Vốn tính chịu khó và có niềm đam mê nghiên cứu trồng các loại nấm làm thực phẩm sạch, cung cấp cho thị trường, gia đình chị là một trong những hộ trồng nấm với số lượng lớn trong vùng.
Năm 2004, chị Hải bắt đầu bén duyên với nghề trồng nấm. Ban đầu chỉ là một ô trại nhỏ sản xuất nấm sò, đến nay chị đã mở rộng khu trại nấm của gia đình lên 300 m2 và trồng thêm nhiều loại nấm khác như mộc nhĩ, linh chi, và gần đây là nấm hoàng đế. Chị Hải cho biết, mỗi loại giống nấm đều có kỹ thuật trồng và chăm sóc khác nhau, nhưng để có được sản lượng nấm đạt chất lượng cao thì quan trọng nhất là khâu chọn giống, chọn nguyên liệu và cách ủ nguồn nguyên liệu. Hiện nay mỗi năm gia đình chị trồng từ 40.000 - 50.000 bịch nấm sò, 5.000 bịch nấm mộc nhĩ, 6.000 bịch nấm linh chi, năm 2019 chị đưa vào trồng 2.000 bịch giống nấm hoàng đế.
Trao đổi với chúng tôi về cơ duyên đến với giống nấm hoàng đế, chị Hải cho biết, tuy gia đình có trại trồng nấm khá lớn trong vùng nhưng đến mùa nắng nóng thì việc sản suất nấm phải giảm số lượng, sản xuất cầm chừng, đôi khi phải tạm nghỉ do nắng nóng kéo dài nấm sò và nấm mộc nhĩ ít ra nên không mang lại hiệu quả. Sau khi tìm hiểu trên các phương tiện truyền thông, chị thấy nấm hoàng đế có dải nhiệt độ và độ ẩm tương đối rộng, có khả năng phù hợp với điều kiện khí hậu tại tỉnh Quảng Trị trong mùa nắng nóng. Chị mạnh dạn liên hệ với trại nấm ở tỉnh Thái Bình, tìm ra học hỏi kinh nghiệm trồng nấm hoàng đế. Với những kiến thức đã học hỏi được, hiện nay chị đã tự sản xuất phôi nấm và thực hiện trồng để cung cấp cho thị trường.
Chị Hải cho biết quy trình trồng nấm hoàng đế khá đơn giản, chi phí đầu tư thấp. “Nguyên liệu chính để làm phôi nấm là mùn cưa, rơm rạ, bông hạt. Bịch nấm được đóng từ 1,2 đến 1,4 kg, cấy giống trong bịch ươm sợi từ 35 đến 40 ngày. Sau khi những sợi nấm đã ăn trắng bề mặt bịch, các bịch nấm sẽ được rạch bịch, tháo bao ni-long bên ngoài. Xếp bịch nấm vào khay hoặc luống và phủ kín bằng đất sét phơi khô. Kể từ ngày phủ đất khoảng 10 -15 ngày nấm hoàng đế sẽ ra quả thể. Từ lúc nấm non nhú ra đến lúc thu hoạch kéo dài từ 5 - 10 ngày. Mỗi bịch nấm sẽ cho thu hoạch trong khoảng 2 - 2,5 tháng” - chị Hải nói.
Chị Hải cũng cho biết thêm việc chăm sóc nấm hoàng đế không quá khó. Trong quá trình trồng không cần phải bón thêm phân hay dùng thuốc hóa học. Quá trình nuôi nấm cần tránh gió lùa và ánh sáng trực tiếp, khi tưới nước thì tưới dạng phun sương, ngày 2 lần, tưới ướt bề mặt. Chị luôn tuân thủ các quy trình sản xuất, chế biến nấm theo hướng an toàn từ khâu trồng cấy nấm, chăm sóc tưới bằng nước sạch, vệ sinh lán trại sạch sẽ hằng ngày.
Nấm hoàng đế có kích thước rất lớn, chiều cao tối đa có thể lên đến 20 cm. Thông thường 1 bịch nấm từ 1,2 – 1,4 kg sẽ cho ra thu hoạch khoảng 0,7 – 1 kg nấm tươi. Khi thu hoạch nấm phải lấy hết chân nấm, thu từng tai nấm trưởng thành, những tai nấm nhỏ để lại thu hoạch sau. Quá thể bị chết và chân nấm cũ phải được vệ sinh sạch sẽ để tránh gây mốc.
“Tôi thu hoạch đến đâu thì bán đến đó, với giá từ 60.000 – 70.000 đồng/kg. Loại nấm này thịt chắc, dày, thơm, ngọt, có chất lượng hơn hẳn so với các loại nấm khác nên được mọi người ưa chuộng”, chị Hải cho hay.
Chị Hải bên mô hình trồng nấm hoàng đế của gia đình
Theo chị Hải trồng nấm mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại cây trồng khác, thị trường nấm luôn ổn định. Hiện nay, ngoài bán nấm thương phẩm chị Hải còn tự sản suất phôi nấm giống, để bán cho các hộ trồng nấm khác. Chị mong muốn người dân trong vùng sẽ có thêm nguồn thu nhập ổn định để phát triển kinh tế gia đình, cũng như cung cấp các sản phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe cho người tiêu dùng. Với mô hình cung cấp phôi giống và bán nấm thương phẩm, mỗi năm gia đình chị có thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Trao đổi với chúng tôi bà Nguyễn Thị Huế - Chủ tich Hội nông dân xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh cho biết: Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình. Thời gian qua trên địa bàn xã Vĩnh Thành đã xuất hiện những mô hình làm ăn hiệu quả, trong đó trại nấm chị Hải là một trong những điển hình.
“Hiện nay trại nấm của chị Hải không chỉ là nơi sản xuất nấm chất lượng mà còn là cầu nối giúp nông dân trong vùng cùng phát triển kinh tế. Là người kinh doanh nhưng chị Hải luôn sẵn sàng hướng dẫn cho nông dân đến tham quan, học hỏi một cách tận tình để giúp nhau phát triển kinh tế. Qua đây, tôi cũng đề nghị các cơ quan chức năng và chính quyền cấp trên tiếp tục quan tâm địa phương để nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp, tạo điều kiện vốn vay ưu đãi, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật để nông dân Vĩnh Thành có cơ hội phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu một cách chính đáng”, bà Huế nói.