Dứa là cây ăn quả nhiệt đới có nguồn gốc Nam Mỹ. Hiện được trồng ở nhiều nước trên thế giới có khí hậu nhiệt đới.
Ở nước ta, dứa trồng từ Bắc vào Nam, diện tích khoảng 40.000 ha. Quả dứa được ưa chuộng, dùng ăn tươi và chế biến thực phẩm XK.
Đặc điểm sinh trưởng và yêu cầu đất đai
Trong năm, cây dứa ra hoa nhiều vụ, ở miền Bắc vụ chính ra hoa tháng 2 - 3 thu hoạch tháng 6 - 7. Vụ nghịch ra hoa tháng 6 - 8, thu hoạch tháng 10 - 12. Ở miền Nam dứa ra hoa quanh năm xong tập trung vào tháng 4, 5 và tháng 9, 10. Từ khi dứa ra hoa đến thu hoạch khoảng 4 - 5 tháng.
Nhiệt độ thích hợp cho cây dứa phát triển từ 25 - 35 độ C, với nhóm dứa Cayen thì độ pH thích hợp từ 5,0 - 6,0, với nhóm dứa Queen thì độ pH thích hợp từ 4,5 - 5,5.
Đất trồng dứa phải có tầng canh tác dầy trên 40 cm, tơi xốp, thoáng khí, thoát nước tốt và địa hình thoai thoải. Các loại đất như đất đỏ bazan, đỏ vàng, đất xám… có kết cấu nhẹ đều trồng được dứa.
Ở Thanh Hóa có trên 2.000 ha dứa trồng ở các huyện Như Thanh, Nông Cống, Yên Định, Hà Trung… Đất trồng chủ yếu trên đồi cao, đồi thấp thịt nhẹ, pha cát… độ pH thấp dưới 4,2, nghèo các cation kiềm như canxi, magiê, lưu huỳnh và các nguyên tố vi lượng như kẽm, bo, đồng…
Nguyên nhân chính là do đất hình thành trên các loại đá nghèo dinh dưỡng như phiến thạch sét, sa thạch.
Mặt khác do ở địa hình cao nên quá trình rửa trôi diễn ra liên tục cộng với việc đốt dãy, độc canh lạm dụng phân hóa học ít được bón bổ sung đầy đủ các yếu tố dinh dưỡng cho đất nên đã ảnh hưởng đến sinh trưởng, năng suất chất lượng dứa.
Nhu cầu dinh dưỡng: Dứa là cây cho sinh khối lớn, để có được năng suất 80 tấn quả/ha đã lấy đi từ đất 646 kg N, 367 kg P2O5, 1.570 kg K2O, 190 kg CaO, 225 kg MgO, 4.026 kg SiO2, 2,24 kg Fe, 1,8 kg Zn, 0,5 kg Bo.
Như vậy dứa không những cần dinh dưỡng đa lượng (NPK theo tỷ lệ 1,0-0,3-2,0 mà còn cần các chất dinh dưỡng trung lượng rất lớn như silic (SiO2) đến 1.570 kg/ha, magie (MgO) 225 kg/ha, canxi (CaO) 190 kg/ha và các chất vi lượng như 1,8 kg kẽm (Zn), 0,5 kg Bo (B).
Vai trò của đạm (N): Đạm cần thiết cho sự phát triển của thân, lá, quả, bón đạm hợp lý là một trong những yếu tố để nâng cao năng suất dứa, nếu bón đạm quá nhiều làm cho cây dứa yếu làm chậm quá trình ra hoa kết quả dễ nhiễm sâu bệnh, quả chín muộn, chất lượng quả kém.
Vai trò của lân (P2O5): Lân có vai trò đặc biệt quan trọng cho việc phát triển bộ rễ, xúc tiến phân hóa mầm hoa, nở hoa, thụ phấn, đậu quả và tăng độ lớn của quả.
Nếu thiếu lân cây dứa phát triển kém do rễ yếu và ít lấy được dinh dưỡng từ đất lên nuôi quả, nuôi cây nên quả nhỏ, ít chồi ngọn và chồi thân.
Nếu bón đủ lân sẽ nâng cao sức chống chịu của dứa với các đối tượng sâu bệnh gây hại và làm tăng năng suất và chất lượng dứa.
Vai trò của kali (K2O): Kali có vai trò rất lớn trong việc làm tăng năng suất, tăng khối lượng kích thước quả, tăng độ rắn của thịt quả, tăng hàm lượng đường, tăng hàm lượng axit tổng số và làm cho màu sắc quả đẹp.
Bón đủ kali cây dứa khỏe, sức chống chịu tốt, giảm tỷ lệ quả nứt và thối khi dứa chín.
Kali thúc đẩy việc đẻ chồi, nếu thiếu kali quả dứa bé, độ đường giảm, trên lá xuất hiện nhiều đốm nhỏ bằng mũi kim vàng màu, một số đốm lá lan rộng to ra và bị khô ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng dứa.
Vai trò của canxi (CaO): Cây dứa có nhu cầu canxi cao. Trên những vùng đất đồi, đất cao thường thiếu canxi nên cần bón bổ sung canxi cho dứa bằng vôi hoặc phân lân nung chảy để cung cấp canxi cho dứa.
Nếu thiếu canxi quả dứa bé, lá có màu lục xỉn, xuất hiện nhiều đốm vàng trên ngọn lá, khi thiếu canxi nặng các vết vàng lan rộng đến gốc lá làm cho cây ra quả non, giảm năng suất.
Vai trò của magie (MgO): Magie có vai trò quan trọng xúc tiến quá trình hình thành diệp lục tố tăng cường hiệu suất quang hợp, tổng hợp chất hữu cơ trong cây.
Khi thiếu magie dứa thường có biểu hiện lá úa vàng, màu lục nhạt, nếu thiếu nặng lá có những vệt xọc chạy dài theo mép lá như bị dội nước sôi, phần trong của lá có màu đỏ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc quang hợp và tổng hợp chất dinh dưỡng, làm cho cây dứa yếu dễ nhiễm sâu bệnh, giảm năng suất.
Vai trò của silic (SiO2): Cây dứa là một trong những cây trồng cần nhiều chất silic nhất.
Silic tham gia cấu tạo bẹ, thân, lá, gai dứa giúp cho cây dứa giảm bốc hơi nước trong những điều kiện khô hạn, chống chịu sâu bệnh, làm cứng cây, tăng khả năng quang hợp, vận chuyển dinh dưỡng về quả, giảm độc tố của một số nguyên tố mà cây dứa thường hấp thụ nhiều như mangan, silicon.
Vai trò và các yếu tố dinh dưỡng vi lượng như kẽm, bo, sắt…: Các yếu tố dinh dưỡng vi lượng đặc biệt cần cho sự hình thành tổng hợp các loại vitamin trong quả, tạo ra các mùi thơm đạc trưng của thịt quả, tăng chất lượng quả dứa.
Nếu thiếu các nguyên tố vi lượng thì chất lượng thịt quả kém, hương vị giảm, độ vitamin trong quả thấp, cây dứa yếu dễ nhiễm sâu bệnh gây hại.
Thực tiễn canh tác dứa ở Thanh Hóa cho thấy do hiểu biết về thổ nhưỡng, phân bón cũng như nhu cầu dinh dưỡng của cây dứa còn hạn chế, nhiều nơi nông dân bón phân đơn cho dứa còn theo cảm tính, thói quen.
Hoặc nếu có dùng phân tổng hợp thì hầu hết là loại NPK có 3 thành phần là đạm, lân, kali thiếu hẳn các yếu tố dinh dưỡng quan trọng trung vi lượng dẫn đến cây dứa sinh trưởng yếu, dễ nhiễm sâu bệnh gây hại, năng suất thấp, chất lượng quả không cao, làm tăng chi phí SX, hiệu quả kinh tế thấp.
Trong những năm gần đây nhiều địa phương trồng dứa ở Thanh Hóa đã tiếp cận phân bón Văn Điển mang lại hiệu quả kinh tế cao. Chúng tôi xin hướng dẫn bón phân Văn Điển cho cây dứa:
Ở Thanh Hóa dứa được trồng vụ xuân vào tháng 2, đầu tháng 3, vụ thu trồng tháng 8, tháng 9 với giống dứa Queen, mật độ trồng từ 5,5 - 6 vạn chồi/ha.
Với giống dứa Cayen mật độ trồng thưa hơn, 4,5 - 5 vạn chồi/ha. Sau khi cày bừa, nhặt sạch cỏ dại tiến hành đánh rãnh sâu 20 cm, hàng cách hàng 40 cm trồng hàng kép.
Bón phân Văn Điển cho cây dứa:
Lân Văn Điển bón lót có hàm lượng dinh dưỡng P2O5 = 16%, CaO = 30%, MgO = 15%, SiO2 = 24%, các chất vi lượng Fe = 0,4%, Cu = 0,02%, B = 0,04%, Zn = 0,02%.
Phân đa yếu tố (ĐYT) NPK 6.11.5 Văn Điển bón lót có hàm lượng dinh dưỡng: N = 6%, P2O5 = 12%, K2O = 5%, CaO = 16%, MgO = 8%, SiO2 = 15%, S = 2% cùng các chất vi lượng Zn, B, Fe. Tổng hàm lượng dinh dưỡng 64%.
Phân đa yếu tố (ĐYT) NPK 15.5.20 Văn Điển bón thúc có hàm lượng dinh dưỡng: N = 15%, P2O5 = 5%, K2O = 20%, CaO = 8%, MgO = 5%, SiO2 = 7%, S = 2% cùng các chất vi lượng Zn, B, Fe. Tổng hàm lượng dinh dưỡng 62%.
Cách bón phân:
- Bón lót: Trồng vụ đầu hoặc sau mỗi vụ thu hoạch quả, bón phân hữu 10 - 15 tấn + 1.000 kg lân Văn Điển (hoặc 500 - 600kg vôi) cộng thêm 800 kg/ha NPK 6.12.5 rải đều theo rãnh luống.
Phủ một lớp đất mỏng rồi đặt chồi, sau khi đặt chồi xong cần tưới ẩm để cây con nhanh bén rễ hồi xanh.
- Bón thúc:
+ Sau trồng 2,5 - 3 tháng thì tiến hành bón thúc đợt 1, bón thúc giai đoạn này giúp chồi hồi xanh nhanh, ra rễ chuẩn bị bước vào giai đoạn sinh trưởng mạnh, sử dụng loại phân NPK 15.5.20 Văn Điển với lượng bón từ 800 - 1.000 kg/ha.
+ Bón thúc đợt 2 sau trồng 5 - 6 tháng thì tiến hành bón thúc để cho cây sinh trưởng phát triển mạnh thân lá có tính chất quyết định năng suất, chất lượng của vụ dứa.
Bón thúc đợt 2 cũng làm tăng độ ra lá, xòe tán lá, thúc đẩy quá trình tổng hợp chất hữu cơ chuẩn bị cho dứa phân hóa mầm hoa. Lượng bón từ 1.000 - 1.200 kg/ha loại phân NPK 15.5.20.
+ Bón thúc đợt 3 sau trồng khoảng 9 tháng (trước khi xử lý ra hoa 2 tháng), lúc này dứa đã khép tán, rậm rạp nên bón bổ sung cho dứa tùy theo mức độ phát triển của cây, lượng bón từ 400 - 500 kg/ha NPK 15.5.20.
Lưu ý: Đợt bón thúc 1 và bón thúc 2 tiến hành xới nông hai bên hàng kép, cách gốc 15 - 20 cm, rải phân rồi lấp đất lại, riêng bón thúc đợt 3 có thể dùng thìa có cán dài xúc phân đổ vào nách lá già sát gốc, bón phân xong nên tưới nước ngay.