Nếu
nhìn vào các số liệu thống kê của Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hiệp
quốc (FAO) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC), có thể thấy rằng nhận định
của Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) về việc nông dân Việt Nam ngày nay
đã điều tiết được giá hồ tiêu thế giới là có cơ sở. Thế nhưng, điều tiết như
thế nào để có lợi cho chính mình lại là câu chuyện bị thả nổi.
Hai
xu thế “ngược dòng” của giá cả thế giới
Từ các số liệu thống kê về lượng và giá trị hồ tiêu xuất khẩu của FAO và ITC, có thể vẽ được biểu đồ giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta so với của 35 quốc gia trồng hồ tiêu còn lại của thế giới (sau đây gọi tắt là 35 quốc gia khác) như dưới đây.
Theo đó, trong giai đoạn 1991 – 2000 giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta liên tục thấp hơn giá bình quân của 35 quốc gia khác, còn trong 10 năm tiếp theo cũng chỉ được hai năm (2007 và 2008) có giá cao hơn.
Giá xuất khẩu thấp hơn giá của các đối thủ cạnh tranh không chỉ đồng nghĩa với những thua thiệt về lợi ích kinh tế, mà thực tế này cũng có nghĩa là chúng ta không thể điều tiết được giá hồ tiêu thế giới.
Thế nhưng, bắt đầu từ năm 2011 đến nay, có thể thấy hai xu thế giá cả ngược chiều nhau rất rõ ràng sau đây:
Thứ nhất, trong suốt sáu năm (2011 – 2016), giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta không chỉ hầu như liên tục cao hơn giá bình quân của 35 quốc gia khác, mà mức độ “tách tốp” ngày càng rõ ràng hơn.
Cụ thể, ở thời điểm năm 2011, với mức giá xuất khẩu 5.913 đô la Mỹ/tấn, giá của nước ta chỉ cao hơn 368 USD/tấn và 6,6% so với giá bình quân của 35 quốc gia khác. Còn ở thời điểm giá hồ tiêu thế giới đạt kỷ lục mọi thời đại (2015), khoảng cách này lên tới mức kỷ lục 944 USD/tấn và 10,9%.
Như vậy, nếu so với năm 2010, giá hồ tiêu xuất khẩu năm 2015 của nước ta đã tăng đến 5.970 USD/tấn, tương ứng 165,6%, trong khi giá bình quân của 35 quốc gia khác chỉ tăng 5.001 USD/tấn và 137,7%.
Thứ hai, ngược lại, sau quá trình “dò đáy”, giảm giá và thu hẹp khoảng cách với các đối thủ cạnh tranh từ tháng 1/2016 đến tháng 1 năm nay, giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta từ tháng 2 đến nay liên tục bị kéo xuống và ngày càng thấp hơn.
Cụ thể, với việc đẩy lượng xuất khẩu lên trên 20.000 tấn/tháng ngay trong ba tháng đầu năm 2016 (tháng 3 đến tháng 5/2016), giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta đã thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh (322 – 641 USD/tấn, tương ứng với 3,9 – 7,7%). Còn sau đó, với việc giảm mạnh lượng xuất khẩu trở lại, khoảng cách giá cao hơn lại được tái lập và tính chung giá cả năm chỉ còn cao hơn các nước 427 USD/tấn (5,6%).
Thế nhưng, kể từ tháng 2/2017 trở lại đây, với việc đẩy lượng xuất khẩu lên những kỷ lục chưa từng có, giá hồ tiêu xuất khẩu của nước ta tụt dốc không phanh xuống chỉ còn 4.719 USD/tấn trong tháng 6 vừa qua, tức là đã giảm 2.677 USD/tấn (36,2%) so với tháng 1. Trong khi đó, giá xuất khẩu của tám quốc gia sản xuất hồ tiêu chủ yếu còn lại của thế giới tuy cũng giảm mạnh theo, nhưng mức giảm tương ứng cũng chỉ là 1.118 USD/tấn (16,1%).
Nhìn lại vai trò “đầu tàu” của Việt Nam
Nếu như trong giai đoạn 2011 – 2015 chúng ta là “đầu tàu” kéo giá xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh tăng theo thì từ đầu năm đến nay, chúng ta tuy vẫn là “đầu tàu”, nhưng lại là kéo giá xuất khẩu của các đối thủ cạnh tranh giảm theo.
Vì sao có… nghịch lý “đầu tàu” này?
Nếu nhìn vào bức tranh sản xuất hồ tiêu thế giới của FAO, có thể thấy nguồn cung hạn hẹp chính là nguyên nhân khiến giá hồ tiêu bắt đầu tăng nóng kể từ năm 2011 (sau khi đạt kỷ lục 443.000 tấn vào năm 2006, sản lượng hồ tiêu thế giới hầu như liên tục giảm và năm 2012 chạm đáy chỉ với 411.000 tấn).
Thế nhưng, câu hỏi tiếp tục đặt ra là, theo số liệu thống kê của Việt Nam và của Malaysia (dẫn từ nguồn của IPC tại Indonesia), tại sao tổng sản lượng hồ tiêu thế giới năm 2015 ước đã tăng mạnh lên 497.000 tấn mà giá hồ tiêu thế giới vẫn cao kỷ lục?
Có thể nói, lời giải này nằm ở khâu điều tiết giá cả hồ tiêu thế giới của nông dân Việt Nam.
Đó là, tuy được mùa kỷ lục như vậy và sản lượng cũng đạt kỷ lục 177.000 tấn, nhưng lượng xuất khẩu của nước ta trong năm 2015 chỉ đạt 131.000 tấn, giảm mạnh 23.500 tấn và 15,2% so với năm 2014. Không những vậy, số liệu thống kê của ITC còn cho thấy, trong năm này, nhập khẩu của nước ta đã tăng đột biến và đạt 22.300 tấn.
Thực tế này có nghĩa là, có khoảng 60.000 tấn đã được găm lại, khiến tỷ trọng của nước ta trong “rổ hồ tiêu” thế giới giảm mạnh xuống chỉ còn 31,2%, trong khi năm 2014 đạt kỷ lục 38,3%.
Còn hiện tại, nguyên nhân giá hồ tiêu của nước ta tụt dốc không phanh là do chúng ta “bung hàng” quá mạnh. Chỉ trong chín tháng, chúng ta đã xuất khẩu 181.000 tấn, tăng tới 23,3% so với cùng kỳ và vượt rất xa cả năm 2015. Trong khi đó, tổng lượng xuất khẩu của tám nước sản xuất hồ tiêu chủ yếu khác trong nửa đầu năm nay chỉ mới đạt 51.300 tấn, giảm nhẹ 1,8% so với cùng kỳ.
Tính chung lại, tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam và tám nước sản xuất hồ tiêu chủ yếu khác trong sáu tháng đầu năm nay đạt 177.000 tấn, tăng 11,6% so với cùng kỳ. Thực tế này bác bỏ nhận định cho rằng, giá xuất khẩu của Việt Nam giảm mạnh là do nhu cầu tiêu thụ của thế giới yếu, chất lượng hồ tiêu của Việt Nam kém…
Cần có sự hỗ trợ của Nhà nước
Với thị phần hầu như liên tục tăng, tuy nông dân Việt Nam đã giữ vai trò điều tiết thị trường hồ tiêu thế giới ngày càng mạnh kể từ năm 2011 đến nay nhưng rõ ràng là chúng ta đang tự hại mình. Bởi lẽ chúng ta không chỉ đã bị vuột mất cơ hội vàng năm 2015, mà còn đang phải gánh chịu hệ quả do “ôm hàng” quá nhiều ở thời điểm sốt nóng, cho nên đã, đang và chắc chắn sẽ còn phải tiếp tục tăng tốc “xả hàng gây lụt” thị trường hồ tiêu thế giới.
Nguyên nhân chủ yếu có lẽ nằm ở chỗ, hàng ngàn nông dân nước ta tuy có đủ tiềm lực kinh tế để điều tiết việc tiêu thụ hàng hóa của mình nhưng vẫn tù mù về tổng thể cán cân cung – cầu của thị trường hồ tiêu thế giới.
Vì vậy, thay vì chỉ khuyến cáo chung chung, đại loại như nông dân không nên ồ ạt mở rộng diện tích… các cơ quan quản lý cần gánh trách nhiệm thu thập các dữ liệu cần thiết để vẽ ra bức tranh về thực trạng và triển vọng của thị trường hồ tiêu thế giới.
- Phân biệt 9 loại quả phổ biến chín cây hay chín thuốc? (28/09/2019)
- Kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa đồng tiền nở tươi rói đón Tết (13/12/2017)
- Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây sống đời cho hoa nở rực rỡ đón Tết (13/12/2017)
- Mẹo giữ rau củ quả tươi cả tuần (23/11/2017)
- Trồng mận quả xanh lét, ăn ngọt như đường, lãi 300 triệu/năm (22/11/2017)
- Giá lúa gạo miền Bắc tăng chóng mặt (22/11/2017)
- Giá rau Đà Lạt tăng kỉ lục do ảnh hưởng của bão số 12 (10/11/2017)
- 3.000 tấn khoai tây Pháp vào VN: Ảnh hưởng gì đến khoai trong nước? (10/11/2017)
- Ngày 20.9, xuất khẩu lô thanh long tươi đầu tiên sang Úc (20/09/2017)
- Mô hình mới: Trồng đinh lăng thương phẩm ở Xuyên Mộc (20/09/2017)