TRANG CHỦ LIÊN HỆ SƠ ĐỒ WEB PHÔNG UNICODE TÌM KIẾM
Thứ Năm, 21/11/2024
Tin tức trong nước
Tin tức trong tỉnh
Tin thế giới
Tổng quan về xã
Hoạt động UBND
Sản phẩmGương làm kinh tế giỏi
Tài liệu KHCN
Phim KH&CN
Văn bản pháp quy
Dịch vụ
WEBSITE CÁC XÃ
Trao đổi trực tuyến
longttkhcn
quangnv2k
WEBSITE KHÁC
HÌNH ẢNH
 

Mùa thu hoạch lúa

Chăm sóc cây ăn quả

Mô hình nuôi nhím hiệu quả kinh tế cao

Lượt truy cập: 346587
  TÀI LIỆU KHCN

  Đăk Nông: Thành công từ mô hình trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ
21/08/2019

Hưởng ứng phong trào sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ, trong những năm qua, tại Đăk Nông đã có nhiều mô hình sản xuất, canh tác theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân. Điển hình là mô hình trồng cây ăn quả tổng hợp theo hướng hữu cơ của gia đình ông Nguyễn Quốc Khánh ở thôn 8, xã Nhân Cơ, huyện Đăk Rlấp.

Để có được thành công như ngày hôm nay, gia đình ông trải qua rất nhiều khó khăn, chuyển đổi các loại cây trồng trên cùng một diện tích đất canh tác. Ông Khánh chia sẻ: Vào năm 2000, giá cà phê xuống thấp, người nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên nói chung và gia đình ông nói riêng gặp rất nhiều khó khăn, thu không đủ chi, ông đã suy nghĩ và bàn bạc với vợ quyết định chuyển một phần đất trồng cà phê kém hiệu qủa sang trồng sầu riêng. Năm đầu tiên, ông chỉ trồng thử nghiệm 30 cây sầu riêng hạt lép giống Ri6 và Moonthong. Sau 5 năm trồng, cây sầu riêng bắt đầu cho trái. Nhận thấy khí hậu thổ nhưỡng tại địa phương phù hợp với cây sầu riêng, ông bắt đầu mở rộng diện tích trồng thêm 120 cây sầu riêng. Thời gian đầu, cây sầu riêng phát triển tốt và cho hiệu quả kinh tế cao, tuy nhiên do dùng nhiều phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật nên sau gần 10 năm, đất trồng sầu riêng bắt đầu bị thoái hóa, rửa trôi, phải bón rất nhiều loại phân thì cây mới cho thu hoạch.

Năm 2012, qua chương trình “Bạn của nhà nông” trên sóng truyền hình VTV2, nhận thấy việc trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững, ông đã trăn trở và suy nghĩ phải thay đổi phương thức sản xuất để nâng cao thu nhập, cải thiện kinh tế gia đình, đồng thời bảo vệ môi trường sống, đảm bảo sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng. Dù không được đào tạo qua bất kỳ một trường lớp nào nhưng bằng niềm đam mê, ông đã đi học hỏi kinh nghiệm và tham quan các mô hình điển hình, nghiên cứu, tìm hiểu những kinh nghiệm sản xuất tiêu biểu từ thực tiễn, tìm hiểu trên sách báo, internet, trên các phương tiện truyền thông. Sau đó, ông quyết định chuyển đổi vườn sầu riêng của gia đình sang trồng, chăm sóc theo hướng hữu cơ. Sau gần 1 năm, cây phát triển tốt, đất trồng được cải thiện, chi phí chăm sóc cho vườn sầu riêng giảm đi rất nhiều, trong khi đó quả sầu riêng cho chất lượng thơm ngon hơn. Sang đầu năm 2013, từ hiệu quả của cây sầu riêng, ông mở rộng quy mô trồng thêm 600 gốc mít Thái hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Để thâm canh theo hướng hữu cơ, ông thu gom phân chuồng từ một số hộ gia đình trên địa bàn thôn, xã về ủ mục và kết hợp với bánh dầu lạc, bã đậu nành, xác cá …, để bón cho cây trồng. Đến nay, vườn sầu riêng và mít Thái phát triển tốt, cho quả sai, trái ngọt.  

 

Ông Nguyễn Quốc Khánh bên vườn cây ăn trái của gia đình

 

Các sản phẩm trái cây của gia đình ông đã từng bước chiếm được lòng tin của người tiêu dùng, hầu hết những người từng mua sản phẩm trái cây của gia đình ông đều quay lại đặt hàng. Đến nay, diện tích vườn cây ăn quả của gia đình ông trên 2,6 ha, sản lượng sầu riêng đạt trên 20 tấn quả/năm, mít đạt trên 10 tấn quả/năm, tổng thu nhập mỗi năm của gia đình hiện đạt trên 800 triệu đồng, trừ chi phí lãi khoảng 500 triệu đồng. Đồng thời còn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 2-3 lao động, với mức lương 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn thường xuyên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ bà con hàng xóm để cùng nhau phát triển kinh tế gia đình. Kinh nghiệm để trồng cây ăn quả theo hướng hữu cơ được ông Khánh tổng kết như sau:

Thứ nhất: Hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thường sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc sinh học; tuyệt đối không dùng thuốc diệt cỏ mà để cỏ trong vườn, dùng máy phát cỏ theo từng đợt, nhằm hạn chế rửa trôi đất và xác cỏ tạo mùn bã hữu cơ làm tơi xốp đất.

Thứ 2: Hạn chế bón phân hóa học, chỉ bón 1 lượng nhỏ trong một năm, trung bình mỗi gốc ông chỉ bón từ 1,5 – 2 kg phân NPK/cây. Chủ yếu bón phân hữu cơ tự ủ là chính với lượng từ 40-50 kg/cây, một năm chia ra thành nhiều đợt để bón nhằm đảm bảo chất dinh dưỡng cho cây.

Thứ 3: Vườn cây ăn trái nên lắp hệ thống tưới nước tự động, tưới tiết kiệm nước nhằm chủ động tưới nước cho cây khi cần thiết cũng như tiết kiệm công lao động, tiết kiệm lượng nước tưới.

Thứ 4: Sau khi thu hoạch quả phải vệ sinh vườn sạch sẽ, thu gom cắt tỉa cành khô, cành sâu bệnh, cành tăm yếu và những cành không có khả năng cho quả ra khỏi vườn để tiêu hủy nhằm hạn chế các mầm bệnh trong vườn cây.  

Nguyễn Thị Khánh, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Đăk Nông
|

  
Trang KHCN phục vụ nông thôn
LOGO
Bản quyền thuộc Uỷ Ban Nhân Dân xã Nghĩa Thành, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Điện thoại: (84.064) 3 881 204 - Fax: (84.064) 3 881 204
Đơn vị thiết kế: Trung tâm Tin học và Thông tin KHCN Bà Rịa - Vũng Tàu