Xứng danh “thủ phủ” phong lan của miền Bắc
Từ lâu, xã Đông La đã được những người yêu phong lan biết đến như là vựa phong lan lớn nhất miền Bắc với nhiều giống lan đẹp và quý hiếm. Dọc theo hai bên trục đường dẫn vào xã là những vườn phong lan lớn, nhỏ xanh mướt; trong đó, nhiều vườn có giá trị lên tới hàn tỷ đồng.
Dừng chân bên vườn lan Trường Uyên ở xóm 1, thôn Đồng Nhân, xã Đông La, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi một không gian đầy hương sắc của những giò lan tươi xanh đang vươn mình đón nắng với nhiều loại phong lan được thị trường ưu thích như hồ điệp, tai trâu, quế lan hương, tam bảo sắc, đuôi cáo, đuôi sóc... Trên diện tích 1.500 m2, vườn lan này hiện có khoảng trên 30 loài lan khác nhau, hàng vạn giò phong lan lớn nhỏ giá trị từ vài triệu đồng đến cả trăm triệu đồng/giò. Trung bình mỗi năm, doanh thu từ trồng hoa phong lan mang về cho gia đình anh Nguyễn Văn Trường, chủ vườn lan Trường Uyên là khoảng trên 1 tỷ đồng. Anh Trường chia sẻ, “Gia đình tôi đã gắn bó với cây lan được hơn 20 năm. Lúc đầu, chỉ là thú chơi và đam mê lan, rồi dần dần thấy hoa lan có thể phát triển kinh tế thì bén nghề trồng lan. Tết Kỷ Hợi vừa qua nhu cầu chơi hoa lan tăng cao đột ngột. Lượng hoa lan chúng tôi bán ra thị trường tết năm nay phải gấp 2 - 3 lần so với năm trước”.
Cách vườn lan của anh Trường không xa là vườn lan Hương Trung của vợ chồng anh Lê Thanh Trung và chị Mạc Kim Hương. Tuy không phải là người trồng lan sớm nhất ở Đông La, nhưng anh Trung lại được biết đến là một trong những người có vườn lan lớn ở thôn Đồng Nhân với các loại lan rừng và các giống lan công nghiệp độc đáo. Trên diện tích rộng hơn 2.000 m2, anh Trung đã chia khu vườn ra thành các khu trồng các loại lan khác nhau như lan rừng và lan công nghiệp để khách hàng dễ lựa chọn và thăm quan. Vườn nhà anh hiện có một số hàng lan rừng đột biến như dòng hoàng thảo phi điệp, có giá khoảng vài chục triệu đồng/cành, những loài đột biến đặc biệt thì sẽ được bán theo cm, khoảng 2 - 3 triệu đồng/cm. Anh Trung cũng là người tìm tòi và phát hiện ra nhiều giống lan quý, có giá trị như mắt na, hồng diệu linh, hồng bích tuyết… Theo anh Lê Thanh Trung, lan trong vườn nhà nở hoa quanh năm, mỗi loài ra hoa vào một mùa, nhưng vào dịp Tết được bán ra thị trường mạnh nhất với các loại như cattleya, hồ điệp, đai trâu… Để nâng cao hiệu quả trồng phong lan, anh Trung đã đầu tư xây dựng một mô hình trồng lan trong nhà ni lông rộng 150 m2 với hệ thống quạt gió vừa làm mát, tạo độ ẩm cho lan sinh trưởng phát triển tốt, hệ thống mái che nắng, che mưa giúp cho lan hạn chế được những ảnh hưởng xấu của thời tiết trong mùa mưa.
Anh Lê Thanh Trung say mê giới thiệu về các loài phong lan trong khu vườn của gia đình
Theo ông Trần Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Đông La, anh Trường, anh Trung chỉ là 2 trong số hơn 200 hộ đang trồng, kinh doanh phong lan trên địa bàn toàn xã; riêng thông Đồng Nhân đã có gần 100 hộ gắn bó với nghề này. Nhờ trồng phong lan, người dân Đông La đã vươn lên làm giàu nhanh chóng với thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa và hoa màu. Cuối năm, gia đình nào trồng phong lan cũng thu về hàng trăm triệu đồng từ tiền bán phong lan; nhờ vậy, Đông La đã ngày càng có nhiều triệu phú, tỷ phú hoa lan.
Nâng tầm thương hiệu “Phong lan Đông La”
Tìm hiểu được biết, nghề trồng phong lan “bén duyên” với nông dân Đông La từ khoảng đầu thập niên 90 của thế kỷ trước. Khi đó, người dân trong xã thường mang rau, củ, quả lên bán ở các tỉnh vùng cao như Lạng Sơn, Hà Giang, Cao Bằng, Yên Bái… Sau mỗi chuyến hàng, những giò lan rừng thường được người làng mang về để làm quà. Thấy loài hoa đẹp, họ yêu thích và tự trồng, chăm sóc, tự nhân giống. Từ đó, người dân trong xã dần hình thành một số mô hình trồng phong lan để kinh doanh, đáp ứng nhu cầu của thị trường. Với tình yêu đặc biệt dành cho loài hoa phong lan, người dân Đông La không chỉ chăm sóc mà còn thuần dưỡng, lai tạo được nhiều loại phong lan độc đáo, có giá trị. Một số hộ dân có được những giống lan đột biến như phi điệp đột biến, được bán theo cm, có thể vài triệu đồng/cm. Có những loại được bán theo ngọn, những ngọn phi điệp đẹp có giá bán vài triệu đồng/ngọn, ngọn có cả hoa đột biến cánh trắng thì lên tới vài trăm triệu đồng…
Khác với những loại hoa khác, người trồng chỉ trông chờ dịp Tết để mong muốn thu hoạch được nhiều nhất; hoa phong lan được khách hàng chơi và tìm mua quanh năm. Đặc biệt, những năm gần đây, với vẻ đẹp và chất lượng, phong lan Đông La đã tỏa đi khắp các tỉnh với nhiều chủng loại khác nhau, chủ yếu là các giống lan rừng quý hiếm như lan đuôi cáo, phi điệp, đai trâu, tam bảo sắc, quế lan hương... Các giống lan này, được nhập từ các vùng của Lào, Campuchia, Thái Lan và một phần ở vùng núi Việt Nam rồi được người Đông La thuần dưỡng và chăm sóc qua các năm, cung cấp cho thị trường. Một nét riêng đang giúp nghề trồng lan ở Đông La ngày càng phát triển bền vững đó là các chủ vườn lan, người chơi lan ở Đông La không những không giấu nghề, mà còn liên kết, hỗ trợ nhau, sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, thị trường để cùng nhau phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Quý, Chủ tịch UBND xã Đông La cho biết, nhằm phát triển nghề trồng hoa phong lan theo hướng hiệu quả, bền vững, UBND xã đã chủ động phối hợp với các đơn vị, nhất là các tổ chức tín dụng để hỗ trợ vốn ưu đãi cho các hộ trồng phong lan; đồng thời, tham mưu, đề xuất với UBND huyện Hoài Đức về các biện pháp quảng bá, tuyên truyền cho nghề trồng phong lan của địa phương. Tuy nhiên, nghề phát triển và mở rộng hơn nữa, các hộ dân trồng lan trong xã hiện đang rất mong muốn có thể xây dựng được một khu chợ ngay trên đất Đông La để trưng bày, giới thiệu và kinh doanh buôn bán ngay tại địa phương, giúp người nuôi trồng, sản xuất tập trung hơn và quảng bá được thương hiệu.../.