Ứng dụng quản lý nông nghiệp thông minh mà TP.HCM đang áp dụng là SmartAgri, hệ thống được phát triển bởi các chuyên gia Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM (NNCNC), Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) và Global CyberSoft (thuộc tập đoàn Hitachi Consulting).
Kỹ sư đang kiểm tra hệ thống nước tưới thông qua các thông báo từ phần mềm được quản lý trên điện thoại
Ứng dụng được triển khai thử nghiệm tại Khu NNCNC TP.HCM, trong khu thực nghiệm nông nghiệp tại QTSC, cũng như các đối tác tại Lâm Đồng hơn hai năm qua.
Ứng dụng có thể hỗ trợ nhà nông trong việc canh tác dưa lưới, các loại rau quả khác nhau trong nhà màng. Nhà màng được thiết kế theo tiêu chuẩn, trang bị các cảm biến đo chỉ số môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, lượng nước… và kết nối internet để theo dõi từ xa qua ứng dụng di động.
Tự động hóa từ gieo trồng đến chăm sóc
Đó là sử dụng phương thức mã hóa, tạo ra các phần mềm ứng dụng SmartAgri do QTSC nghiên cứu và quản lý máy chủ của hệ thống. SmartAgri là sự thành công, bước đầu đã mở ra kỷ nguyên sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại ở Việt Nam.
Cây trồng không còn phụ thuộc thời tiết và hứa hẹn sẽ trồng được các cây từ trước đến nay không trồng được ở Việt Nam như kiwi, cherry, nho Mỹ… ; cây quý hiếm đặc trưng ở các vùng từ ôn đới, nhiệt đới, xích đạo như thảo quả, dâu tây, phong lan rừng, dưa lưới… đều có thể trồng được bất kỳ nơi nào nếu sử dụng bằng hệ thống quản lý canh tác nông nghiệp thông minh.
Hiện tại phần mềm canh tác và quản lý nông nghiệp thông minh đã được TP.HCM áp dụng và triển khai trong nhà màng, thậm chí cả trong container với sản lượng và chất lượng vượt trội với nông sản trồng theo hướng hữu cơ hay organic…
Bằng ứng dụng SmartAgri, trồng các loại cây như dâu tây, lan rừng ở ngay TP.HCM là không có gì khó khăn
Để sử dụng phần mềm quản lý nông nghiệp thông minh SmartAgri trước hết mỗi chủ trang trại đều phải có tài khoản kết nối với hệ thống, từ đó hệ thống sẽ cung cấp dữ liệu và phần mềm liên kết với các thiết bị cảm biến của trang trại. Mỗi loại cây trồng đều có một lập trình chăm sóc riêng biệt và được thực hiện, thiết lập phần mềm và chương trình cho loại cây muốn trồng ngay từ lúc ban đầu.
Ví dụ như cây dưa lưới, theo kỹ thuật chăm sóc, phát triển cho đến lúc thu hoạch là 90 ngày, thì các kỹ sư đã lập trình kỹ thuật từng giai đoạn phát triển, dinh dưỡng… được đưa vào phần mềm kết nối với các thiết bị cảm biến trong hệ thống nhà màng. Lúc này hệ thống sẽ tự chăm sóc như tưới nước, tự căng lưới che, kiểm soát nhiệt độ, có chế độ chăm sóc đặc biệt cho từng giai đoạn cho đến khi thu hoạch…
Tự đánh giá, cảnh báo người sử dụng
Phần mềm quản lý thông minh cũng sẽ đưa cho người sử dụng những cảnh báo, những thông báo về các thiết bị nào đang gặp vấn đề, sai lệch, hoặc hư hỏng, và hư hỏng từ đâu, đoạn nào…; sau đó đưa ra kiểm soát nếu có sâu, hay virus, động vật phá hoại khi xâm nhập vào nhà màng, gây hại cho cây trồng.
Phần mềm ứng dụng SmartAgri được kiểm soát cập nhật từng giờ về quá trình phát triển của cây trồng từng giai đoạn và mùa vụ
Ứng dụng quản lý sẽ tự động mở đèn giúp tăng độ sáng, kích thích sự tăng trưởng cho cây trồng nếu thời tiết thiếu ánh sáng. Hoặc giả sử nhiệt độ tăng lên do trời nắng nóng, ứng dụng tự động mở quạt hoặc bật máy phun sương…
Ví dụ như cây thanh long đến giai đoạn có trái cần rất nhiều ánh sáng, trong khi bên ngoài thiếu sáng thì các thiết bị cảm biến sẽ tiếp nhận phần mềm và xử lý điều hành hệ thống theo đúng lập trình. Lập trình cũng điều chỉnh chế độ chăm sóc riêng, tự động điều chỉnh độ sáng, tự bật đèn để bổ sung ánh sáng sao cho đúng và đủ, giúp cây luôn đủ dinh dưỡng cho năng suất tối đa…
Nếu so sánh với kiểu người làm vườn gắn thiết bị tự động hẹn giờ tưới nước (timer) thì ứng dụng này hiệu quả hơn. Trong khi đó, nhờ trang bị cảm biến, ứng dụng quản lý nông nghiệp thông minh này có thể tăng, giảm lượng nước tưới phù hợp; nếu trời mưa nhiều, độ ẩm tăng thì có thể giảm lượng nước tưới cây.
Nông nghiệp sạch
Ứng dụng SmartAgri cho thấy kết quả trồng bằng giải pháp công nghệ thông minh cho sản lượng đạt tối đa, tiết kiệm nguồn nhân lực lao động đến 80% so với làm nông nghiệp truyền thống và hữu cơ, tiết kiệm chi phí… Hệ thống hoàn toàn bằng dây chuyền tự động hóa, kiểm soát nghiêm ngặt, ngăn chặn mọi tác nhân gây bệnh cho cây trồng giúp nông sản ứng dụng công nghệ quản lý thông minh cho năng suất vượt trội, chất lượng nâng cao, sản phẩm đồng đều, đẹp, mang lại hiệu quả, giá trị cao…
Các quy trình của từng loại cây trồng, vật nuôi được lập trình trên phần mềm hệ thống ứng dụng SmartAgri
Theo QTSC, ngoài việc đưa phần mềm quản lý thông minh vào trồng trọt, thì hiện nay các ứng dụng thông minh vào hệ thống quản lý chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản cũng đã được triển khai. Ứng dụng quản lý thông minh đã và đang tiếp tục trong chăn nuôi bò, heo, gà, một số loại cá… năng suất, sản lượng mang lại rất cao, hạn chế mức tối đa vi khuẩn gây bệnh cho động vật.
Việc áp dụng công nghệ và quy trình quản lý nông nghiệp thông minh sẽ đưa nền nông nghiệp sạch thân thiện với môi trường, giúp cho các trang trại, nông dân canh tác hiệu quả hơn, đạt năng suất tối đa, chất lượng cao so với việc trồng bằng các giải pháp hữu cơ. Đặc biệt với ứng dụng thông minh mang đến những nông sản có giá trị cao, quý hiếm… không phụ thuộc vào thời tiết như các phương thức khác.
Người chủ trang trại làm NNCNC không còn phải suy nghĩ và lao động như trước, mà chỉ kiểm soát hệ thống thông qua điện thoại
Hiện ứng dụng quản lý nông nghiệp thông minh đã thu hút rất nhiều doanh nghiệp trong các khu vực như Tây Nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ đến tham quan, quan tâm và đã đầu tư hệ thống, áp dụng các thiết bị cảm biến và phần mềm thông minh ở nhiều trang trại… Hầu hết các trang trại này đang muốn mở rộng thêm khi có những liên kết các công ty thu mua nông sản, lượng mua luôn trong tình trạng cung không đủ cầu. Cùng với đó chất lượng nông sản nâng cao đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của các nước trên thế giới, đã giúp nhiều trang trại có kiểu “trồng Việt Nam, xuất khẩu nước ngoài” đem lại giá trị kinh tế cao…