chỉ tái đàn “nhỏ giọt”. Trung bình mỗi lứa heo, chị Nguyễn Thị Thủy, người nuôi heo tại xã Suối Rao (huyện Châu Đức) duy trì từ 60-70 con heo thịt, nhưng lứa này trong chuồng của chị chỉ còn 25 con. Chị Thủy cho biết, khoảng 28 Tết chị đã cho xuất bán hết đàn heo 60 con trong chuồng, trọng lượng từ 1-1,1 tạ/con với giá 27.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, chị Thủy lỗ nặng với hơn 1 triệu đồng/con heo. “Giá heo xuống thấp như thời gian qua khiến người nuôi heo chán nản, chỉ muốn treo chuồng không có động lực nuôi tiếp. Tuy nhiên, đây là nghề cho thu nhập chính trong gia đình, nếu không nuôi thì không biết làm gì, chuồng thì không thể để trống, nên tôi chỉ bắt khoảng 20 con heo cùng 5 con heo ở nhà mới đẻ nuôi cầm chừng. Chỉ hy vọng giá cả tăng lên để người nuôi như chúng tôi có thể tái đàn”, chị Thủy cho biết thêm.

Chuyên nuôi heo nái bán giống, trong chuồng nhà ông Phạm Ngọc Phú (khu phố 3, phường Long Tâm, TP.Bà Rịa) hiện có 11 con heo nái. Ông Phú cho biết, năm rồi những tháng đầu năm, heo con của ông còn bán được 1,1-1,2 triệu đồng/con, sau đó giảm còn 900 ngàn đồng/con, hiện tại mỗi con chỉ còn 500 ngàn đồng. Với giá như hiện nay, nếu người nuôi cho ăn thức ăn tổng hợp, mỗi con heo giống bán ra phải được giá từ giá 800 ngàn đồng trở lên mới hoàn vốn và có lời. “Lứa vừa rồi đàn heo của tôi đẻ được 22 con nhưng chỉ bán được 12 con, số heo còn lại tôi phải chuyển sang nuôi để bán heo thịt. Giá heo hiện có nhích lên nhưng không cao, nên lứa này tôi chỉ phối giống cho 4 con nái, còn lại chờ xem tình hình thế nào rồi mới tính tiếp. Nếu nuôi như mọi năm mà giá thấp như hiện tại thì chỉ có lỗ”, ông Phú nói.

Trao đổi về tình hình chăn nuôi heo trong thời gian qua, ông Giao Văn Sỹ, Trưởng phòng chăn nuôi - Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết, sau Tết Nguyên đán, giá heo hơi tuy có tăng nhưng vẫn ở mức thấp. Vì vậy, các chủ trang trại, hộ nuôi heo chỉ cố gắng duy trì tổng đàn hiện có, tập trung vào khâu chăm sóc để nâng chất lượng đàn heo. Những hộ đã giải phóng đàn heo cũng chỉ nuôi cầm chừng với số lượng ít chờ tình hình giá cả. Theo ông Sỹ, việc giải quyết bài toán mất cân đối cung - cầu trong chăn nuôi cần nhiều thời gian với hàng loạt giải pháp hữu hiệu. Tới đây, ngành chăn nuôi tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ nuôi heo nhỏ lẻ chuyển dịch tái cơ cấu chăn nuôi sang tập trung. Đồng thời, khuyến khích, vận động các cơ sở chăn nuôi tham gia chuỗi liên kết theo mô hình chuỗi thực phẩm an toàn, có hợp đồng bao tiêu sản phẩm để ổn định đầu ra. “Ngoài ra, ngành nông nghiệp tỉnh cũng khuyến cáo người chăn nuôi cần theo dõi, thăm dò, nắm bắt nhu cầu thị trường để có hướng đầu tư phù hợp, tránh tình trạng phụ thuộc nhiều vào thương lái, cung vượt cầu heo không bán được, bị ép giá dẫn đến thua lỗ”, ông Sỹ cho biết thêm.

 


Số lượt đọc: 432 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác