Gạo Việt thua thiệt vì ám ảnh... cứu đói
20/03/2017

Ngành lúa gạo đang phải đối mặt với nhiều thách thức, thua ngay trên sân nhà, theo các chuyên gia kinh tế nguyên nhân là do Việt Nam bị ám ảnh về "an ninh lương thực" quá lâu.

Theo TS. Đặng Quang Vinh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cạnh tranh trên thị trường lúa gạo ngày càng gay gắt. ​Thị trường gạo trong nước xuất hiện xu hướng tiêu dùng gạo nhập khẩu, nhất là gạo của Thái Lan và Campuchia vì ngon và thơm hơn.

Trong khi đó, ngành lúa gạo Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức, tồn tại, yếu kém như quy mô nhỏ; biến đổi khí hậu; sản xuất chú trọng về lượng, chưa chú trọng về chất; các nhà sản xuất sử dụng quá nhiều loại giống, trộn lẫn vào nhau nên khi xuất khẩu giá gạo của Việt Nam luôn thấp hơn Thái Lan…

Bên cạnh đó là những bất cập trong chính sách đang kìm hãm sự phát triển của ngành lúa gạo. Cụ thể là Nghị định 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo đưa ra những quy định rất ngặt nghèo về kho chứa, công suất…

Trước đây, cả nước có hơn 200 doanh nghiệp xuất khẩu gạo thì sau khi Nghị định 109 có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo còn khoảng hơn 100 đơn vị.

Theo TS. Đặng Quang Vinh, quy định này đang tạo thế độc quyền cho Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), Vinafood 1, Vinafood 2 về xuất khẩu gạo, tạo ra rào cản cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp xuất khẩu.

TS Vinh cũng cho rằng, các chính sách đất trồng lúa và duy trì sản lượng cao để đảm bảo an ninh lương thực đã và đang gây ra nhiều hệ lụy bất lợi cho nông nghiệp và nông dân; cản trở thị trường thuê, chuyển nhượng đất nông nghiệp.

“Việt Nam không cần duy trì 3,8 triệu ha để đảm bảo an ninh lương thực quốc gia vì hàng năm Việt Nam xuất khẩu 5-7 triệu tấn gạo với giá bán thấp hơn giá bản lẻ trong nước. Điều này đồng nghĩa với việc Việt Nam đang bao cấp gạo cho nhiều nước khác. Với nhu cầu giảm dần và sản lượng dư thừa lớn, có thể nói nỗi lo an ninh lương thực là không có cơ sở thực tiễn”.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, cần phải đổi mới tư duy về lúa gạo, chú trọng vào chất lượng chứ không phải số lượng.

“Hiếm ngành nào chịu nhiều sức ép như lúa gạo, hiếm quy hoạch nào còn quy hoạch đến tận diện tích, sản lượng như với lúa gạo vì tư duy bị ám ảnh quá lâu về an ninh lương thực.

Chúng ta bị ám ảnh an ninh lương thực suốt từ khi thiếu đói cho đến lúc xuất khẩu 8 triệu tấn vẫn lấy an ninh lương thực là số một. Phải phá đi ám ảnh về an ninh lương thực”, bà Chi Lan nhấn mạnh.

Ông Đào Thế Anh, Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và Thực phẩm (Bộ NN&PTNT) cũng có cùng quan điểm.

Theo ông, vấn đề cấp bách hiện nay là chuyển tư duy quản lý theo chất lượng. Tiêu chuẩn lúa gạo của Việt Nam đã rất cũ, từ những năm 60- 70 và không được cập nhật.

Rồi những quy định cứng về xuất khẩu như Nghị định 109 quy định kho, bãi là rất vô lý.

“Phải chuyển quản lý xuất khẩu gạo theo yếu tố cứng sang tiêu chuẩn chất lượng. Ai có chất lượng thì được phép xuất khẩu hoặc đơn giản, doanh nghiệp có hợp đồng là cho xuất khẩu vì thực tế tiêu chuẩn chất lượng do người mua quyết định. Đừng để xảy ra tình trạng như một số doanh nghiệp đã phản ánh, họ có hợp đồng nhưng muốn xuất khẩu phải đi mua giấy phép”, ông Thế Anh nói.

Theo ông, nguyên nhân chúng ta không làm được gạo chất lượng vì lâu nay xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn trông chờ vào hợp đồng chính phủ, chủ yếu là thỏa thuận về an ninh lương thực, cứu đói cho một số nước thiếu gạo. Họ không cần gạo ngon nên bao giờ giá xuất khẩu cũng rất thấp. Doanh nghiệp xuất khẩu không quan tâm đến chất lượng, trộn lẫn các loại gạo với nhau.

Hiện nay chúng ta đang cố làm thật nhiều, đôi khi bán tống bán tháo, giá thấp là dĩ nhiên, ông Thế Anh nói.

Theo ông, cần phải thay đổi hoàn toàn tư duy này vì hiện nay các nước đã giảm nhu cầu hợp đồng chính phủ, tự đầu tư an ninh lương thực.

Việt Nam cần phải xây dựng tiêu chuẩn chất lượng gạo Việt Nam để doanh nghiệp thay đổi tư duy, đầu tư sang hướng chất lượng, có như thế gạo Việt mới có thể cạnh tranh được.


Số lượt đọc: 679 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác