Bà Sâm tâm sự: Đối với địa hình, khí hậu đất đai của bản mình thì phù hợp với các cây trồng cho quả như: cam, chanh, dưa, mận… nhưng quan trọng là tìm giống cây trồng mới, cho hiệu quả cao. Sau bao ngày bỏ công sức đi đến xã Mường Gio, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La thăm quan mô hình chanh leo (còn gọi là chanh dây, lạc tiên, mác mác), nhận thấy giống cây này hợp với thổ nhưỡng địa phương mà cho giá trị thu nhập cao, giữa năm 2018, gia đình bà đã mua 120 bầu cây chanh leo giống Đài Loan tím về trồng trên diện tích 5,5 sào. Nhờ học hỏi kỹ thuật trồng của các hộ dân ở xã Mường Gio, rồi cán bộ khuyến nông đến tư vấn thêm cách trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, nên sau 3 tháng trồng, vườn chanh leo đã ra hoa và đậu quả, các lứa quả chín gối nhau và cho thu hoạch thành từng đợt. Sang năm 2, do chăm sóc tốt và phù hợp khí hậu, cây cho quả rất sai, ước tính trung bình 1 sào cho thu từ 5 - 7 tạ quả, với giá thị trường 15.000 - 17.000 đồng/kg, trừ chi phí đầu tư, cho lãi trên 200 triệu/năm.
Bà Đặng Thị Sâm đang chăm sóc vườn chanh leo của gia đình
Từ hiệu quả trồng chanh leo của gia đình bà Sâm, chính quyền xã, huyện, tỉnh đã vào cuộc để nhân rộng mô hình. Năm 2019, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Yên Bái phối hợp với UBND huyện Văn Chấn, Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Hỗ trợ phát triển nông nghiệp huyện trong việc chọn điểm, chọn hộ thực hiện mô hình liên kết sản xuất chanh leo (giống Lạc tiên LPH04) trên quy mô 25 ha với 82 hộ tham gia.
Trước khi trồng cây, các hộ được tham gia tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại theo quy trình kỹ thuật của Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc, nhằm đảm bảo các tiêu chuẩn về sản phẩm của đơn vị liên kết thu mua và định hướng thâm canh theo quy trình kỹ thuật thực hành nông nghiệp tốt. Hiện nay, cây chanh leo trong mô hình sinh trưởng phát triển tốt, không xuất hiện sâu bệnh hại, cây đã ra hoa và cho quả chín. Sản lượng quả ước tính 20 tấn/ha. Để chủ động bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân, Uỷ ban nhân dân xã Phù Nham (huyện Văn Chấn) đã thành lập tổ sản xuất chanh leo để kết nối, ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với Công ty Cổ phần Nafoods Tây Bắc theo hướng lâu dài, ổn định và bền vững, giúp các hộ dân yên tâm sản xuất.
Với sự tận tụy, tâm huyết của gia đình bà Sâm, sự quan tâm, đồng sức đồng lòng từ tỉnh đến huyện, xã, thôn bản, cây chanh leo hy vọng sẽ là cây trồng mới cho hiệu quả thu nhập cao, là nơi để khuyến khích người dân thôn, bản trong toàn tỉnh nhân rộng mô hình theo chuỗi liên kết giá trị, nhằm sản xuất ra sản phẩm sạch, an toàn mang tính hàng hóa, hướng tới sản xuất theo hướng bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân theo mục tiêu của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp mà tỉnh đã đề ra./.