NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT CHĂN NUÔI
23/07/2019

Ngày 19/11/2018, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XIV đã thông qua Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020. Luật Chăn nuôi được ban hành nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ kinh tế, xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm, phát triển ngành chăn nuôi phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy phát triển sản xuất ngành chăn nuôi, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đáp ứng nhu cầu an ninh thực phẩm và ứng phó với biến đổi khí hậu. Luật Chăn nuôi có những nội dung cơ bản sau:

Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 (Luật Chăn nuôi năm 2018) gồm 8 chương, 83 điều, cụ thể như sau:

- Chương I. Những quy định chung, gồm 12 điều (từ Điều 1 đến Điều 12).

- Chương II. Giống và sản phẩm vật nuôi.

- Chương III. Thức ăn chăn nuôi, gồm 20 điều (từ Điều 32 đến Điều 51), quy định về yêu cầu đối với thức ăn chăn nuôi thương mại trước khi lưu thông trên thị trường

- Chương IV. Điều kiện có sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi, gồm 2 mục.

- Chương VI. Chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi, gồm 6 điều (từ Điều 73 đến Điều 78), quy định về giết mổ vật nuôi; mua bán, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi; bảo quản sản phẩm chăn nuôi; dự báo thị trường sản phẩm chăn nuôi; xuất khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi.

- Chương VII. Quản lý nhà nước về chăn nuôi, gồm 03 điều (từ Điều 79 đến Điều 81), quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ, cơ quan ngang Bộ; trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội.

- Chương VIII. Điều khoản thi hành, gồm Điều 82 và Điều 83, quy định về Hiệu lực thi hành và Quy định chuyển tiếp.

*NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT

- Về điều kiện sản xuất, mua bán con giống vật nuôi (Điều 22), trên cơ sở các điều kiện quy định tại Điều 19 Pháp lệnh về giống vật nuôi năm 2004, Luật Chăn nuôi năm 2008 đã bổ sung một số điều kiện liên quan đến an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và cân đối thị trường chăn nuôi. Theo đó, tổ chức, cá nhân sản xuất con giống vật nuôi phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 53 của Luật này; có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi; có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi; có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi; có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại.

Các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn phải được cấp giấy đủ điều kiện trước khi tiến hành chăn nuôi. Các cơ sở chăn nuôi trang trại vừa, nhỏ, chăn nuôi nông hộ phải đáp ứng trong quá trình chăn nuôi.

- Về quyền và nghĩa vụ của cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi (Điều 25), Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định người chăn nuôi phải thực hiện việc kê khai hoạt động chăn nuôi với chính quyền cấp xã; bảo đảm các điều kiện cơ sở sản xuất, mua bán sản phẩm giống vật nuôi trong quá trình sản xuất, mua bán; lưu hồ sơ giống trong thời gian tối thiểu là 03 năm kể từ ngày sản xuất, mua bán; cung cấp cho người mua sản phẩm giống vật nuôi hồ sơ bao gồm thông tin về tên, địa chỉ cơ sở sản xuất, tên giống vật nuôi, số lượng sản phẩm giống vật nuôi xuất bán, hệ phả đối với gia súc, bản công bố tiêu chuẩn áp dụng, quy trình chăn nuôi; bảo đảm và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm giống vật nuôi phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng; thu hồi sản phẩm giống vật nuôi không bảo đảm về chủng loại, nguồn gốc, chất lượng và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật; chấp hành việc thanh tra, kiểm tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

* Về điều kiện cơ sở chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi (Chương 4)

- Về đơn vị vật nuôi và mật độ chăn nuôi (Điều 53), hiện nay, các nước có nền chăn nuôi phát triển như Mỹ, Canada, Đức, Hà Lan, Pháp, Đan Mạch…đều đang sử dụng đơn vị chăn nuôi để quy hoạch và kiểm soát chăn nuôi. Trên cơ sở thực tiễn đó, Điều 53 của Luật Chăn nuôi năm 2018 đã quy định: Đơn vị vật nuôi là đơn vị quy đổi của gia súc, gia cầm theo khối lượng sống, không phụ thuộc vào giống, tuổi và giới tính. Mỗi đơn vị vật nuôi tương đương với 500 kg khối lượng vật nuôi sống; mật độ chăn nuôi được tính bằng tổng số đơn vị vật nuôi trên 01 ha đất nông nghiệp. Đây là những thông số cơ sở giúp cho việc tính toán mật độ chăn nuôi và sức chịu tải của môi trường, làm căn cứ cho quy hoạch phát triển chăn nuôi trong dài hạn của địa phương cũng như kế hoạch xây dựng trang trại của nhà đầu tư chăn nuôi.

- Về cấp, cấp lai, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn (Điều 58), khác với Pháp lệnh về giống vật nuôi năm 2004, Luật Chăn nuôi năm 2018 đã bỏ quy định về đăng ký chăn nuôi và quy định chỉ trang trại quy mô lớn mới được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi. Đây là quy định nhằm tránh phát sinh thủ tục hành chính đối với tổ chức, cá nhân chăn nuôi, đặc biệt là đối với chăn nuôi nông hộ phục vụ mục đích tự tiêu dùng.

- Về xử lý chất thải trong chăn nuôi, Luật Chăn nuôi quy định cụ thể các trường hợp xử lý chất thải trong chăn nuôi trang trại (Điều 59) và xử lý chất thải trong chăn nuôi nông hộ (Điều 60), bổ sung quy định về xử lý tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi (Điều 61), cụ thể:

+ Việc xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ được quy định như sau: a) Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản; b) Chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng; c) Vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

+ Việc xử lý nước thải chăn nuôi được quy định như sau: a) Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm thu gom, xử lý nước thải chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi trước khi xả thải ra nguồn tiếp nhận theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; b) Nước thải chăn nuôi đã xử lý đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải chăn nuôi được sử dụng cho cây trồng; c) Nước thải chăn nuôi chưa xử lý khi vận chuyển ra khỏi cơ sở chăn nuôi trang trại đến nơi xử lý phải sử dụng phương tiện, thiết bị chuyên dụng.

+ Tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại có trách nhiệm xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi.

+ Chủ chăn nuôi nông hộ phải thực hiện các yêu cầu sau đây: Có biện pháp xử lý phân, nước thải, khí thải chăn nuôi bảo đảm vệ sinh môi trường và không gây ảnh hưởng đến người xung quanh; vật nuôi chết vì dịch bệnh và chất thải nguy hại khác phải được xử lý theo quy định của pháp luật về thú y, bảo vệ môi trường.

+ Xử lý tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi: Tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi bao gồm tiếng ồn phát ra từ vật nuôi, thiết bị sử dụng trong hoạt động chăn nuôi; tổ chức, cá nhân sở hữu cơ sở chăn nuôi trang trại, chủ chăn nuôi nông hộ phải xử lý tiếng ồn phát ra trong hoạt động chăn nuôi đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn trong hoạt động chăn nuôi.

*. Chăn nuôi động vật khác và đối xử nhân đạo với vật nuôi (Chương 5)

- Về chăn nuôi động vật khác (Mục 1), lần đầu tiên, Luật đưa vào các quy định về quản lý nhà nước đối với các vật nuôi như: chim yến, ong mật, chó, mèo, hươu sao,…đồng thời đặt ra các yêu cầu về kiểm soát mật độ, dịch bệnh, kiểm soát môi trường, cân bằng sinh thái xuất phát từ thực tiễn mức độ phổ biến cũng như vai trò quan trọng của những vật nuôi này. Theo đó, Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định cụ thể trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong thực hiện hoạt động chăn nuôi các động vật nói trên như sau:

+ Tổ chức, cá nhân có hoạt động nuôi chim yến trong vùng nuôi chim yến phải bảo đảm môi trường, tiếng ồn, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật (Điều 64).

+ Tổ chức, cá nhân nuôi ong lấy mật phải bảo đảm an toàn dịch bệnh cho đàn ong, vệ sinh môi trường nơi nuôi ong, vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm khai thác từ ong mật (Điều 65).

+ Chủ nuôi chó, mèo phải thực hiện các yêu cầu sau đây: Thực hiện tiêm phòng bệnh dại cho chó, mèo theo quy định của pháp luật về thú y; khi nghi ngờ chó, mèo có triệu chứng bệnh dại phải báo ngay cho Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cán bộ chăn nuôi, thú y cơ sở và thực hiện xử lý theo quy định của pháp luật về thú y; có biện pháp bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y; trường hợp chó, mèo tấn công, gây thiệt hại thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật (Điều 66).

+ Tổ chức, cá nhân chỉ được phép nuôi hươu sao đã được thuần hóa, có nguồn gốc hợp pháp và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nguồn gốc của hươu sao được nuôi. Tổ chức, cá nhân nuôi hươu sao phải có chuồng nuôi phù hợp với đặc tính sinh học của hươu sao, bảo đảm an toàn cho người và vật nuôi khác, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, phòng ngừa dịch bệnh và an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật (Điều 67).

- Về đối xử nhân đạo với vật nuôi (Mục 2), đây là điểm mới nổi bật của Luật Chăn nuôi năm 2018 so với Pháp lệnh về giống vật nuôi năm 2004, nhằm góp phần xây dựng hình ảnh con người Việt Nam giàu nhân văn, thân thiện và đối xử nhân đạo với vật nuôi, tạo điều kiện cho việc hội nhập quốc tế trong chăn nuôi, đồng thời mở ra hành lang pháp lý cho xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam. Theo đó, Luật Chăn nuôi năm 2018 quy định các tổ chức, cá nhân phải đáp ứng yêu cầu sau:

+ Tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải có chuồng trại, không gian chăn nuôi phù hợp với vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống bảo đảm vệ sinh; phòng bệnh và trị bệnh theo quy định của pháp luật về thú y; không đánh đập, hành hạ vật nuôi (Điều 69).

+ Tổ chức, cá nhân vận chuyển vật nuôi phải sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi; cung cấp đủ thức ăn, nước uống cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi (Điều 70).

+ Cơ sở giết mổ vật nuôi phải có nơi lưu giữ vật nuôi bảo đảm vệ sinh; cung cấp nước uống phù hợp với vật nuôi trong thời gian chờ giết mổ; hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi; không đánh đập, hành hạ vật nuôi; có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ; không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ (Điều 71).

+ Vật nuôi sử dụng trong nghiên cứu khoa học và hoạt động khác phải được đối xử nhân đạo theo quy định của pháp luật. Đối xử nhân đạo với vật nuôi phải tôn trọng, hài hòa với hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo, văn hóa truyền thống và được cộng đồng xã hội chấp thuận (Điều 72).

6. Chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi (Chương 6)

Đây là chương hoàn toàn mới và là một trong những nội dung quan trọng nhất trong hoạt động chăn nuôi, nằm ở khâu cuối cùng trong chuỗi giá trị chăn nuôi, trong đó, các quy định về hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu giống vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi được quy định theo hướng thông thoáng, mở cửa, phù hợp với Luật Thương mại năm 2005 và các cam kết quốc tế và xu hướng hội nhập quốc tế, cụ thể:

- Về giết mổ vật nuôi (Điều 73), Luật quy định việc giết mổ vật nuôi phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm và đối xử nhân đạo với vật nuôi. Cơ sở giết mổ phải có hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ của vật nuôi bảo đảm truy xuất được nguồn gốc của vật nuôi đưa vào giết mổ.

- Về mua bán, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi (Điều 74), cơ sở mua bán, sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi phải tuân thủ quy định của pháp luật về thú y, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Sản phẩm chăn nuôi được mua bán, sơ chế, chế biến phải có xuất xứ rõ ràng bảo đảm truy xuất nguồn gốc của sản phẩm. Mua bán sản phẩm chăn nuôi tại vùng công bố dịch bệnh phải thực hiện theo quy định của pháp luật về thú y. Không sử dụng phụ gia, chất hỗ trợ sơ chế, chế biến sản phẩm chăn nuôi đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong sơ chế, chế biến thực phẩm là sản phẩm chăn nuôi theo quy định của pháp luật.

- Về xuất khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi (Điều 77), Luật quy định tổ chức, cá nhân được phép xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi và vật nuôi không thuộc Danh mục giống vật nuôi cấm xuất khẩu. Hồ sơ, chất lượng vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi xuất khẩu theo yêu cầu của tổ chức, cá nhân, nước nhập khẩu và phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

- Về nhập khẩu vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi (Điều 78), Luật quy định:  Vật nuôi và sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu phải có hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật. Trước khi vào lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại cửa khẩu theo quy định, vật nuôi, sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu phải được kiểm tra về chất lượng, an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh theo quy định của pháp luật Việt Nam.


Số lượt đọc: 1349 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác