Thời gian gần đây, lợi dụng những diễn biến
phức tạp của dịch Covid-19, nhiều cá nhân đã đưa ra những thông tin sai sự
thật, giật gân, câu like trên các trang mạng xã hội. Hành vi này không chỉ làm
nhiễu loạn thông tin, tạo tâm lý hoang mang mà còn gây nhiều khó khăn cho công
tác phòng, chống dịch. Do đó, xử lý kiên quyết việc đưa thông tin sai sự thật
liên quan đến dịch Covid-19 là hết sức cần thiết.
Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam được phát hiện vào ngày 23/02/2020. Từ đó đến nay, trong khi Chính phủ, Bộ Y tế cùng toàn xã hội ra sức đẩy lùi dịch Covid-19 thì có không ít cá nhân cố tình đưa những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch bệnh nguy hiểm này.
Ở tỉnh Lào Cai, ngày 07/3 vừa qua, Công an tỉnh Lào Cai đã phạt hành chính số tiền 40 triệu đồng đối với 4 cô gái về hành vi Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan tổ chức và danh phẩm của cá nhân. Nhóm người này đã dùng tài khoản Facebook đăng các thông tin sai sự thật có nội dung: "Sa Pa cho 9 người khách nước ngoài đi cùng chuyến bay với Nhung…”, và "Hành khách cùng khoang bệnh nhân Nhung đang ở tổ 8, Mường Hoa, phường Bắc Cường, mọi người chú ý nâng cao cảnh giác".
Thống kê từ các cơ quan chức năng cho thấy, từ khi xuất hiện dịch bệnh Covid-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh Covid-19 đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.
Hệ lụy đầu tiên những thông tin sai sự thật về dịch Covid-19 mang đến đó là làm nhiễu loạn thông tin, gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Người dân lẫn lộn giữa tin đúng và tin thất thiệt, tiềm ẩn những nguy cơ gây bất ổn trong cộng đồng dân cư.
Không dừng lại ở đó, thông tin về đời tư của một số người không may nhiễm Covid-19 hoặc người thuộc diện cách ly y tế cũng bị nhiều cá nhân xuyên tạc, “nói quá” để câu like trên mạng xã hội.
Có thể thấy, những thông tin sai sự thật liên quan đến dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua đã có nhiều tác động tiêu cực đối với dư luận xã hội và tâm lý của người bệnh, người được cách ly y tế. Việc thông tin sai sự thật là hành vi trái pháp luật. Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có những diễn biến phức tạp thì thông tin sai sự thật lại càng có tính chất nguy hiểm đối với xã hội. Hành vi lợi dụng mạng xã hội để tung tin đồn thất thiệt, xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, gây hoang mang dư luận ở mức độ nặng thì có thể bị xử lý theo Bộ luật Hình sự. Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đến 30.000.000 đồng với hành vi “cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân”.
Điểm g Khoản 3 Điều 66 Nghị định cũng quy định: Xử phạt 10 đến 20 triệu đồng đối với hành vi “cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác”.
Trong trường hợp, nếu xác định được chính xác người tung tin sai sự thật có tính chất vu khống thì xử lý theo quy định tại Điều 156, Bộ luật Hình sự. Người phạm tội vu khống có thể bị phạt tù từ 3 tháng đến 7 năm.
Được biết, mới đây tại buổi cuộc tiếp Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam, liên quan đến công tác phòng, chống dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo Bộ Công an xử lý nghiêm những người phao tin đồn nhảm trên mạng xã hội, kể cả xử lý hình sự. Điều này thể hiện rõ thái độ kiên quyết xử lý đối với những cá nhân phát tán các thông tin sai sự thật, nhằm ngăn ngừa những hệ lụy tiêu cực đối với xã hội.
Ngày 11/3, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã tuyên bố dịch bệnh Covid-19 là “đại dịch”. Nhằm chung tay cùng cơ quan chức năng ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19, vì vậy việc quan trọng hiện nay đó là bản thân mỗi người cần hết sức bình tĩnh, sáng suốt trong tiếp nhận và xử lý thông tin, theo dõi sát thông tin chính thống về tình hình dịch bệnh; không chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, chưa được xác thực, tránh gây hoang mang dư luận, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch bệnh; kịp thời thông báo đến cơ quan chức năng các trường hợp đăng thông tin bịa đặt, sai sự thật. Cùng với đó, các cơ quan thực thi pháp luật cũng cần tăng cường rà soát, xử lý nghiêm túc, cương quyết đối với những cá nhân cố tình phát tán thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, gây hoang mang lo sợ cho người dân./.
- Việt Nam 'cơ bản khống chế được' dịch Covid-19 (18/06/2020)
- Đề nghị xử phạt lao động công ích người vi phạm hành chính (18/06/2020)
- Những ai có nguy cơ ung thư đại trực tràng? (14/06/2020)
- Trường mầm non sen hồng ra quân hưởng ứng ngày môi trường thế giới (09/06/2020)
- Không yêu cầu xe máy cũ phải bật đèn nhận diện (09/06/2020)
- Lợn hơi bất ngờ hạ nhiệt cả ba miền, chợ dân sinh vẫn vắng bóng người mua (09/06/2020)
- Trồng rau má, càng nắng bán càng đắt, vườn không rộng vẫn thu trăm triệu (05/06/2020)
- Rau 'nhà nghèo' một thời ăn chống đói, nay là đặc sản, thu cả triệu đồng mỗi ngày (29/05/2020)
- ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ XÃ KIM LONG LẦN THỨ VI THÀNH CÔNG TỐT ĐẸP (29/05/2020)
- 'Vương quốc mắm' miền Tây với 10 loại mắm có một không hai ăn một lần nhớ mãi (21/05/2020)