Do gia đình có diện tích đồi rộng trên 2,5 ha, từ năm 2007, gia đình bác Luân đã tự khai phá và mua giống chè về trồng. Nhận thấy thời gian từ khi trồng đến thu hoạch chè phải kéo dài, đến năm 2011, bác Luân đã trồng xen cam sành trong các vườn chè của gia đình. Từ năm 2015, các diện tích chè của gia đình bác Luân đã cho thu hoạch. Từ năm 2017 đến nay, bình quân mỗi năm gia đình bác Luân có nguồn thu nhập từ 80 – 90 triệu đồng do cây chè mang lại. Bên cạnh đó, trong 2 năm từ 2017 - 2018, một số diện tích cam sành đã cho thu hoạch, mỗi năm cũng mang về nguồn thu nhập khoảng 80 triệu đồng.
Không chỉ phát triển về cam, chè, gia đình bác Luân còn đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn và các loại gia cầm như gà, vịt; mỗi năm từ chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm cũng mang lại cho gia đình bác Luân khoảng 100 triệu đồng sau khi đã trừ các khoản chi phí đầu tư.
Bác Luận chăm sóc vườn cam trồng xen cây chè của gia đình
Tận dụng nguồn đất rộng và có nguồn nước suối chảy quanh năm, gia đình bác Luân đã thuê đào được trên 5.500 m2 mặt nước để nuôi cá. Các ao nuôi cá được xây tách biệt bằng bê tông kiên cố và có nguồn nước chảy luân chuyển bằng các đường ống nhựa; bên cạnh đó, giữa các ao nuôi cá còn có hệ thống đóng, mở nguồn nước khi cần thiết. Các loại cá được bác Luân nuôi chủ yếu có chất lượng và giá thành cao như cá chép, các trôi Ấn Độ, cá bỗng… Để cho cá mau lớn, bác Luân đã tự chế biến thức ăn tổng hợp cho cá từ bột ngô, cám gạo kết hợp với giun quế và các loại cá nhỏ. Bên cạnh đó, gia đình bác Luân khai thác cá theo phương thức “đánh tỉa thả bù”, tức là khai thác loại cá nào thì thả bù giống của loại cá đó. Từ nuôi cá, mỗi năm mang lại cho gia đình bác Luân khoảng 90 triệu đồng.
Bác Luân chia sẻ, từ năm 2016 đến nay, thu nhập của gia đình từ trồng chè, cam và chăn nuôi cá, gia súc, gia cầm, bình quân từ 350 – 360 triệu đồng. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm gia đình còn lãi khoảng 250 triệu.
Khi được hỏi về kinh nghiệm trong phát triển chăn nuôi và trồng trọt, bác Luân cho biết: Để phát triển chăn nuôi và trồng trọt thành công thì người chủ gia đình phải không ngừng học hỏi các tiến bộ khoa học kỹ thuật trên các phương tiện thông tin đại chúng, các loại sách báo viết về chuyên môn, các buổi tham quan, học tập do các ban, ngành của địa phương tổ chức và nhất là tại các mô hình trồng trọt và chăn nuôi đạt hiệu quả cao. Ngoài ra, để cho các sản phẩm từ chăn nuôi và trồng trọt của gia đình bán ra không bị tư thương ép giá thì cũng cần phải liên kết với các chủ hộ có cùng sản phẩm tại địa phương.
Anh Vi Đức Thuật, Chủ tịch UBND xã Việt Lâm cho biết: Gia đình bác Vũ Văn Luân là hộ có mô hình phát triển kinh tế VAC thành công của địa phương. Trong những năm qua, đã lấy mô hình phát triển kinh tế của gia đình bác Luân để tuyên truyền cho mọi người dân trong xã học tập và làm theo.
Từ những thành tích đạt được trong phát triển kinh tế, gia đình bác Vũ Văn Luân đã dược Hội Nông dân huyện Vị Xuyên biểu dương và tặng nhiều giấy khen từ năm 2017 đến nay.