Đến xứ đồng Mai, xã Cẩm Định, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương hỏi thăm về mô hình nuôi ba ba của gia đình chú Nguyễn Văn Nam và cô Nguyễn Thị Dung thì ai cũng biết bởi cô Dung nổi tiếng là một cán bộ khuyến nông rất năng động, sáng tạo, biết nắm bắt tiến bộ kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất của gia đình.
Là một cán bộ khuyến nông, cô Dung luôn chịu khó tích lũy kiến thức qua sách, báo, hay từ những mô hình làm kinh tế hiệu quả. Thời gian công tác tại Trạm Khuyến nông huyện Cẩm Giàng đã giúp cô có cơ hội đi thăm quan, học hỏi nhiều mô hình chăn nuôi hiệu quả trên toàn tỉnh. Cô ấn tượng nhất với mô hình nuôi ba ba trong ao đất tại xã Đại Đồng, huyện Tứ Kì.
Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ nuôi ba ba, năm 2016, sau khi nghỉ hưu, cô Dung quyết định cải tạo 1.440 m2 ao nuôi cá của nhà sang nuôi ba ba thịt. Cô xây tường vây cao hơn so với bờ 70 cm, đỉnh tường có gờ ngang rộng 10cm để tránh ba ba thất thoát. Một phần ao cô trồng bưởi Diễn để tạo điều kiện sinh thái phù hợp cho ba ba sống trong ao. Bờ ao dốc thoai thoải, tạo 1 đến 2 lối cho ba ba dễ lên xuống phơi mình tắm nắng. Trước khi nuôi ba ba cô phơi ao và rắc vôi bột để diệt sạch mầm bệnh. Giống ba ba được cô chọn mua tại xã Đại Đồng, loại giống ba ba này có chất lượng thịt thơm ngon phù hợp với điều kiện tự nhiên nơi cô sinh sống. Khởi điểm, trên diện tích mặt nước 400m2, cô nuôi 200 con ba ba giống có trọng lượng từ 60 – 100g/con, giá mỗi con 200.000 đồng, chi phí tiền giống tầm 40 triệu đồng. Nguồn thức ăn cho ba ba được cô Dung tận dụng từ loại cá tạp từ ao cá của nhà và thu mua loại cá nhỏ do dân đánh lưới được nên rất tiết kiệm về chi phí thức ăn cho baba. Cá mua về, cô làm sạch, bỏ phần ruột cá rồi băm nhỏ, luộc chín cho ba ba ăn. Thức ăn được cho vào lồng bàn treo ngập nước 30 – 40 cm, làm như vậy mồi ăn không bị lẫn xuống bùn, nước không bị ngầu đục. Đối với ba ba lúc nhỏ, mỗi ngày cô cho ba ba ăn 1 lần, 6 tháng trở đi cho ăn ngày 2 lần, có thể cho ăn thêm cám cá nổi. Lượng thức ăn còn tùy thuộc theo mùa, ngày nóng ba ba ăn nhiều cần tăng lượng thức ăn, ngày rét lạnh cần giảm lượng thức ăn cho ba ba để tránh gây lãng phí và ô nhiễm nguồn nước do thức ăn tồn đọng. Cô đầu tư thêm hai tủ bảo quản cá đông lạnh trị giá 12 triệu đồng để trữ lượng thức ăn cho ba ba.
Theo cô Dung, khâu điều tiết nước rất quan trọng đối với sự phát triển của ba ba. Khi ba ba còn nhỏ không nên để nước quá sâu buộc chúng phải bơi ngoi lên mặt nước để hít không khí, sẽ tốn năng lượng làm ba ba chậm lớn. Nước ao phải thay thường xuyên để tránh ô nhiễm, thỉnh thoảng phải bổ sung thêm nước giếng khoan, rắc vôi bột diệt khuẩn, sát trùng, hạn chế mầm bệnh. Ngoài ra, ao nuôi ba ba cần thả bèo tây 2/3 ao để giữ ấm về mùa đông, che mát mùa hè tạo khu sinh thái tốt cho ba ba phát triển.
Chia sẻ về hiệu quả kinh tế, cô Dung vui vẻ nói :“Lứa ba ba đầu tiên cô nuôi khoảng 2,5 năm đạt trọng lượng 3,2 – 3,3 kg/con thì xuất bán, giá bán ba ba thịt được 430.000 đồng/kg. Chi phí từ con giống, thức ăn, tủ bảo quản, điện khoảng 120 triệu đồng, trừ chi phí gia đình cũng thu lãi được trên 150 triệu đồng”.
Nuôi ba ba mang lại hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro về thời tiết và dịch bệnh, đầu ra tương đối ổn định. Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ cũng được nhiều nhà hàng, quán ăn kinh doanh trên địa bàn thành phố Hải Dương tìm đến để đặt mua. Thấy phù hợp với địa phương, điều kiện kinh tế và có thu nhập khá nên gia đình cô đã nhân rộng mô hình hiện nay lên 1.800 m2 gồm 4 ao nuôi ba ba thịt và 1 ao ba ba giống với tổng 3.000 con ba ba đang sinh trưởng phát triển tốt. Không dừng lại ở nuôi ba ba, cô còn kết hợp chăn nuôi vịt thịt, gà Đông tảo, ngan Pháp, thả cá để tăng thêm thu nhập, mỗi năm cũng thu lãi thêm 100 triệu đồng. Các khoản lợi nhuận thu được trong quá trình sản xuất, gia đình tiếp tục để đầu tư mở rộng mô hình nuôi ba ba.
Một góc ao nuôi ba ba của gia đình chú Nam cô Dung
Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, cô luôn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ nhiều gia đình trong xã về kỹ thuật nuôi ba ba thịt để mọi người có phương pháp nuôi ba ba tốt nhất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế trong thôn, ngoài làng ai cũng biết đến gia đình cô và khen cô Dung là “cán bộ khuyến nông làm kinh tế giỏi”.
Có thể nói, nuôi ba ba đang được xem là hướng làm giàu của nhiều bà con nông dân tại địa phương. Với hiệu quả đạt được, mô hình nuôi ba ba của cô Nguyễn Thị Dung được lãnh đạo xã Cẩm Định đánh giá cao và thường xuyên là địa điểm để xã giới thiệu cho nông dân trên địa bàn đến tham quan, học tập. Mong rằng, bằng sự năng động, sáng tạo, khát khao làm giàu, gia đình cô Dung sẽ tiếp tục gặt hái được những thành công mới, trở thành những điển hình tiên tiến của nông nghiệp tỉnh nhà.