1. Đặc điểm tự nhiên
* Vị trí địa lý
Xã Long Tân là một xã nông nghiệp nằm cách trung tâm huyện Đất Đỏ khoảng 5,0km về phía Bắc, với địa giới hành chính được xác định như sau:
- Phía Đông giáp xã Láng Dài và Phước Long Thọ, huyện Đất Đỏ.
- Phía Tây giáp xã Long Phước, Thành phố Bà Rịa.
- Phía Bắc giáp xã Đá Bạc và Suối Rao, huyện Châu Đức.
- Phía Nam giáp Thị trấn Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ.
* Diện tích tự nhiên
Xã Long Tân có diện tích tự nhiên 2.943,28 ha, chiếm 15,6 % diện tích tự nhiên của huyện. Trong đó, Diện tích đất nông nghiệp: 2.531,09 ha, chiếm 86 % diện tích của xã; đất phi nông nghiệp 412,19 ha, chiếm 14 % diện tích của xã. (Trong đó đất trồng cây lâu năm có 225,6 ha là cao su của Đồn điền cao su Tân Xuân và nhân dân).
Đường địa giới hành chính dọc theo tỉnh lộ 52, được nâng cấp láng nhựa và các tuyến đường trục liên thôn, xóm cũng được trãi đá, láng nhựa không lầy lội vào mùa mưa.
Địa bàn xã có 03 ấp: Tân Hòa, Tân Hiệp và Tân Thuận, gồm có 43 Tổ dân cư.
* Các đặc điểm khí hậu, thủy văn
- Khí hậu, thời tiết: Xã Long Tân thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu đại dương. Một năm chia hai mùa rõ rệt, mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 11, mùa nắng từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Nhiệt độ trung bình cả năm khoảng 25 - 290C, trong năm có nhiệt độ cao nhất là tháng 7 và nhiệt độ thấp nhất là tháng mười hai.
2. Dân số
- Dân số toàn xã năm 2013 là 6.096 nhân khẩu với 1.561 hộ gia đình (bao gồm đăng ký tạm trú), trong đó có 119 hộ với 494 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Châu Ro.
- Mật độ dân số bình quân khoảng 177 người/km2.
3. Tình hình kinh tế - xã hội
- Tốc độ độ tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 53%, trong đó: Giá trị sản xuất bình quân hàng năm ngành nông nghiệp tăng thêm 37%; Thương mại dịch vụ tăng thêm 70%; Công nghiệp – TTCN tăng thêm 339%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tổng giá trị sản xuất năm 2012 đạt 439,93 tỷ đồng, tăng 930% so năm 2003 (42,71 tỷ đồng), trong đó: ngành nông nghiệp chiếm 318%; Thương mại dịch vụ chiếm 847%; ngành công nghiệp-TTCN, xây dựng chiếm 40.600% (do trên địa bàn có 03 công ty, 04 doanh nghiệp hoạt động sản xuất và đầu tư xây dựng xã nông thôn mới). Thu nhập bình quân đầu người năm 2012 đạt 33,96 triệu đồng.
- Giá trị thương mại - dịch vụ: Đường TL 52 được đầu tư nâng cấp mở rộng, Chợ Long Tân được xây dựng đưa vào sử dụng năm 2012, tình hình buôn bán kinh doanh của các tiểu thương ngày càng đa dạng, phong phú về các mặt hàng đảm bảo cung ứng đầy đủ nhu cầu của người tiêu dùng và được kiểm tra niêm yết giá, thu hút đông đảo khách hàng đến mua sắm, ngoài ra các loại hình dịch vụ cũng được phát triển về số lượng, tính đến nay tại địa phương có khoảng trên 169 hộ kinh doanh, dịch vụ buôn bán, phát triển sản xuất, nâng giá trị thương mại, dịch vụ đạt 50,02 tỷ đồng, tăng 847% so 2003 (5,28 tỷ đồng).
- Giá trị sản xuất công nghiệp-TTCN, xây dựng: Địa phương luôn quan tâm tạo điều kiện, khuyến khích các công ty, doanh nghiệp, cá nhân phát triển đầu tư mở rộng quy mô cơ sở sản xuất.
4. Xây dựng Nông thôn mới
- Là một xã điểm trong huyện thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, UBND xã xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới, cho đến nay cơ bản đã thực hiện hoàn thành đạt 19/19 tiêu chí. Ban chỉ đạo xây dựng Nông thôn mới của tỉnh đã tổ chức thẩm định và nghiệm thu.
- Xác định việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ quan trọng toàn diện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, an ninh quốc phòng. Đảng bộ, Chính quyền địa phương đã tập trung xây dựng đề án, lập quy hoạch nông thôn mới, kế hoạch các mục tiêu, nhiệm vụ để triển khai thực hiện nhằm đảm bảo kế hoạch đã đề ra. Tổ chức quán triệt sâu rộng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng và trách nhiệm trong việc xây dựng nông thôn mới, xác định vai trò chủ thể xây dựng nông thôn mới là của nhân dân để mọi người dân xây dựng ý thức, trách nhiệm, chủ động, tự giác đóng góp vật chất, công sức, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới nhằm tạo sự đồng thuận và sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân hăng hái tham gia xây dựng nông thôn mới.
- Xây dựng kế hoạch tăng cường công tác công tác tuyên truyền, vận động đã được sự đồng thuận hưởng ứng rất tích cực của nhân dân đã cùng chung tay góp sức để xây dựng Nông thôn mới, đóng góp vật chất, hiến đất đai, hoa màu khoảng 02ha… hơn 6,7 tỷ đồng để xây dựng các công trình kênh mương thủy lợi, đường giao thông nông thôn, đặc biệt điển hình hộ bà Trần Thị Kim Ngoa ủng hộ hơn 2,9 tỷ đồng xây dựng trường Mầm non, nhiều cụm dân cư tự chủ động góp tiền, nhân lực tham gia trải đá các tuyến đường ngõ xóm đảm bảo không lầy lội vào mùa mưa tại khu vực mình sinh sống, tổ chức triển khai áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nâng cao thu nhập cho người dân, các hình thức sản xuất được phát triển, triển khai các lớp đào tạo nghề nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, an sinh xã hội, thực hiện cảnh quan môi trường nông thôn được thông thoáng,… nhờ đó mà từ hiện trạng đạt 8/19 tiêu chí, qua hơn 02 năm triển khai xây dựng nông thôn mới đến nay đã cơ bản đạt 19/19 tiêu chí bộ mặt nông thôn ngày được đổi mới, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện.
5. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
- Nông nghiệp: Nông nghiệp giữ vai trò khá quan trọng trong cơ cấu kinh tế chiếm tỷ trọng 31,81% tổng giá trị sản xuất các ngành kinh tế, tỷ trọng chăn nuôi tăng dần trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ sự hướng dẫn và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp nên các loại cây trồng vật nuôi có phần ổn định.
- Lĩnh vực trồng trọt: Năng xuất và sản lượng hàng năm đều tăng. Được áp dụng cơ giới hóa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, các mô hình sản xuất nông nghiệp VAC, trồng cỏ nuôi bò và các mô hình sản xuất kết hợp 1 vụ lúa 1 vụ màu, 1 vụ lúa 2 vụ màu, các mô hình trồng cây ăn quả… Triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư nâng cấp các tuyến kênh N7, N9. Đặc biệt diện tích trồng cao su tiểu điền trên địa bàn phát triển mạnh.
- Lĩnh vực chăn nuôi: Hiện trên địa bàn xã tổng số gia súc: 5.401 con, tổng đàn gia cầm: 68.000 con.
- Về số hộ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp: 1.066 hộ chiếm 68,2 % tổng số hộ. Đặc điểm các hộ này không còn sản xuất thuần nông mà kết hợp các ngành nghề khác như: ngành nghề nông thôn, buôn bán nhỏ, làm công nhân… Mặc dù ngành công nghiệp - xây dựng đóng góp tổng giá trị tăng của nền kinh tế trên địa bàn khá lớn, nhưng nhìn chung nhân dân trên địa bàn chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và thu nhập chủ yếu từ nông nghiệp đem lại.
6. Thương mại, du lịch, dịch vụ
- Trục lộ chính của xã nằm dọc theo tỉnh lộ 52, đa số các sản phẩm hàng hóa được vận chuyển thuận tiện gần với các điểm giao thương, giao dịch và cũng thuận lợi đi đến các điểm du lịch biển như: Phước Hải, Long Hải, Hồ Tràm, Hồ Cốc, Bình Châu...
- Hiện nay Long Tân là một điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch Việt Nam của các Cựu chiến binh Úc và khách du lịch đó là Bia Thánh giá nằm trong cánh rừng cao su, đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia.
- Trên địa bàn xã cũng đang triển khai các mô hình phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch sinh thái vườn Bưng nằm trên địa bàn ấp Tân Hòa với quy mô 12 ha.
7. Giáo dục, y tế, văn hóa
- Trường Mầm non: Hiện có 01 trường Mầm non Long Tân được xây dựng mới vào năm 2012. Với tổng số 08 lớp (01 nhóm trẻ, 07 lớp mẫu giáo) với tổng số 30 giáo viên và 247 cháu (đã đạt chuẩn quốc gia). Diện tích khuôn viên khoảng 1,06 ha, tổng số lượng công trình khoảng 90% cho 09 nhóm/lớp.
- Trường Tiểu học: Trường Tiểu học Long Tân thuộc địa bàn ấp Tân Hiệp, được xây mới và sử dụng vào năm 2009 với 18 lớp, tổng số 34 giáo viên và 502 học sinh, được xây dựng tại trung tâm dân cư với tổng diện tích là 1,4ha (đã đạt chuẩn quốc gia).
- Trường Trung học cơ sở: Có 01 trường THCS với 11 lớp, toàn trường có 34 giáo viên và 302 học sinh, tổng diện tích 2,0 ha.
Đa số các trường có đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng cho việc dạy và học.
- Trung tâm Văn hóa – Học tập cộng đồng: Đã triển khai nâng cấp Trung tâm Văn hóa - Học tập cộng đồng xã đạt quy chuẩn, xây dựng nhà thi đấu đa năng và đã tổ chức đưa vào sử dụng và ngày càng thu hút đông đảo nhân dân luyện tập các môn thể thao như: thể dục thẩm mỹ, bóng bàn, bóng chuyền, cầu lông… đáp ứng nhu cầu tập luyện, vui chơi, giải trí của nhân dân. Nâng mức hưởng thụ các hoạt động văn hóa của người dân so với trước đây đạt 37,5/lần/người/năm, tỷ lệ người tham gia luyện tập TDTT đạt 28% so với dân số toàn xã.
- Có 01 Trạm Y tế diện tích khuôn viên 1.751m2. Trạm y tế đã đạt chuẩn quốc gia vào năm 2005 với 05 giường bệnh nội trú; 06 cán bộ Y tế trong trạm gồm: 01 y sĩ, 02 điều dưỡng, 01 nữ hộ sinh, 01 lương y và 01 cán bộ Dân số.
- Thư viện được mở cửa hàng tuần tại TTVH – HTCĐ với tổng số đầu sách là 8888 cuốn, số lượng bạn đọc trung bình hàng tháng là 750 lượt bạn đọc/2250bản sách.
- Nhà sinh hoạt đồng bào dân tộc Chơ Ro: Thường xuyên tổ chức chương trình văn nghệ hát cho nhau nghe và giao lưu với trường Dân tộc nội trú tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Tổ chức các lớp dạy múa, hát cho đồng bào dân tộc nhằm khôi phục lại bản sắc văn hóa dân tộc cho thế hệ trẻ sau này.
8. Định hướng phát triển của xã trong thời gian tới
Xác định mục tiêu các Nghị quyết của Đảng bộ, phát huy tinh thần đoàn kết và thống nhất, khắc phục những khó khăn, cán bộ và nhân dân trong xã quyết tâm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, mục tiêu phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội - quốc phòng an ninh theo kế hoạch đề ra.
Tiếp tục tổ chức tuyên truyền nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng Nông thôn mới, đồng thời nhân dân cũng chính là người được tiếp nhận những thành quả trong xây dựng nông thôn mới để từ đó nhân dân nâng cao hơn nữa nhận thức tích cực tham gia hưởng ứng, thực hiện.
Tổ chức gắn kết chặt chẽ việc phát động phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng Nông thôn mới” gắn với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, phong trào dân vận khéo, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào quần chúng tham gia bảo vệ an ninh tổ quốc, gìn giữ phát huy bản sắc văn hóa, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân và đảm bảo an ninh nông thôn…
Xác định nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới là quá trình bền bỉ, lâu dài, đây mới là kết quả cơ bản bước đầu, do đó cần phải có lộ trình, giải pháp cụ thể để tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả các tiêu chí đã đạt được.
Tích cực triển khai thực hiện các chương trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch. Đẩy mạnh công tác ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, mở rộng quy mô sản xuất, cơ giới hóa trong nông nghiệp, chú trọng triển khai kinh tế hộ, kinh tế gia trại, trang trại, kinh tế hợp tác tạo điều kiện thu hút đầu tư, nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng để phát triển sản xuất nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm hàng hóa chất lượng cao. Triển khai đồng bộ các giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, liên kết doanh nghiệp, tổ chức đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Duy trì, phát huy tốt các giá trị văn hóa nông thôn.
Tăng cường các giải pháp đảm bảo môi trường sinh thái, vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan môi trường nông thôn.
Thực hiện tốt công tác quy hoạch phát triển sản xuất, rà soát định hướng cho thực hiện quy hoạch. Tổ chức khai thác, sử dụng bảo quản các công trình, cơ sở hạ tầng đã được đầu tư xây dựng, đảm bảo phát huy hiệu quả.