Bỏ sổ hộ khẩu, có bỏ được tệ cửa quyền, nhũng nhiễu?
07/11/2017

Bỏ sổ hộ khẩu, để thay việc quản lý con người bằng mã số định danh là bước đi tất yếu trong quá trình đổi mới phương thức quản trị xã hội, đã bắt nguồn từ 10 năm trước.

Còn gần 3 năm nữa, lộ trình dự kiến bãi bỏ cuốn sổ hộ khẩu mới thực sự hoàn thành. Đó là một khoảng thời gian không hề dễ dàng để vượt qua thói quen của cả người dân, lẫn các cơ quan quản lý trong suốt hơn nửa thế kỷ nay. Nhưng, ngay từ lúc này, Chính phủ đã ghi điểm trong lòng dân chúng bằng việc thể hiện quyết tâm giải phóng con người khỏi những rào cản hành chính.

Trong suốt quá trình tồn tại của cuốn sổ hộ khẩu từ hơn nửa thế kỷ qua, tôi chắc chắn bất cứ gia đình Việt Nam nào cũng có một vài bi kịch liên quan tới nó. Điển hình nhất, có lẽ chính là các cuộc hôn nhân để “đổi biển” tức là để được trở thành người thành phố. Vì thế, bỏ hộ khẩu bằng mọi giá sẽ là một chủ trương khiến bất cứ người dân nào cũng sẵn sàng ủng hộ. Mặc dù, kể từ sau Luật Cư trú 2006, cuốn sổ hộ khẩu thực ra không còn nhiều quyền lực như người ta vẫn ấn tượng về nó.

Luật Cư trú 2006 với quy định tại điều 3 "Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định" thực chất đã tước đi rất nhiều quyền lực của cuốn sổ hộ khẩu. Trong khoảng 10 năm qua, không còn ai chấp nhận phải “hy sinh đời bố” để “củng cố” cho đời con cái hộ khẩu Hà Nội nữa. Các nhà tuyển dụng cũng không còn nêu yêu cầu hộ khẩu như một điều kiện nữa.

Bỏ sổ hộ khẩu, để thay việc quản lý con người bằng mã số định danh là một bước đi tất yếu trong quá trình đổi mới phương thức quản trị xã hội, đã bắt nguồn từ một thập kỷ trước. Không còn sổ hộ khẩu, song nếu như vẫn còn đó các quy định nhiêu khê về hành chính, vẫn còn đó một bộ máy coi việc hành dân như một thứ lợi ích, thì ý nghĩa duy nhất chỉ giản đơn là chúng ta bớt đi được một nguy cơ thất lạc giấy tờ.

Bỏ sổ hộ khẩu không có nghĩa là bỏ quản lý nhân khẩu. Bước đi này mang ý nghĩa về công nghệ là chính. Thay vì quản lý người dân bằng một cuốn sổ giấy, thì sau này sẽ là dữ liệu thông tin được số hoá. Công nghệ có thể giúp chúng ta rút ngắn được thời gian tra cứu, kiểm chứng thông tin về con người. Song, điều quan trọng nhất, là sự phiền hà do thái độ cửa quyền, nhũng nhiễu của đội ngũ công vụ hành chính không phụ thuộc cuốn sổ hộ khẩu của chúng ta bằng giấy hay điện tử.

Với quyết định bỏ sổ hộ khẩu như một chủ trương đổi mới phương thức quản lý con người, Chính phủ đã ghi điểm với người dân về mặt tâm lý. Song, để ghi dấu ấn kiến tạo thực sự, thì hành động quan trọng hơn cần phải là những nỗ lực cải thiện chất lượng quản trị, bãi bỏ những quy định hành chính thừa thãi, phức tạp, tăng cường năng lực cung cấp dịch vụ công.

Người dân mừng rỡ, hoan hỷ vì cuốn sổ hộ khẩu được bỏ đi không phải chỉ vì nó được thay thế bằng một phương thức hiện đại hơn. Bản thân cuốn sổ hộ khẩu không có tội tình gì, tội ở chỗ nó được coi như một công cụ quyền lực để nhũng nhiễu. Vì thế, để người dân thực sự hạnh phúc, điều cần tước bỏ chính là thứ quyền lực lâu nay vẫn nương bóng sổ hộ khẩu.

 


Số lượt đọc: 688 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác