Q.ưu số 1 là giống lúa lai 3 dòng do Công ty TNHH Giống cây trồng Trung Nhất (Trùng Khánh, Trung Quốc) lai tạo và tuyển chọn, được Bộ NN- PTNT VN công nhận chính thức theo Quyết định số 2878/QĐ/BNN- TT ngày 4/10/2006.
Giống có năng suất cao, ổn định, chống chịu sâu bệnh tốt. Q.ưu số 1 thích hợp trên chân đất vàn và vàn cao, đất tốt, chủ động tưới tiêu. Chống chịu rất tốt bệnh đạo ôn trong vụ xuân, chịu rét tốt và chịu nóng khá. Giống thích hợp cấy cả 2 vụ xuân và vụ mùa.
Giống lúa lai Q.ưu số 1 có thời gian sinh trưởng ngắn: Vụ xuân muộn 125 - 130 ngày, vụ mùa 105 - 110 ngày. Chiều cao cây 95 - 105 cm. Bông dài, nhiều hạt, dạng hạt dài, vỏ trấu màu vàng sáng, trọng lượng 1.000 hạt nặng 28gram. Năng suất trung bình 75 - 80 tạ/ha, thâm canh cao có thể đạt tối đa 95 tạ/ha. Cơm thơm ngon.
Có mặt ở Việt Nam hàng chục năm qua, Q.ưu số 1 đã chứng tỏ sức sống lâu bền của một giống lúa lai có khả năng chạy đường dài khá tốt. Trong những năm qua, nông dân miền Bắc đã chứng kiến những cuộc “đổ bộ” liên tục của nhiều giống lúa lai Trung Quốc vào Việt Nam. Nhưng những giống trụ lại trên đồng ruộng, được nông dân ghi nhận không nhiều. Và hậu quả là đến cuối những năm 2010, xuất hiện một cuộc “thoái trào” của lúa lai ngoại.
Nhưng Q.ưu số 1 dường như có một lối đi riêng, lặng lẽ mà lâu bền. Trước khi được công nhận chính thức năm 2006, giống lúa này đã được “thử lửa” trên nhiều đồng đất với những đánh giá tốt từ phía cơ quan quản lý ngành nông nghiệp các địa phương cũng như bà con nông dân.
Sau khi được công nhận, Q.ưu số 1 lập tức khẳng định chỗ đứng của nó tại nhiều tỉnh, thành. Tại huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) vụ mùa 2009 Q.ưu số 1 đạt 76,2 tạ/ha. Tại huyện Tiên Du (Bắc Ninh) vụ xuân 2010 Q.ưu số 1 vọt lên 87,9 tạ/ha, tại huyện Thuận Thành vụ mùa 2011 đạt 78,4 tạ/ha, tại TX Từ Sơn vụ xuân 2013 đạt 78,4 tạ/ha.
Không chỉ ở đồng bằng, Q.ưu số 1 đã leo lên tận các huyện vùng cao của miền núi phía Bắc. Tại huyện Pắc Nặm (Bắc Kạn) vụ xuân 2011 sau khi đặt chân vào huyện này, Q.ưu số 1 có màn ra mắt khá ấn tượng khi ngay vụ đầu tiên đã đạt năng suất cực cao, 81,3 tạ/ha. Tại phường Đề Thám (TP Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng), vụ xuân 2012 giống lúa này cán đích ở mức năng suất không thể tốt hơn, 78,9 tạ/ha.
Tại các tỉnh miền Trung, Q.ưu số 1 đã có mặt ở những địa bàn vốn luôn là “đấu trường” của lúa lai. Nói là “đấu trường” không hề quá, vì tại tỉnh Nghệ An thường có sự góp mặt của trên dưới 50 Cty giống hàng đầu. Lặng lẽ đặt chân vào tỉnh Nghệ An, ngay vụ xuân 2011, Q.ưu số 1 đã ghi dấu ấn với nông dân huyện Thanh Chương khi năng suất bình quân đạt 88,6 tạ/ha. Đến vụ xuân 2013 này, tại huyện Đô Lương trong lúc nhiều giống lúa khác cho năng suất khá khiêm tốn thì Q.ưu số 1 vẫn bội thu với 88,2 tạ/ha.
Yêu cầu kỹ thuật:
+ Thời vụ:
- Vụ xuân muộn gieo mạ 20/01 - 10/02. Nên gieo mạ thưa, có che phủ nilon. Nên cấy khi mạ có 4 - 5 lá.
- Vụ hè thu và vụ mùa nên gieo mạ trong khung thời vụ tốt nhất của địa phương. Cấy khi mạ đạt 15 - 20 ngày tuổi.
+ Mật độ cấy: 40 - 45 khóm/m2, cấy 1 - 2 dảnh/khóm, cấy nông tay.
+ Phân bón và cách bón:
- Phân chuồng: 300 - 400 kg/sào Bắc bộ (360 m2), 500 - 600 kg/sào Trung bộ (500 m2).
- Super lân: 15 - 20 kg/sào Bắc bộ, 20 - 25 kg/sào Trung bộ.
- Đạm ure: 8 - 10 kg/sào Bắc bộ, 11 - 13 kg/sào Trung bộ.
- Kali clorua: 8 - 10 kg/sào Bắc bộ, 11 - 13 kg/sào Trung bộ.
Cách bón: Bón lót trước khi bừa cấy 100% phân chuồng + 100% super lân + 40% đạm + 20% kali.
Bón thúc lần 1 khi lúa bén rễ hồi xanh: 50% đạm + 30% kali kết hợp làm cỏ sục bùn.
Bón thúc lần 2 khi lúa đứng cái làm đòng: Toàn bộ lượng phân còn lại.