Mô hình được triển khai từ cuối tháng 6 năm 2018, với hệ thống nhà kính rộng 6.200 m2 được trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, tổng vốn đầu tư 2,5 tỷ đồng. Bước đầu mô hình đã đem lại hiệu quả với các sản phẩm dưa lưới, dưa kim hoàng hậu, dưa chuột đạt chất lượng và đã có mặt trên thị trường.
Để làm ra những trái dưa thơm, ngon, được người tiêu dùng đón nhận là cả một quá trình. Trước khi bắt tay vào thực hiện mô hình, anh Chung đã tìm hiểu, tham khảo kỹ các tài liệu, đồng thời tham quan học hỏi thực tế các mô hình tại rất nhiều nơi như Hà Nội, Hòa Bình. Với diện tích 6.200m2 nhà kính, anh chia làm 3 khu: khu sản xuất dưa lưới khoảng 1.000m2, khu sản xuất dưa chuột 1.000m2 và khu sản xuất dưa kim hoàng hậu hơn 4.000m2; canh tác theo hình thức luân canh.
Để đạt được hiệu quả, anh dùng hệ thống tưới nhỏ giọt tự động ứng dụng từ công nghệ thủy canh Israel. Phân được hòa vào nước rồi theo hệ thống tưới nhỏ giọt cung cấp dinh dưỡng cho cây phát triển. Hệ thống tưới tự động được giám sát và điều khiển qua điện thoại thông minh.
Dẫn chúng tôi đi thăm mô hình của gia đình, anh Bùi Văn Chung chia sẻ: Việc áp dụng công nghệ cao và sử dụng nhà lưới bao bọc xung quanh có ưu điểm vượt trội, giúp chắn mưa, nắng, ngăn côn trùng xâm nhập nên việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật gần như không có, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn, bảo vệ sức khỏe người trồng lẫn người tiêu dùng. Tuy mức chi phí đầu tư ban đầu khá lớn nhưng sẽ sử dụng được từ 8-10 năm mới phải thay thế và sản xuất được quanh năm.
Anh Bùi Văn Chung đang kiểm tra vườn dưa kim hoàng hậu của gia đình
Nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, một năm anh trồng được 3 vụ dưa. Đối với dưa lưới, thời gian cho thu hoạch từ 70 – 75 ngày, dưa kim hoàng hậu 60 – 65 ngày, dưa chuột 40 – 45 ngày. Mô hình áp dụng theo một quy trình chuẩn, được kiểm soát chặt chẽ từ khâu chọn hạt giống, theo dõi quá trình sinh trưởng, nước tưới cho đến khi dưa được thu hoạch. Hạt không gieo trực tiếp xuống mặt đất mà trồng trong giá thể xơ dừa đã qua xử lý, giúp cây tránh tiếp xúc với vi sinh vật có hại trong đất. Từ giai đoạn trồng đến khi bắt ngọn, tỉa nhánh là khoảng 14 ngày; từ ngày thứ 26 - 28 sau trồng thì tiến hành thụ phấn cho cây dưa lưới. Việc thụ phấn được thực hiện bằng phương pháp thủ công, tức là lấy nhụy hoa đực úp vào hoa cái, sau một tuần là dây bắt đầu hình thành quả. Mỗi dây nên để khoảng 3 - 4 quả, sau đó một tuần, chọn quả tốt nhất để lại, đến khi thu hoạch quả sẽ đều và đẹp hơn.
Đến nay, mô hình trồng dưa lưới của anh Chung đã cho thu hoạch được khoảng 2 tấn dưa, trung bình mỗi quả dưa nặng từ 1,6 – 1,7 kg, với giá bán từ 35.000 – 40.000đồng/kg. Ước tính hết vụ, gia đình anh thu được khoảng 4 – 5 tấn dưa. Sản phẩm dưa lưới của anh đã được cấp chứng nhận VietGAP và có mặt tại các cửa hàng rau sạch, siêu thị Coopmart Hà Nội.
Mô hình canh tác trong nhà kính giúp tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn. Việc nhân rộng mô hình này là cần thiết, bởi không chỉ giúp đẩy mạnh sản xuất, tiến tới nền nông nghiệp công nghệ cao, mà còn góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất. Tuy nhiên vấn đề quan trọng là cần sự liên kết để tìm đầu ra cho sản phẩm.