Theo ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tổng diện tích trồng hồ tiêu ở 7 tỉnh thuộc Tây Nguyên và Đông Nam Bộ là khoảng 68.000 ha, chiếm 85% tổng diện tích trồng hồ tiêu toàn quốc. Bệnh chết nhanh, chết chậm cũng phát sinh, gây hại trên cây hồ tiêu tập trung ở các tỉnh này. Theo thống kê của 7 tỉnh, đến cuối tháng 3/2015 có 3.824 ha nhiễm bệnh chết nhanh, chết chậm chiếm 5,7% diện tích trồng hồ tiêu, trong đó, 84 ha nhiễm bệnh nặng tập trung ở Gia Lai, Đắk Lắk và Bình Phước. So với cùng kỳ năm 2014, diện tích nhiễm giảm nhẹ nhưng diện tích nhiễm nặng lại tăng gấp 2 lần.
Hiện nay, tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn trong công tác phòng chống bệnh hại trên cây hồ tiêu như: Do thói quen nhiều nông dân chưa áp dụng đúng qui trình kỹ thuật canh tác cây hồ tiêu theo hướng bền vững, còn lạm dụng, trông chờ vào thuốc bảo vệ thực vật và phân hóa học. Bên cạnh đó, những vườn tạp, trồng tiêu xen cây trồng khác không đúng qui trình xen canh dẫn đến tăng chi phí sản xuất, khó phòng trừ dịch bệnh. Nhiều nơi đặc biệt là bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa còn thiếu kiến thức về kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại trên cây hồ tiêu, trong khi đó nguồn kinh phí tập huấn hàng năm còn có hạn, không thể tổ chức liên tục trên diện rộng. Ngoài ra, tình hình biến đổi khí hậu, thiếu nước tưới cũng là nguyên nhân dẫn đến ảnh hưởng đến các loại cây trồng, trong đó có cây hồ tiêu. Việc giá hạt hồ tiêu những năm gần đây tăng cao và tương đối ổn định nên việc phát triển trồng tiêu một cách ồ ạt đã phá vỡ qui hoạch của các địa phương và hiện nay chưa có chế tài để hạn chế phát triển trồng tiêu.
Để phòng chống bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu, tại hội nghị, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam đã triển khai dự án khuyến nông “Xây dựng mô hình phòng trừ tổng hợp bệnh chết nhanh, chết chậm hồ tiêu tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ”. Theo đó, dự án này sẽ được thực hiện tại 6 tỉnh Tây Nguyên và Đông Nam Bộ: Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu, với kinh phí gần 10 tỷ đồng. Dự án này đề ra mục tiêu ứng dụng đồng bộ các tiến bộ kỹ thuật về canh tác, sử dụng các chế phẩm sinh học trong phòng trừ bệnh chết nhanh và chết chậm trên cây hồ tiêu góp phần phát triển hồ tiêu bền vững và tăng thu nhập cho nông dân. Dự án sẽ triển khai mỗi tỉnh 1 mô hình gồm 12ha (72ha/6 mô hình), mỗi mô hình gồm 3 điểm trình diễn cố định trong 3 năm. Dự án được triển khai với các bước: Đào tạo mạng lưới cán bộ kỹ thuật; Huấn luyện nông dân; Xây dựng mô hình và thông tin tuyên truyền, nhân rộng. Dự án này sẽ được thực hiện từ năm 2015-2017./.