TRANG CHỦ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH Dịch vụ công trực tuyến THỦ TỤC HÀNH CHÍNH SƠ ĐỒ WEB TÌM KIẾM THÔNG TIN HỎI VÀ ĐÁP
Thứ Sáu, 22/11/2024
Hoạt động UBND xã
Tin tức trong huyện
Tin tức trong tỉnh
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Thông báo của UBND xã
Hỏi đáp
Lịch công tác

WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
vananhvt88
longttkhcn
WEBSITE KHÁC
THƯ VIỆN HÌNH ẢNH
DỰ BÁO THỜI TIẾT

Lượt truy cập: 192432

  TÀI LIỆU KHCN

  Phòng trừ một số sâu bệnh gây hại trên cây tiêu
12/03/2014

Các loại sâu bệnh sinh ra từ đất thường rất khó chữa trị, nhất là đối với cây hồ tiêu, một loại cây trồng có bộ rễ rất nhạy cảm với sự tấn công của sâu bệnh.

Chúng tôi xin giới thiệu một số triệu chứng và cách phòng trị sâu bệnh gây hại trên cây tiêu.

1. Bệnh vàng lá (bệnh chết chậm)

Triệu chứng

Ban đầu cây sinh trưởng, phát triển chậm, lá vàng (các lá già thường bị vàng trước) sau đó héo và rụng, tiếp theo là các đốt bị rụng. Những cây bị bệnh thường có bộ tán lá thưa thớt, ra hoa và đậu quả kém dẫn đến năng suất và chất lượng giảm. Hiện tượng cây sinh trưởng kém, vàng lá thường xuất hiện thành từng vùng cục bộ; lúc đầu chỉ có một vài cây, sau đó lan rộng ra hoặc phát triển thành nhiều vùng. Triệu chứng vàng và rụng lá, rụng đốt thường phát triển chậm và kéo dài, có khi vài ba năm sau khi xuất hiện triệu chứng cây mới chết.

Hệ thống rễ của cây tiêu bị bệnh phát triển kém, đầu rễ bị thối, rễ có những nốt sần. Những nốt sần này có thể xuất hiện riêng lẻ hay tạo thành từng chuỗi. Khi cây bị bệnh nặng thì các rễ chính và phụ đều bị thối.

Nguyên nhân gây bệnh

Tác nhân gây triệu chứng nốt sần trên rễ chính là tuyến trùng Meloidogyne incognita và triệu chứng thối đầu rễ là do sự gây hại của một số loài nấm, chủ yếu là: Fusarium solani, Phytophthora spp., Pythium spp….

Biện pháp phòng trừ

Cần chú trọng các biện pháp phòng trừ bằng canh tác và sinh học, hạn chế sử dụng biện pháp hóa học.

- Không nên trồng tiêu trên các vườn tiêu đã nhổ bỏ do bị tuyến trùng gây hại mà chưa qua thời gian luân canh. Đất làm vườn ươm cũng không nên lấy từ những vườn này.

- Trước khi trồng mới cần vệ sinh đồng ruộng để loại bỏ các tàn dư thực vật, cày phơi đất trong mùa khô để diệt nguồn tuyến trùng trong đất.

- Bón phân cân đối và thường xuyên bổ sung chất hữu cơ cho cây vì ngoài việc bổ sung dinh dưỡng và cải tạo đất trong phân hữu cơ còn có các vi sinh vật đối kháng với tuyến trùng có thể hạn chế được sự phát triển của tuyến trùng.

- Thường xuyên theo dõi và kiểm tra vườn cây để phát hiện bệnh và xử lý sớm.

- Hạn chế xới xáo và tưới tràn trong vườn tiêu bị bệnh.

- Khi bệnh đã xuất hiện, đào bỏ các cây bệnh nặng. Đối với những cây tiêu bị bệnh nhẹ có thể sử dụng thuốc trừ nấm Viben C 50 BTN 0,3 % (2 - 4 lít dung dịch/ gốc) kết hợp với một trong các loại thuốc trừ tuyến trùng như: Nokaph 10 G (20 - 30 g/ gốc), Oncol 20 ND 0,3 % (2 - 4 lít dung dịch/ gốc), Marshal 200 SC 0,3 % (2 - 4 lít dung dịch/ gốc), Marshal 5 G (50 - 100 g/ gốc, với số lần xử lý 2 - 4 lần vào mùa mưa, mỗi lần xử lý cách nhau 1 tháng để phòng trừ.

Các loại thuốc hạt và bột cần được rải ở độ sâu 10 - 20 cm, sau đó lấp đất lại. Việc xử lý thuốc nên được thực hiện trong điều kiện đất đủ ẩm.

2. Bệnh do nấm Phytophthora

Triệu chứng

Bệnh xuất hiện trên tất cả các bộ phận và ở các giai đoạn sinh trưởng của cây tiêu. Nấm bệnh có thể gây hại trên lá, chùm quả, thân, rễ, nhưng phổ biến nhất là ở phần thân nằm trong đất nơi tiếp giáp với mặt đất.

Sự gây hại của nấm Phytophthora trên cây tiêu được chia thành 2 nhóm: gây hại bộ phận rễ, thân ngầm dưới mặt đất và gây hại bộ phận khí sinh.

+ Triệu chứng trên thân ngầm (thối cổ rễ): Nếu nấm bệnh tấn công vào phần thân ngầm ở phần cổ rễ sẽ làm cây tiêu chết đột ngột và gọi là bệnh chết nhanh (Quick wilt disease). Đầu tiên trên phần thân ngầm tiếp giáp với mặt đất có những vết thâm đen. Dần dần các vết thâm đen này lan rộng và ăn sâu vào bên trong thân ngầm làm tắc mạch dẫn của dây tiêu. Dây tiêu bị bệnh có triệu chứng lá bị héo nhưng vẫn còn xanh. Sau đó lá úa vàng, héo rũ, chết khô cùng với dây trên cây. Thời gian từ khi lá bắt đầu héo đến khi dây tiêu bị chết rất nhanh, thường chỉ trong vòng 5 - 10 ngày. Thường khi nấm bệnh mới xâm nhiễm vào thân ngầm, dây tiêu vẫn còn xanh tốt chưa thể hiện triệu chứng héo lá; do đó rất khó phát hiện bệnh sớm. Đến khi dây tiêu bị héo lá thì thân ngầm đã bị gây hại nặng, khó phòng trị. Khi cây bị bệnh nặng, thân ngầm và rễ cây thâm đen, hư thối, đôi khi trơn nhớt và có mùi khó chịu.

+ Triệu chứng trên rễ: Nếu nấm bệnh tấn công vào hệ thống rễ, rễ tiêu sẽ bị thối, thường là thối từ đầu rễ vào nên gọi là bệnh thối rễ (Foot rot disease). Ban đầu nấm bệnh tấn công vào các rễ nhỏ của cây tiêu sẽ làm các sẽ làm các rễ nhỏ bị phá hủy, lá vàng, héo và rụng. Sự nhiễm bệnh lan dần sang hệ thống rễ chính và lan vào cổ rễ và gây nên thối cả hệ thống rễ. Cây tiêu sẽ bị suy yếu từ từ, sinh trưởng kém, vàng lá và có triệu chứng của bệnh chết chậm.

+ Triệu chứng trên thân, cành, lá: Nếu bệnh tấn công vào các bộ phận trên mặt đất như thân, cành, lá sẽ làm các bộ phận này thối đen. Đầu tiên là những vết bệnh mềm, sũng nước trên thân, cành, lá. Sau đó các vết bệnh lan rộng ra tạo các vết thâm đen dẫn đến đến triệu chứng thối thân, thối cành, cháy lá. Những lá tiêu gần sát mặt đất thường dễ nhiễm bệnh do nấm Phytophthora sau những trận mưa lớn, đầu tiên trong mùa mưa.

+ Triệu chứng trên gié hoa, quả: Sự nhiễm nấm Phytophthora trên gié hoa, quả gây hiện tượng gié hoa bị rụng, quả và gié quả bị đen.

Nguyên nhân gây bệnh

Bệnh do nấm Phytophthora spp. gây hại.

Bệnh chết nhanh thường xuất hiện trong mùa mưa. đặc biệt là những tháng mưa nhiều và tập trung ở những vườn không thoát nước tốt. Những năm mưa nhiều và kéo dài bệnh thường gây hại nặng và lây lan nhanh, đôi khi thành dịch. Những năm có hạn hán kéo dài, khả năng sinh trưởng và sức đề kháng của cây kém nên cây cũng dễ bị nấm tấn công hơn trong mùa mưa.

Nấm bệnh chủ yếu sống trong đất và lây lan từ đất qua nước mưa; nước tưới; thân, cành, lá tiêu bị bệnh rụng xuống đất. Thân, cành, lá thường bị nhiễm bệnh trong mùa mưa. Các vườn ẩm thấp, các cây có bộ tán lá rậm rạp là điều kiện thích hợp cho nấm bệnh phát triển.

Biện pháp phòng trừ

Các triệu chứng bệnh do nấm Phytophthora gây hại trên cây tiêu, đặc biệt là triệu chứng thối thân ngầm, có diễn biến bệnh trên đồng ruộng rất nhanh, nên đối với bệnh này phòng bệnh là chủ yếu. Để phòng trừ bệnh cần phải sử dụng biện pháp phòng trừ tổng hợp, đặc biệt chú trọng biện pháp canh tác và sinh học.

- Chọn đất trồng tiêu có tầng canh tác dày, thoát nước tốt, có mực nước ngầm thấp.

- Không lấy giống ở những cây tiêu đã bị nhiễm bệnh chết nhanh.

- Xử lý hom giống bằng một trong các loại thuốc Aliette 80 WP, Ridomil Gold 68 WP , Rovral 50 WP, nồng độ 0,1 %.

- Bằng mọi phương pháp ngăn ngừa nguồn bệnh xâm nhập vào vườn tiêu.

- Thường xuyên kiểm tra vườn cây trong mùa mưa, đặc biệt là những trận mưa sau một đợt hạn hán kéo dài, để có thể phát hiện được bệnh sớm. Khi đã phát hiện được cây bệnh phải kiên quyết đào bỏ, thu dọn tàn dư cây bệnh đưa ra khỏi vườn và đốt để loại trừ nguồn bệnh.

- Tạo điều kiện tiểu khí hậu thuận lợi trong vườn tiêu như: trồng cây đai rừng chắn gió, cây che bóng để vườn tiêu có độ ẩm, nhiệt độ thích hợp cho cây tiêu sinh trưởng và phát triển tốt.

- Trồng tiêu với mật độ thích hợp.

- Điều chỉnh cây che bóng hợp lý: Cây tiêu thường được cho leo bám lên các loại cây trụ sống như cây muồng đen, cây lồng mức, cây muồng cườm, cây keo dậu… Trong mùa mưa tán của các loại cây trụ sống này phát triển và tạo một vùng tiểu khí hậu dưới tán cây với ẩm độ cao và nhiệt độ thấp. Đây là điều kiện lý tưởng để cho nấm Phytophthora phát triển và lây nhiễm. Việc chặt các cành nhánh cây trụ sống trong mùa mưa là cần thiết để cây tiêu có thể nhận ánh sáng mặt trời để quang hợp và giảm độ ẩm trong vườn cây. Các cành nhánh được chặt có thể dùng để che phủ đất chống lại sự văng đất bệnh lên cây tiêu.

- Trồng các loại cây che phủ như cây lạc dại (Arachis pintoii) giữa các hàng tiêu để kìm hãm sự lan truyền của nấm Phytophthora và chống lại việc văng các hạt đất bị nhiễm Phytophthora từ các lá tiêu ở dưới thấp trong suốt mùa mưa.

- Trong quá trình chăm sóc vườn tiêu tránh gây vết thương cho thân ngầm và rễ tiêu: Khi làm cỏ vào mùa mưa nên tránh làm tổn thương rễ, những cỏ mọc trong gốc nên nhổ bằng tay. Khi bón phân chú ý không để phân vô cơ tiếp xúc trực tiếp với phần thân của cây tiêu.

- Cắt bỏ các các dây lươn và các cành nhánh ở cách mặt đất khoảng 30 cm, để tạo độ thông thoáng ở phần gốc thân và hạn chế các lá ở tầng thấp tiếp xúc với đất là nơi có nhiều nguồn nấm Phytophthora.

- Thoát nước hợp lý vào mùa mưa để tránh sự đọng nước trong gốc cây tiêu.

- Bón phân vô cơ cho cây tiêu cân đối và hợp lý.

- Thường xuyên bổ sung chất hữu cơ cho đất bằng các loại phân hữu cơ hoặc sử dụng các vật liệu như: cây xoan, cây đậu tương, cây lạc, rơm rạ, ngô và các loại cây họ đậu để tủ gốc, làm tăng sự phát triển của các vi sinh vật đối kháng với nấm Phytophthora.

- Không trồng xen các loại cây là ký chủ của nấm Phytophthora trong vườn tiêu như: bầu bí, cây họ cà, cao su, ca cao, sầu riêng, bơ…

- Sử dụng các chế phẩm sinh học như: Trichoderma để hạn chế sự phát triển của nấm Phytophthora.

- Phòng trừ bằng biện pháp hóa học: Sử dụng một trong các loại thuốc sau Aliette 80 WP, Ridomil MZ 72 WP, Ridomil Gold 68 WP, Mexyl MZ 72 WP với nồng độ 0,3 %, liều lượng 2 - 4 lít dung dịch/ gốc. Xử lý vào đất đồng thời phun lên cây. Xử lý 2 - 3 lần, mỗi lần cách nhau 15 ngày.

3. Rệp sáp

Trên cây tiêu, rệp sáp gây hại tất cả các bộ phận của cây từ thân, lá, quả đến rễ. Rệp sáp hại rễ là đối tượng gây hại nguy hiểm, đã từng gây nạn dịch làm hủy diệt nhiều vườn tiêu tại Đăk Lăk vào những năm trước 1990 và hiện nay chúng cũng là một trong những nguyên nhân gây hiện tượng vàng lá, chết cây tại các vùng trồng tiêu ở nước ta.

Biện pháp phòng trừ

Tuân theo các nguyên tắc phòng trừ tổng hợp sâu bệnh hại trên cây hồ tiêu.

- Kiểm tra vườn cây thường xuyên để phát hiện và tiêu diệt rệp sáp, nhất là đối với các vườn đã bị rệp sáp gây hại nặng.

- Hạn chế trồng tiêu trên các vùng đất đã bị rệp sáp gây hại nặng.

- Cắt bỏ những cành mọc sát mặt đất, vệ sinh đồng ruộng để để phá nơi trú ngụ của rệp sáp, kiến.

- Cắt bỏ các cành nhánh tiêu bị rệp sáp nặng, nhổ bỏ các cây tiêu đã bị rệp sáp gây hại tạo măng xông, đưa ra ngoài vườn và đốt.

- Đối với cây bị gây hại ở bộ phận khí sinh, chỉ phun thuốc cho cây có rệp khi cần thiết bằng một trong các loại thuốc sau: Suprathion 40 EC (0,3 %), Supracide 40 EC (0,3 %), Actara 25 WG (1g/ 8 lít nước), Subatox 75 EC (0,3 %), Pyrinex 20 EC (0,3 %).

- Đối với cây bị gây hại ở rễ, việc phòng trừ rệp sáp hại rễ chỉ có hiệu quả khi cây bắt đầu có triệu chứng chậm phát triển, cây vàng lá nhẹ, rệp sáp chưa tạo ra măng xông. Khi kiểm tra phần cổ rễ nếu có rệp sáp thì sử dụng một trong các loại thuốc sau kết hợp với 0,5 % dầu lửa tưới vào gốc tiêu: Subatox 75 EC (0,3 %), Pyrinex 20 EC (0,3 %), Supracide 40 EC (0,3 %), Suprathion 40 EC (0,3 %)…, liều lượng 1 - 2 lít dung dịch/ gốc, tưới 2 - 3 lần cách nhau 15 ngày. Trước khi xử lý cần đào đất ra để thuốc tiếp xúc trực tiếp với rệp thì hiệu quả sẽ cao hơn. Đào đất đến đâu tưới thuốc đến đó, đợi thuốc ngấm rồi lấp đất lại.

Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Quốc gia
In trang Quay lại Lên trên

Nội dung khác

  Nâng năng suất tôm sú, tôm thẻ chân trắng(5/28/2018 12:00:00 AM)
  Nuôi tôm an toàn, bền vững(5/28/2018 12:00:00 AM)
  Giống lúa lai ba dòng LY 2099(5/28/2018 12:00:00 AM)
  
LOGO
Bộ Khoa học và Công nghệ
Bộ Khoa học và Công nghệ


Cổng thông tin điện tử Chính Phủ
Cổng thông tin điện tử Chính Phủ


Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn


Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn
Kênh truyền hình nông nghiệp - nông thôn


Trang KHCN phục vụ nông thôn
Thông tin tư vấn


bảng giá nông sản
Bảng giá nông sản


Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Long Tân, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3.695.121 - Fax: (84.064) 3.695.121
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu