Quy trình kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng gà lông màu nuôi thả vườn (Phần 2: Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng giai đoạn gà con)
11/08/2016
      Trong điều kiện tất cả các yếu tố khác là thích hợp thì mật độ càng thấp sẽ cho khả năng tăng trưởng càng cao và tỷ lệ nhiễm bệnh càng thấp...

2.1. Chọn con giống

Chọn những con gà lông bông, bụng thon nhẹ rốn kín, mắt to tròn sáng và nhanh nhẹn, chân bóng cứng cáp không dị tật, đi lại bình thường, mỏ khép kín.

 

2.2. Kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng giai đoạn gà con

2.2.1. Chuẩn bị úm

* Quây úm

Quây úm được sử dụng các tấm cót quây với chiều cao 50cm, mỗi quây có đường kính 2 - 3m nuôi úm 200 - 300 con, để tập trung nguồn nhiệt, tránh gió lùa. Từ ngày thứ 5 tăng diện tích vùng quây để gà có thể hoạt động di chuyển một cách thoải mái đến máng ăn, máng uống.

Mùa nóng từ ngày 14 có thể bỏ quây để gà con tự do chạy khắp chuồng úm, được ăn tự do.

Gà con cần được thả vào từng quây nuôi úm ngay sau khi nhận gà về và số lượng gà cần phân bổ vào các quây úm một cách đồng đều.

Gà con phải được uống nước và ăn thức ăn sạch. Những con được cho ăn và uống sớm thường cho thấy có tốc độ sinh trưởng và độ đồng đều cao hơn so với những con được ăn uống muộn.

* Yêu cầu nhiệt độ chuồng nuôi úm

Bảng 1: Yêu cầu về nhiệt độ (0C)

Ngày tuổi

Nhiệt độ tại quây úm

Nhiệt độ chuồng nuôi

0-3

37

31 – 32

4-7

35

31 – 32

8-14

32

29 – 30

15-21

29

28 – 29

22-24

 

25 – 28

25-28

 

22 – 25

29-35

 

21 – 22

Sau 35 ngày

 

18 – 21

Thiết bị sưởi ấm: Có thể dùng bóng điện, bóng hồng ngoại ở những nơi có điện hoặc đèn thắp sáng, bếp than, lò ủ trấu ở vùng sâu vùng xa. Vị trí đặt thiết bị sưởi ấm trong quây hay trong ô chuồng cao hay thấp tuỳ thuộc vào yêu cầu về nhiệt độ ở từng giai đoạn.

Trong quá trình nuôi phải quan sát phản ứng của gà đối với nhiệt độ:

+ Nếu gà tập trung gần nguồn nhiệt, chen lấn chồng đống lên nhau là chuồng nuôi không đủ nhiệt độ gà bị lạnh.

+ Nếu gà tản xa nguồn nhiệt nháo nhác, khát nước, há mỏ để thở là bị quá nóng cần phải điều chỉnh giảm nhiệt độ.

+ Nếu gà tụm lại một phía là bị gió lùa rất nguy hiểm cần phải che kín hướng gió thổi.

+ Khi đủ nhiệt gà vận động ăn uống bình thường, ngủ, nghỉ tản đều.

Cần phải quan sát một cách thận trọng và liên tục diễn biến của đàn gà trong giai đoạn nuôi úm bởi vì đây là chỉ dẫn tốt nhất về nhiệt độ hợp lý.

Trong điều kiện nhiệt độ môi trường cao, phải lưu ý đến mật độ đàn, độ thông thoáng và ẩm độ không khí. Chúng ta có thể sử dụng tấm làm mát cho bay hơi nước, dùng quạt hút hoặc đẩy không khí nóng làm giảm nhiệt độ chuồng nuôi.

2.2.2. Chăm sóc nuôi dưỡng

* Mật độ

Trong điều kiện tất cả các yếu tố khác là thích hợp thì mật độ càng thấp sẽ cho khả năng tăng trưởng càng cao và tỷ lệ nhiễm bệnh càng thấp.

Mật độ nuôi: 10-15 con/m2

Trong giai đoạn này đối với phương thức nuôi gà bán chăn thả và chăn thả: 4 tuần đầu nuôi nhốt trong chuồng. Cuối tuần 4-5 vào những ngày nắng ấm mỗi ngày gà được thả gà ra 1-2 giờ để gà làm quen dần với môi trường chăn thả. Sau một thời gian quen dần thì chúng ta mới thả gà thường xuyên.

* Chiếu sáng

Giai đoạn gà con cần chiếu sáng 24/24 giờ để gà được ăn cả ngày lẫn đêm và phát phát huy được hết khả năng sinh trưởng.

* Nước uống

Nước uống cho gà cần sạch và phải được cấp thường xuyên. Bồn chứa và ống dẫn phải vệ sinh hoặc thực hiện rửa sát trùng đúng thời hạn.

Nước là nhu cầu đầu tiên của gà khi mới xuống chuồng. Nước cung cấp cho gà uống không được lạnh, tốt nhất là hơi ấm (khoảng 18-210C) trong 2 ngày đầu. Để tăng sức đề kháng trong những ngày đầu có thể pha vào nước 5g đường Glucoza + 1g vitamin C/1 lít nước uống.

Sử dụng chụp nước uống bằng nhựa 3,5 - 4 lít cho 50-100 gà con. Vị trí đặt máng uống phải bố trí cho gà con dễ tiếp cận không bị máng ăn che khuất. Tốt nhất nên sử dụng máng uống bằng vật liệu có độ sáng bóng để hấp dẫn gà tới máng. Tuân thủ cho gà uống nước trước, sau 2 giờ mới cho thức ăn.

* Chế độ dinh dưỡng nuôi gà con

Để đạt được năng suất tăng trọng tốt nhất cần phải cho gà ăn theo khẩu phần có chất lượng tốt với mức protein và mức năng đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Bảng 2: Chế độ dinh dưỡng nuôi gà giai đoạn 0-4 tuần

Chỉ tiêu

0 - 4 Tuần tuổi

ME (kcal/kg)

2.900

Protein (%)

22,00

Canxi (%)

1,00

Phot pho (%)

0,69

Lizin (%)

1,12

Methionin + cystin (%)

0,48

- Máng ăn: 1-3 ngày đầu có thể dùng giấy xi măng, giấy báo cũ trải lên chất độn chuồng để gà dễ ăn và phòng nhiễm trùng rốn. Trong 1-3 tuần đầu sử dụng khay ăn bằng tôn, nhựa với kích thước 3 x 50 x 80cm cho 100 gà con. Sau 3 tuần nên thay máng ăn dài hoặc máng P50 cho hợp vệ sinh. Chiều dài máng ăn bình quân/gà cần phải đảm bảo:

Tuần tuổi: 1-2 - Khoảng cách: 3-4 cm/con

Tuần tuổi: 3-6 - Khoảng cách: 4-5 cm/con

Khi dùng máng treo cần phải thường xuyên điều chỉnh độ cao ngang vai gà để gà ăn một cách thoải mái và tránh bị rơi vãi thức ăn.

- Kỹ thuật cho ăn

Gà được ăn sau khi đã được uống nước.

Đối với gà thịt: Cần cho gà ăn nhiều lần trong ngày. Lượng thức ăn mỗi lần cân đối đủ theo nhu cầu để thức ăn luôn được mới, sạch sẽ, kích thích tính thèm ăn của gà. Mỗi lần cho ăn cần loại bỏ chất độn chuồng và phân lẫn trong máng để tận dụng cám cũ.

Chỉ nên cung cấp một lượng thức ăn nhỏ và sẽ cấp bổ sung khi gà ăn hết thức ăn. Tránh cấp lượng thức ăn lớn gà không ăn hết dẫn đến ôi thiu làm mất tính thèm ăn của gà. Hơn nữa thức ăn cho nhiều dẫn đến rơi vãi lẫn với chất độn chuồng, gây xuất hiện nấm mốc hậu quả gà ăn vào sẽ ảnh hưởng đến khả năng tăng trưởng.

 

 


Số lượt đọc: 983 Về trang trước Về đầu trang
Các tin khác