Nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao tròn
09/06/2016
Với nhiều ưu điểm như nuôi được với năng suất cao, tốn ít chi phí, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường… hiện mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng trong ao tròn nhỏ, có sử dụng hệ thống xử lý chất thải đáy đang được nhiều địa phương và trang trại nuôi tôm ứng dụng và cho hiệu quả cao...

 

 Ưu điểm:

So với những ao nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích thông thường từ 2.000 - 5.000m2, ao nuôi hình tròn, có diện tích nhỏ mang nhiều ưu điểm. Do diện tích ao nhỏ, nên việc thu gom chất thải vào giữa bằng tác động của máy quạt nước rất hiệu quả, việc loại bỏ chất thải ra khỏi ao được thực hiện dễ dàng, nền đáy được kiểm soát trong suốt vụ nuôi, giảm thiểu bùng phát vi khuẩn có hại và khí độc. Quan trọng nhất là giảm thiểu tối đa chi phí sử dụng hóa chất xử lý môi trường. Do không mất nhiều thời gian cải tạo cũng như cho ao nghỉ nên mỗi năm có thể nuôi 3 vụ.

Thiết kế ao:

Ao nuôi có hình tròn, diện tích 500 - 2.000m2, tốt nhất 500 - 1.000m2. Chiều sâu của ao 2 - 2,2m, chiều sâu mực nước 1,5 - 2m. Được trang bị máy quạt nước và máy tạo ôxy đáy. Đáy ao nên được lót bạt hoàn toàn hoặc được đổ xi măng.

Ao nuôi không thiết kế cống thoát nước mà sử dụng ống nhựa PVC đường kính miệng lớn để cấp, thoát nước. Ống PVC được chôn ở vị trí phần giữa đáy ao, nơi chất thải tập trung để hút chất thải ra ngoài. Từ đó nước được hút sang hệ thống xử lý nước, rồi chảy lại vào ao nuôi. Như vậy ao có tính khép kín tốt, đồng thời tránh ô nhiễm môi trường.

Đặc biệt là hệ thống chất thải ô nhiễm phần đáy dưới tác dụng của máy quạt nước, nước quay tròn, giúp tập trung chất thải vào chính giữa và thải liên tục ra ngoài.

Ao lắng có diện tích bằng 30% so diện tích ao nuôi. Lấy nước vào ao lắng qua túi lọc bằng vải dày nhằm loại bỏ ấu trùng tôm, cua, còng… Nước trước khi vào ao nuôi cần được xử lý trong ao lắng bằng Clo, liều lượng 2kg/1.000m3 nước để khử trùng, quạt nước liên tục trong 1 ngày, rồi dùng tiếp BKC, liều lượng 2 lít/1.000m3 nước, sau 2 ngày dùng vôi CaCO3 hòa tan, té xuống nước để ổn định pH, dùng EDTA, liều lượng 5kg/1.000m3 để khử kim loại nặng và ổn định độ kiềm. Sau đó lọc qua lưới có kích thước 80 mắt, rồi hút nước vào ao nuôi.

Chuẩn bị ao:

Trước khi thả nuôi tôm 10 ngày, tiến hành gây màu nước cho ao nuôi.

Phương pháp thứ nhất, sử dụng 2kg cám gạo hoặc cám bắp, 1kg bột cá, 2kg bột đậu nành. Trộn đều hỗn hợp trên, sau đó nấu chín, ủ kín trong 2 - 3 ngày, rồi bón để gây màu, liều lượng 3 - 4kg/1.000m3 nước, bón liên tục trong 3 ngày, 7 ngày sau tiếp tục bón bổ sung với liều lượng bằng 1/2 so với ban đầu.

Phương pháp thứ 2, phối trộn theo tỉ lệ 3kg mật đường, 1kg cám gạo hoặc cám bắp, 3kg bột đậu nành, trộn đều, ủ trong 12 giờ. Dùng cám ủ để bón lên màu, liều lượng 2 - 3kg/1.000m3 nước, liên tục trong 3 ngày, 7 ngày sau bón bổ sung với liều lượng bằng 1/2 liều lượng so ban đầu.

Thả tôm giống cỡ P15, vào chính vụ có thể nuôi với mật độ 200 - 300 con/m2, vụ nghịch có thể nuôi với mật độ 120 - 150 con/m2.

Quản lý ao:

Hàng ngày, rút lượng chất thải trong ao thông qua hệ thống ống PVC dưới đáy. Thời kỳ đầu vụ nuôi cấp bù lượng nước thải ra, thời kỳ giữa thay nước tùy theo chất lượng nước, thời kỳ cuối mỗi ngày thay nước khoảng 30cm, chất lượng nước kém nên thay trên 50cm/ngày.

Trang bị đầy đủ máy quạt nước và bố trí máy ôxy đáy. Duy trì quạt nước 24/24 giờ, máy ôxy đáy có thể dùng cả ngày hoặc chỉ dùng ban đêm, tùy theo tình trạng ao và sức khỏe tôm nuôi, nhưng luôn đảm bảo hàm lượng ôxy hòa tan duy trì ở mức trên 4 mg/lít.

Sử dụng thức ăn công nghiệp có chất lượng cao, hàm lượng đạm 32 - 38%. Cho ăn ngày 4 lần vào sáng, trưa, chiều và tối. Trong quá trình nuôi định kỳ bổ sung khoáng chất vào môi trường nước và vitamin C, thuốc bổ gan vào thức ăn. Khi nhiệt độ cao hơn 34 độ C và thấp hơn 24 độ C, giảm 20% lượng thức ăn.

Thời gian nuôi từ 80 - 120 ngày, tôm thu có kích thước 40 - 70 con/kg.

 

 


Số lượt đọc: 592 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác