Luật Trẻ em: 9 điểm đáng chú ý nhất
02/07/2019

Luật Trẻ em năm 2016 được ban hành thay thế Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004 với nhiều nội dung mới, đề cao tầm quan trong của việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Sau đây là những điểm đáng chú ý của luật này:

1.Trẻ em là người dưới 16 tuổi

Luật Trẻ em năm 2016 quy định rõ: Trẻ em là người dưới 16 tuổi. Như vậy, khác với quy định tại Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004. Khái niệm trẻ em hiện nay không còn giới hạn trong phạm vi là công dân Việt Nam mà bao gồm cả trẻ em là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.

Ngoài ra, Luật Trẻ em 2016 còn bổ sung thêm các quy định về nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt như: Trẻ em bị bóc lột, trẻ em bị mua bán, trẻ em di cư, lánh nạn…

2. Các quyền cơ bản của trẻ em

Theo quy định tại Mục 1 Chương 2 Luật Trẻ em, trẻ em có 25 quyền, trong đó có một số quyền cơ bản như:

- Quyền sống: Trẻ em có quyền được bảo vệ tính mạng, được bảo đảm tốt nhất các điều kiện sống và phát triển;

- Quyền được chăm sóc sức khỏe: Trẻ em có quyền được chăm sóc tốt nhất về sức khỏe, được ưu tiên tiếp cận, sử dụng dịch vụ phòng bệnh và khám bệnh, chữa bệnh.

- Quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu: Trẻ em có quyền và bình đẳng về cơ hội được giáo dục, học tập để phát triển toàn diện và phát huy tốt nhất tiềm năng của bản thân.

- Quyền bí mật đời sống riêng tư: Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em.

- Quyền được sống chung với cha, mẹ: Trẻ em có quyền được sống chung với cha, mẹ; được cả cha và mẹ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, trừ trường hợp cách ly cha, mẹ theo quy định của pháp luật hoặc vì lợi ích tốt nhất của trẻ em…

3. Các cấp độ bảo vệ trẻ em

Luật Trẻ em 2016 quy định trẻ em được bảo vệ theo 03 cấp độ, cụ thể:

- Cấp độ phòng ngừa: Gồm các biện pháp áp dụng với cộng đồng, gia đình và mọi trẻ em nhằm nâng cao nhận thức, trang bị kiến thức về bảo vệ trẻ em, xây dựng môi trường an toàn, giảm nguy cơ trẻ em bị xâm hại. (Điều 48)

- Cấp độ hỗ trợ: Gồm các biện pháp áp dụng với trẻ em có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi hoặc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm kịp thời phát hiện, giảm, loại bỏ nguy cơ gây tổn hại cho trẻ em. (Điều 49)

- Cấp độ can thiệp: Gồm các biện pháp áp dụng đối với trẻ em và gia đình trẻ em bị xâm hại nhằm ngăn chặn hành vi xâm hại; chăm sóc phục hồi, tái hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. (Điều 50)

Ngoài ra, Luật còn quy định các yêu cầu bảo vệ trẻ em như: Việc bảo vệ phải bảo đảm tính hệ thống, liên tục, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, ngành; trẻ em được ưu tiên bảo vệ tại gia đình, việc đưa vào cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp tạm thời.

4. Đưa ảnh trẻ từ 7 tuổi lên mạng phải được trẻ đồng ý

Theo quy định tại Điều 21 Luật Trẻ em 2016: Trẻ em được pháp luật bảo vệ danh dự, nhân phẩm, uy tín, bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác; được bảo vệ và chống lại sự can thiệp trái pháp luật đối với thông tin riêng tư. 

Việc công bố thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng phải có sự đồng ý của cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em. Trong trường hợp trẻ em từ đủ 07 tuổi thì việc này còn phải được sự đồng ý của chính các em. Ngoài ra, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trên môi trường mạng và cá nhân khi đưa thông tin bí mật đời sống riêng tư của trẻ em lên mạng còn phải bảo đảm an toàn thông tin của trẻ em (Điều 36 Nghị định 56/2017/NĐ-CP). Năm 2019, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý thông tin này. 

5. Thông tin trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được bảo mật

Bảo mật thông tin, bí mật đời sống riêng của trẻ em là một trong những nguyên tắc trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS được quy định tại Điều 3 Thông tư 09/2018/TT-BLĐTBXH. Theo đó, việc trợ giúp trẻ em nói trên được thực hiện theo các nguyên tắc: Bảo đảm sự tham gia của trẻ em, bảo đảm không kỳ thị, không phân biệt đối xử và bảo đảm bảo mật thông tin.

Người quản lý và trợ giúp trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS đánh giá, xác định nhu cầu cần trợ giúp của trẻ em theo các dịch vụ: Chăm sóc sức khỏe, giáo dục, hỗ trợ nơi ở, trợ giúp pháp lý…Từ đó xây dựng và thực hiện kế hoạch trợ giúp trẻ em phù hợp.

6.Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em

Theo quy định tại Mục 1, 2 Chương II Nghị định 56/2017/NĐ-CP, Bộ Lao động – Thương binh xã chịu trách nhiệm quản lý Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Theo đó, Tổng đài bảo vệ trẻ em là 111,  hoạt động 24 giờ tất cả các ngày trong tuần.

Tổng đài có 08 nhiệm vụ chính, cụ thể:

- Tiếp nhận thông báo, tố giác từ cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân qua điện thoại; lưu trữ, phân tích, tổng hợp thông tin và báo cáo định kỳ, đột xuất cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan khác có thẩm quyền, trách nhiệm về bảo vệ trẻ em;

- Kiểm tra thông tin, thông báo, tố giác ban đầu và chuyển thông tin này đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền, chức năng bảo vệ trẻ em;

- Hỗ trợ người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp đối với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi; theo dõi, đánh giá việc xây dựng và thực hiện kế hoạch này.

- Tư vấn tâm lý, pháp luật, chính sách cho trẻ em, cha, mẹ, thành viên gia đình, người chăm sóc trẻ em…

Ngoài ra, Nghị định 56/2017/NĐ-CP cũng quy định mọi thông tin thông báo, tố giác về các trường hợp xâm hại trẻ em đều được bảo mật trước khi được xác minh. Các cuộc điện thoại gọi đến Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em được miễn phí phí viễn thông và phí tư vấn

7. Ngược đãi trẻ em bị phạt tù đến 05 năm

Điều 6 Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm các hành vi sau: Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em; xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em… Theo quy định tại Khoản 2 Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015 thì: Người nào đối xử tồi tệ hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể con, cháu là người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, người cố ý gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của trẻ em tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 11% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

8. Tử hình đối với người hiếp dâm trẻ em dưới 10 tuổi

Trẻ em có quyền được bảo vệ dưới mọi hình thức để không bị xâm hại tình dục (Điều 25 Luật Trẻ em 2016). Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 thì người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực, giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác đối với người dưới 10 tuổi thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, Luật Trẻ em 2016 còn bổ sung thêm một số quyền của trẻ em như: Quyền được bảo vệ để không bị bóc lột sức lao động, quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc, quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt, quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy…

9. Bán ma túy cho trẻ em bị phạt tù đến 15 năm

Điều 6 Luật Trẻ em 2016 quy định, nghiêm cấm các hành vi sau:

- Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em.

- Xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em.

- Bán cho trẻ em hoặc cho trẻ em sử dụng rượu, bia, thuốc lá và chất gây nghiện, chất kích thích khác, thực phẩm không bảo đảm an toàn, có hại cho trẻ em…

Khoản 2 Điều 251 Bộ luật Hình sự 2015 quy định: Người nào bán ma túy cho người dưới 16 tuổi thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.


Số lượt đọc: 889 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác