TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Sáu, 22/11/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 347185
  GƯƠNG LÀM KINH TẾ GIỎI

  Hải Dương: Người dành cả tuổi trẻ để ươm mầm hoa giống
26/03/2019

“Một năm khởi đầu từ mùa xuân, một đời người khởi đầu từ tuổi trẻ", với anh Nguyễn Văn Chiến ở thôn Phù Liễn, xã Hồng Phong, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương thì đã dành cả tuổi trẻ của mình trăn trở, tìm tòi, kiên trì với con đường khởi nghiệp trồng hoa cúc giống. Sự kiên trì bền bỉ, không lùi bước, quyết tâm vượt qua mọi khó khăn đã giúp anh thành công. Từ bàn tay của anh, mầm hoa nối tiếp những mầm hoa để cho mùa hoa nối tiếp những mùa hoa.

Sinh ra và lớn lên ở làng hoa Phù Liễn, nông dân quê anh chủ yếu trồng cây lấy hoa đem bán. Việc nhập hoa giống từ nơi khác về đã gặp phải một số khó khăn như hoa không thích nghi với khí hậu vùng, cây giống mua về hay bị dập nát do vận chuyển nên dễ bị thối hỏng sau trồng, hoa sau này không đẹp vì không biết cây mẹ ra sao… Anh Chiến luôn đau đáu làm sao để người dân quê mình có được nhiều giống hoa đẹp để trồng mà không phải đi tìm mua ở nơi khác. Từ suy nghĩ đó, anh quyết tâm bằng mọi cách tìm tòi học hỏi và bắt tay vào trồng hoa cúc giống. Ban đầu anh chỉ trồng một góc vườn nhỏ rồi lên vài thước đến vài sào. Dần dần anh chuyển đổi những cây kém hiệu quả kinh tế và lấp ao để cải tạo mở rộng diện tích trồng hoa cúc giống.

Nghề trồng hoa cúc giống đòi hỏi tỉ mỉ, kỳ công, cẩn thận mà anh ví như "chăm sóc con mọn". Các cây mẹ đều được anh lựa chọn tìm mua từ nguồn nuôi cấy mô của Viện Nghiên cứu Rau quả. Từ cúc bố mẹ đến tuổi, mầm được cắt tỉa để ươm riêng ra luống khác, khi các mầm ra rễ khỏe là có thể trồng được. Hoa giống phải đảm bảo chất lượng, khi trồng lên đều, không bị chột, cây lên mập, khỏe. Hoa giống tại vườn nhà anh có quanh năm nhưng tập trung cao điểm nhất vào thời điểm tháng tám âm lịch, phục vụ cho người trồng hoa vụ Tết.

Khi đã làm chủ kỹ thuật, anh Chiến tiếp tục tìm tòi đổi mới nguồn hoa cúc giống sao cho đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng cả về chất lượng, giá cả và thời điểm. Làm sao để cây hoa cúc giống không chịu tác động nhiều bởi thời tiết, anh mày mò tự làm giàn khum vòm có che phủ nilon cho từng luống cây hoa. Thấy hiệu quả rõ rệt so với khi không được che phủ, anh Chiến đã học hỏi mô hình trồng hoa công nghệ cao bằng hệ thống nhà màng, nhà lưới ở nhiều nơi và mạnh dạn đầu tư. Là một trong những người tiên phong trong việc ứng dụng hệ công nghệ nhà màng, nhà lưới trên địa bàn huyện, đến nay diện tích nhà lưới của hộ anh đã phát triển lên trên 2 mẫu, với số vốn đầu tư lên tới gần 5 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, anh tiếp tục mua thêm trên 3 mẫu canh tác kém hiệu quả của người dân trong thôn để chuyển đổi trồng hoa giống.

Với kinh nghiệm nhiều năm và luôn tâm huyết, trách nhiệm với nghề, sản phẩm hoa cúc giống của gia đình anh luôn được người trồng tin tưởng, ưa chuộng, không chỉ tiêu thụ trong huyện mà sản phẩm còn vươn ra ngoài tỉnh. Khi được hỏi về thu nhập của gia đình mình, anh Chiến khiêm tốn cười bảo: "Nghề trồng hoa cúc giống thu hoạch quanh năm, nhưng làm lớn thì phải đầu tư lớn, làm được đến đâu lại kiến thiết mở rộng đến đó. Bản thân không bao giờ bằng lòng với những gì đã đạt được mà luôn luôn phấn đấu không ngừng".

Anh Nguyễn Văn Chiến đang chăm sóc vườn hoa giống

 

Gần 20 năm theo đuổi và gắn bó với nghề trồng hoa cúc giống, anh Nguyễn Văn Chiến đã phải nếm đủ mùi thất bại, những năm đầu khi chí thì lớn nhưng kỹ thuật còn non nớt, kinh tế còn hạn hẹp. Thực tế khí hậu miền Bắc nước ta giâm cây hoa cúc chỉ thuận lợi nhất về mùa xuân vì có mưa phùn làm mầm cây sau khi tách không bị mất nước và cây đâm rễ nhanh hơn. Tuy nhiên, nhu cầu cây giống của người trồng hoa chủ yếu lại là thời điểm tháng 8 âm lịch, chính vì thế mà việc giâm cành, giâm chồi cúc của anh ban đầu đã bị thất bại vì không có thiết bị hỗ trợ, kỹ thuật của anh cũng còn sơ sài. Anh còn nhớ rất rõ những lô mầm cây giống ươm xuống vườn giữa tiết trời thu gió heo may, khô hanh, xen kẽ là những ngày “nắng rám trái bòng” đã bị cong queo, khô héo hàng loạt dù anh đã nhiều lần trong ngày tưới phun mưa cho chúng. Rồi giâm cúc trong mùa hè cũng không kém rủi ro, mầm chồi cúc giâm xuống khi thì nóng quá bị khô quắt, lúc gặp mưa nhiều lại bị thối thân, thối rễ mà chết ủng.

Với điều kiện khí hậu thì cúc kén chọn vậy, đất ươm cây giống cũng không hề đơn giản: Muốn chồi cúc nhanh đâm rễ sau giâm, đất vườn ươm đòi hỏi phải được làm cẩn thận và chu đáo, đất vừa tơi xốp để thoáng khí, vừa phải giữ ẩm tốt lại không bị nhiễm vi khuẩn hay nấm hại. Để có được nền giá thể tốt nhất cho hoa giống khi giâm, anh đã phải mày mò, dành công sức lặn lội vào tận miền Nam học hỏi kỹ thuật làm giá thể giâm cây bằng xơ dừa trộn đất, dinh dưỡng. Ngoài ra, anh còn học hỏi và tìm hiểu thông tin trên internet để nghiên cứu những kỹ thuật chuyên sâu, sử dụng các chế phẩm bổ trợ như hóa chất và nấm kích rễ, nấm chống chết rễ…

          Bấy nhiêu thế mà vẫn chưa đủ. Anh cười mà bảo rằng, làm nghề hoa giống nếu nói hết các khâu kỹ thuật thì cả ngày chưa xong mà viết ra thì có thể thành cả quyển sách chứ  không ít. Thế cho nên tròn 20 năm anh làm nghề cây giống mà giờ vẫn phải học và phải hỏi. Chỉ tính đến các khâu như cắt mầm hoa trên cây mẹ lúc nào? Cắt thế nào để mầm không bị dập nát, không dễ bị thối sau giâm? Giâm vào thời điểm nào trong ngày? Che gió, che nắng cho mầm sau giâm rồi lại làm mầm cây quen dần với môi trường ngoài như thế nào?… Tất cả những thứ đó thôi đã là cả một “ nghệ thuật”.

Từ bàn tay của anh, những mầm hoa đã tỏa đi muôn nơi để mang hoa làm đẹp cho đời, cho mùa xuân thêm thắm tươi. Kiên trì với con đường khởi nghiệp của mình, từ ý tưởng đến quyết tâm hành động, chịu khó tìm tòi học hỏi, đến nay anh Chiến đã khẳng định được mình. Năm 2018, hộ anh Nguyễn Văn Chiến được công nhận "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh". Sự thành công của anh mang đến thông điệp với mọi người, đặc biệt là với tuổi trẻ hôm nay, đó là: Dù bất cứ việc gì, hãy kiên trì bền bỉ, chịu khó tìm tòi chúng ta sẽ đi đến được đích của con đường, chúng ta sẽ thành công.

 

Trần Thị Liên-Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Nam Sách, Hải Dương
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu