Cũng như nhiều người nông dân khác sống trên địa bàn, trước đây gia đình ông Lê Văn Dũng sinh sống chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa và chăn nuôi gia súc, gia cầm với quy mô nhỏ, lẻ, manh mún. Do vậy, trong một thời gian khá dài, kinh tế của gia đình ông cũng chỉ “tạm” đủ ăn, còn việc tích luỹ để tái đầu tư phát triển sản xuất, cũng như trang trải chi phí nuôi các con ăn học còn gặp rất nhiều khó khăn.
Sau khi hoàn thành nhiệm vụ của một chiến sỹ thanh niên xung phong, trở về địa phương, nhiều lần ông Lê Văn Dũng đi khảo thực địa toàn bộ khu cánh đồng Sác mênh mông, nằm ở phía Tây của xã, giáp với địa giới xã Vĩnh Ninh, đã bị bỏ hoang lâu năm. Với nhiều dự định đã được vạch ra trong suy nghĩ, nhưng do chưa có vốn liếng và kinh nghiệm sản xuất trong tay, cho nên mãi đến năm 2005, ông và gia đình mới quyết định nhận đất xây dựng mô hình kinh tế lúa – cá – chăn nuôi kết hợp.
Được sự hỗ trợ và động viên của Trạm Khuyến nông huyện Quảng Ninh và Ủy ban nhân dân xã Lương Ninh, trên tổng diện tích khoảng trên 2,1 ha đất hoang hoá được giao, ông Dũng cùng với gia đình đã đào khoảng 1,1 ha ao hồ để thả nuôi cá nước ngọt, sử dụng diện tích các bờ ao để kết hợp thả nuôi trâu, bò, lợn, còn lại khoảng 1 ha đất lầy thụt, ông cải tạo để trồng lúa kết hợp với thả nuôi cá nước ngọt để tăng thu nhập.
Để có thêm kiến thức, kinh nghiệm xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, ông Dũng đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, phổ kiến kiến thức, khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt do các cấp Hội Nông dân và Trung tâm Khuyến nông tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện Quảng Ninh và Hội Cựu thanh niên xung phong xã Lương Ninh tổ chức. Cùng với đó, ông đã chịu khó tìm tòi, nghiên cứu kiến thức, kinh nghiệm trồng lúa tại vùng đất quanh năm lầy thụt, ngập úng và kiến thức kết hợp chăn nuôi, trồng lúa và nuôi cá, thông qua các loại sách, báo, tài liệu và trực tiếp “cơm đùm gạo bới” đến tìm hiểu tại một số mô hình đã thành trong trong tỉnh.
Có được kiến thức, kinh nghiệm xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp, từ đó ông đã biết lựa chọn tìm mua các loại giống lúa có khả năng chịu ngập úng cao, các giống cá nước ngọt có nguồn gốc, đảm bảo chất lượng và các giống lợn cho chất lượng thịt thơm ngon được nuôi bằng các loại thức ăn từ phụ phẩm nông nghiệp.
Nhờ biết kết hợp các tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ năm 2005 đến nay, mô hình kinh tế tổng hợp của ông Lê Văn Dũng đã luôn duy trì ổn định được sản lượng và chất lượng sản phẩm. Hằng năm, từ việc thả nuôi các loại cá trắm, cá chim trắng, cá mè và cá rô phi đơn tính trong ao hồ và trên ruộng lúa, gia đình ông Dũng đã thu về được gần 1,5 tấn cá thương phẩm; xuất chuồng trên 50 con lợn thịt “sạch” chỉ sử dụng các loại phế phẩm nông nghiệp, cùng với đó là trâu, bò giống và trâu, bò lấy thịt. Các diện tích trồng lúa cũng đã cho thu hoạch trên 5 tấn lúa mỗi năm. Trừ các khoản chi phí, hiện nay mỗi năm gia đình ông Lê Văn Dũng có khoảng từ 270 -300 triệu đồng tiền lãi.
Ông Lê Văn Dũng bên trang trại tổng hợp của gia đình
Không chỉ biết sản xuất, kinh doanh giỏi trên khu vực đất hoang hoá, mở ra một hướng làm ăn mới cho nhiều gia đình nông dân trong vùng, ông Lê Văn Dũng và gia đình đã có nhiều đóng góp đối với hoạt động của Hội Nông dân, Hội Cựu thanh niên xung phong và Tổ Nuôi trồng thuỷ sản xã Lương Ninh. Từ năm 2010 đến nay, liên tục nhiều năm ông đã được các cấp Hội Nông dân công nhận danh hiệu nông dân sản xuất giỏi, trong đó từ năm 2012 - 2016, ông được công nhận là nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh.
Một vinh dự rất lớn đã đến với ông Lê Văn Dũng nói riêng và phong trào xây dựng nông thôn trên địa bàn xã Lương Ninh nói chung là mô hình kinh tế tổng hợp của gia đình ông đã được tỉnh Quảng Bình lựa chọn để đoàn đại biểu của nước bạn Lào đến tham quan, tìm hiểu vào ngày 31/7/2019 vừa qua. Đây cũng chính là động lực hết sức quan trọng để ông và gia đình tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp ngày càng hiệu quả, tham gia đóng góp vào việc nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn xã Lương Ninh hiện nay.