Sinh ra, lớn lên rồi lập gia đình tại miền biển này, chị Huấn luôn mong muốn quê hương mình được đổi mới. Vì thế, 15 năm làm công tác Hội và cũng là 15 năm chị giữ chức vụ chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn. Ở cương vị đó, chị luôn trăn trở làm sao để thuyết phục được chị em ủng hộ và xây dựng phong trào Hội ngày càng vững mạnh. Trong phong trào “Phụ nữ thi đua làm kinh tế giỏi”, chị là một tấm gương sáng ai ai cũng nể phục.
Vùng quê chị là nơi “đất chật người đông”, việc phát triển kinh tế vườn gặp nhiều khó khăn vì người dân chủ yếu làm nghề đi biển, một bộ phận lao động chính lại đi làm ăn xa, ở nhà chủ yếu là phụ nữ và trẻ nhỏ. Với vai trò là Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn, chị luôn ý thức được trách nhiệm của mình và luôn tiên phong gương mẫu trong mọi hoạt động. Vì thế, với niềm đam mê và suy nghĩ “nói hay không bằng làm hay”, chị đã quyết tâm xây dựng vườn nhà mình thành vườn mẫu để lấy đó làm cơ sở nhân rộng.
Nghĩ là làm, năm 2016, chị đã cùng các chị em trong thôn đi tham quan học hỏi kinh nghiệm xây dựng vườn mẫu cũng như phát triển kinh tế vườn trong tỉnh. Từ chuyến tham quan đó, chị rất quan tâm tới mô hình nuôi bồ câu Pháp. Chị tiếp tục nghiên cứu thêm tài liệu trên mạng để có kinh nghiệm thực hiện. Chị bắt đầu cải tạo, quy hoạch lại vườn và dành một nửa diện tích để làm chuồng nuôi bồ câu.
Chị Huấn chia sẻ: “Qua tìm hiểu tôi thấy kỹ thuật nuôi chim bồ câu Pháp không quá khó, việc xây dựng chuồng trại cũng khá đơn giản, ít tốn chi phí và đặc biệt là không cần diện tích nhiều, rất thích hợp với những vườn hộ gia đình. Lúc đó, trên địa bàn xã cũng chưa có mô hình nuôi chim bồ câu số lượng lớn nào mà chỉ có một số người dân nuôi làm cảnh. Đầu ra của chim câu khá thuận lợi, cứ một đôi giá từ 100 - 120 nghìn đồng, có người đến tận nơi để lấy nên không có gì đang lo ngại”.
Ban đầu chị chỉ đầu tư quy mô nhỏ với 50 con nhưng đến nay chị đã xây dựng được một trang trại bồ câu lớn với gần 700 con. nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên mô hình nuôi chim bồ câu của gia đình chị phát triển rất tốt. Mỗi năm trang trại bồ câu của chị cung cấp ra thị trường 12 lứa bồ câu, mỗi lứa cho thu nhập từ 10-12 triệu đồng, trừ các khoản chi phí thu lợi nhuận gần 100 triệu/năm. Nhờ đó, đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình, giúp chị có điều kiện nuôi các con ăn học, trưởng thành.
Chị Huấn đang chăm sóc chim bồ câu
Ngoài ra, chị còn đi đầu trong phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu để trồng các loại cây ăn quả và rau màu các loại. Mặc dù diện tích vườn không lớn, nhưng nhìn cách chị bố trí vườn rất hợp lý, ai đến tham quan cũng phải khen ngợi. Không những thế, chị còn nhiệt tình hướng dẫn, tư vấn về khâu kỹ thuật cho các hộ gia đình trong và ngoài thôn có chung chí hướng phát triển kinh tế từ vườn.
Vừa có thu nhập ổn định từ nuôi chim bồ câu, vừa có rau sạch phục vụ cho gia đình và thời gian không xa nữa, vườn cây ăn quả của gia đình chị sẽ có “quả ngọt” cho thu hoạch. Đây cũng là hướng đi mà chị đã ấp ủ và quyết tâm thực hiện, không chỉ tăng nguồn thu nhập cho gia đình mà còn giúp mong muốn của chị đến gần với hiện thực. Đó là chia sẻ cách làm kinh tế với mọi người, nhất là bà con địa phương để cùng nhau phát triển, cải thiện đời sống của chính mỗi gia đình từ phát triển kinh tế vườn, góp phần xây dựng xã nhà đạt chuẩn Nông thôn mới./.