Giá rau Đà Lạt tăng kỉ lục do ảnh hưởng của bão số 12
10/11/2017

Do ảnh hưởng cơn bão số 12 và tình trạng ngập lụt kéo dài, nhiều diện tích rau xanh trên địa bàn TP Đà Lạt (Lâm Đồng) ngập nước, dập nát hoặc sâu bệnh, thối nhũn. Điều này đã đẩy giá các loại rau củ tăng từ gấp rưỡi, thậm chí gấp 3 so với thời điểm cuối tháng 10, nhưng vẫn không đủ cung ứng cho thị trường.

Giá rau tăng từng ngày
Người trồng rau ở các vùng trọng điểm sản xuất rau Đà Lạt (Lâm Đồng) như Đơn Dương, Nam Hồ, Hà Đông… cho biết, do ảnh hưởng của mưa lũ đã khiến tốc mái nhà lồng, nhà kính trồng rau, nhiều diện tích rau củ bị dập nát, ngập nước. Điều này đã đẩy giá rau củ tăng chóng mặt so với những tháng trước. Theo đó, các loại rau củ có mức tăng từ 20 – 30% so với những tháng trước, riêng một số loại rau củ trồng ngoài trời như cải bó xôi, các loại rau xà lách,... có mức tăng kỉ lục, tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3 so với thời điểm trước đó.
Giá ghi nhận tại vườn, giá rau đã có sự biến động. Xà lách Mỹ (chỉ trồng ngoài trời) từ 30.000 đồng/kg tăng lên 45.000 - 50.000 đồng/kg nhưng không có hàng để mua. Các loại rau xà lách khác đều có giá trên 35.000 đồng/kg, giá tăng từ 30% trở lên so với cuối tháng 10. Bó xôi có giá từ 25.000 đồng/kg tăng lên 40.000 đồng/kg. Giá bí ngòi tăng từ 4.000 đồng/kg lên 15.000 đồng/kg. Giá cà chua vượt ngưỡng 20.000 đồng/kg. Giá súp lơ xanh trên 40.000 đồng/kg. Cà rốt tăng giá từ 20.000 đồng/kg lên 35.000 đồng/kg.
 
Theo các nhà vườn, nguyên nhân dẫn tới tình trạng trên là do hơn một tháng qua, trên địa bàn thành phố liên tục xảy ra mưa lớn làm cho nhiều diện tích rau bị ngập nước, dập nát hoặc sâu bệnh, thối nhũn. Cơn bão số 12 đi qua cũng cuốn phăng nhiều diện tích nhà kính, gây ra tình trạng ngập úng khiến cho sản lượng rau trên địa bàn TP Đà Lạt đã giảm nay lại càng giảm hơn.
Theo ông Nguyễn Lam Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Nông sản thực phẩm Thảo Nguyên, đợt mưa lũ vừa qua đã gây ảnh hưởng đến khoảng hơn 2ha rau củ của Công ty, ước tính thiệt hại gần 300 triệu đồng. Ông Sơn nói: “Do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài kèm theo gió lớn từ cơn bão số 12 đã khiến cho một số nhà kính của Công ty bị thổi phăng, nhiều diện tích rau ngập trong nước đã khiến cho sản lượng thu hoạch giảm đi đáng kể, điều này đã đẩy giá rau củ lên cao. Vài tuần tới, sản lượng rau sẽ bị đứt quãng, giá còn tiếp tục tăng”.
Ông Sơn cũng cho biết thêm, mưa lớn cũng làm đã làm việc xuống giống của một số loại cây trồng bị chậm trễ. “Như mọi năm, thời điểm này đã là cuối mùa mưa, chỉ xuất hiện những đợt mưa nhỏ nhưng năm nay thời gian mưa kéo dài lại xuất hiện thêm cả bão đã khiến cho một số loại cây chưa thể xuống giống. Chúng tôi đang chờ nắng lên để khắc phục những hậu quả của mưa bão và tiếp tục xuống giống cho mùa vụ mới”, ông Sơn cho hay.
Ảnh hưởng đến nhiều tỉnh, thành
Là một vựa rau lớn của cả nước, cung ứng cho nhiều tỉnh thành, việc sản lượng rau củ Đà Lạt giảm cũng đã ảnh hưởng đến giá cả của một số thị trường lớn như TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng... Giá rau củ trên các thị trường này tăng từ 10 - 20%. Chị Nguyễn Mỹ Uyên - chủ một cửa hàng bán rau sạch tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho hay: “Gần một tháng nay, việc nhập các loại rau của Đà Lạt trở nên khó khăn hơn. Có những mặt hàng như cải tím, cải thảo, rau xà lách... chúng tôi đặt cả tuần nay mà hàng vẫn chưa về. Giá của các sản phẩm này đều tăng từ 20 - 30% so với những tháng trước nhưng cũng không có để bán”.
Khảo sát tại một số chợ trên địa bàn Hà Nội như: Mỹ Đình, Cầu Diễn, Nghĩa Tân... các sản phẩm đến từ vựa rau lớn nhất cả nước cũng trở nên khan hiếm. “Thời điểm này Hà Nội bắt đầu lạnh, thời tiết hanh khô khiến cho các loại rau củ miền Bắc cũng ít đi. Mọi năm, thời điểm này chúng tôi nhập thêm rất nhiều các loại rau củ của Đà Lạt để làm phong phú các mặt hàng nhưng năm nay cũng không có để bán”, chị Hường - một tiểu thương bán rau củ tại chợ Mỹ Đình cho hay.
Người tiêu dùng đã trở nên khó khăn, tốn kém hơn mỗi khi lựa chọn các loại rau củ cho bữa ăn của gia đình. Theo chị Thu Hương (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội): “Trước đây tôi chỉ mất khoảng 20.000 - 30.000 đồng để mua rau củ chuẩn bị cho bữa ăn của gia đình, nhưng nay phải tốn đến 50.000 - 60.000 đồng. Tiền rau có khi còn tốn hơn cả tiền thịt”.
 


Số lượt đọc: 945 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác