Anh Đoàn Ngọc Lợi, sinh năm 1984, hiện đang là giáo viên, Tổng phụ trách đội Trường THCS Phú Lộc. Không chỉ là một giáo viên say mê với nghề nghiệp, anh Lợi còn là người rất năng động, nhạy bén trong phát triển kinh tế gia đình. Với quyết tâm vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương, 1 năm trước anh Đoàn Ngọc Lợi đã mạnh dạn đầu tư vốn cải tạo lại mảnh đất của gia đình để mở vườn dâu tằm.
Nhắc đến dâu tằm, nhiều người nghĩ ngay đến loại cây được trồng và bày bán nhiều ở vùng đất Đà Lạt. Ít ai ngờ rằng, vùng đất ở xã biên giới Phú Lộc, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang này cũng có thể trồng và phát triển thành công cây dâu tằm với năng suất, chất lượng không thua kém Đà Lạt.
Anh Đoàn Ngọc Lợi chia sẻ, ý tưởng được mở ra khi chuyển đổi mô hình trồng cây dâu tằm là khi tình cờ đến thăm người quen ở Long Xuyên, thấy cây dâu tằm Đà Lạt có thể phát triển tốt nên anh đã quyết định trồng dâu tằm kết hợp mở vườn sinh thái. Trên diện tích gần 4.000 mét vuông của gia đình trước đây chủ yếu trồng lúa nhưng hiệu quả không cao, anh Lợi tiến hành cải tạo ruộng đất, đào rảnh lên líp để trồng thử 170 gốc dâu tằm nguồn gốc từ Đà Lạt.
Anh Đoàn Ngọc cho biết: “Thực ra, cây dâu tằm đã được trồng từ lâu trên mảnh đất Tân Châu nhưng trước giờ chưa ai phát triển. Tôi đã mạnh dạn đem cây dâu có nguồn gốc từ Đà Lạt về trồng thử và thấy cây phát triển rất tốt”.
Anh Lợi đang chăm sóc vườn dâu của gia đình
Quả đúng như vậy, cây dâu tằm thích hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng địa phương nên chỉ sau thời gian ngắn cây đã sinh trưởng và phát triển tốt. Sau 01 năm chăm sóc, vườn dâu tằm của anh bắt đầu cho thu hoạch trái. Hiện nay, mỗi ngày vườn dâu thu hoạch được mỗi ngày 10kg trái tươi vẫn không đủ bán, với giá 50.000 đồng/kg.
Theo anh Lợi, dâu tằm là loại cây dễ trồng, có thể phát triển tốt trên nhiều loại đất. Từ lúc xuống giống đến thu hoạch khoảng 6-8 tháng, nhưng để có năng suất cao và ổn định phải cần đến 1-1,5 năm. Lúc này, bình quân mỗi cây cho từ 20-30 kg trái/năm. Dâu tằm ít bệnh nên nhẹ công chăm sóc, chi phí đầu tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật thấp. Đặc biệt, loại cây trồng này có thể cho trái quanh năm nên nông dân đảm bảo được thu nhập. Tuy nhiên, người trồng phải lựa chọn thời điểm thích hợp để xử lý ra hoa, cho trái nhằm mang lại lợi nhuận cao.
Anh Lợi cũng chia sẻ quan trọng nhất trong trồng dâu tằm là cách dùng phân hữu cơ, kỹ thuật lặt lá, không được sử dụng thuốc hóa học để đảm bảo an toàn cho trái, đồng thời tránh thoái hóa đất khi trồng lâu dài. Đặc điểm của cây dâu tằm là càng thu hoạch đợt sau trái càng ra nhiều hơn. Dâu tằm từ lúc ra hoa đến thu hoạch khoảng 1,5 tháng và cho thu hoạch liên tục khoảng 25 ngày tiếp theo. Sau mỗi đợt thu hoạch nên cho cây nghỉ ngơi 1 tháng, sau đó tuốt lá để cây ra hoa, cho trái vụ tiếp theo. Bên cạnh đó, anh còn tận dụng đất trống trong vườn để trồng xen canh các loại cây khác như đu đủ lùn, dưa gang để lấy ngắn nuôi dài ổn định về kinh tế.
Là người tiên phong trồng dâu tằm tại xã biên giới Phú Lộc nên ít người biết đến, vì vậy mà đầu ra cũng gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên anh Lợi đã đọc qua sách, báo, tìm kiếm trên mạng biết cây dâu tằm là loại thuốc quý, từ rễ, thân, lá đến trái đều làm thuốc được vì vậy anh mạnh dạn trồng và học hỏi kinh nghiệm chế biến ra các sản phẩm từ dâu phục vụ khách hàng. Bên cạnh đó, anh còn quảng bá về dâu tằm trên mạng internet, giới thiệu qua bạn bè, nhờ vậy mà đã có nhiều người biết đến. Giờ đây ngoài bán cho các khách hàng ở địa phương, anh Lợi còn chuyển hàng đi các huyện trong tỉnh và ở tỉnh bạn thông qua bán hàng trên internet. Mỗi tháng, anh Lợi bán khoảng 100 chai sản phẩm làm từ dâu tằm như mứt dâu, siro dâu, rượu dâu,…, đồng thời còn nhân giống cây con để cung cấp cho bà con nông dân tại địa phương có nhu cầu phát triển mô hình với giá 20.000 đồng/cây. Không những nỗ lực nâng cao thu nhập cho gia đình, anh Lợi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác cho bà con nông dân ở địa phương khi có nhu cầu, nhất là những thanh niên ở địa phương với mong muốn lập thân lập nghiệp trên mảnh đất quê hương
Hiện nay, nhiều người biết đến vườn dâu của anh Lợi nên anh mở thêm dịch vụ ăn uống tại vườn. Để tạo điểm nhấn cho khu vườn, anh Lợi đào rãnh thả cá và làm các nhà chòi cho khách ngồi ăn uống, câu cá tại vườn. Khách vào vườn tự do hái dâu ăn miễn phí. Khi khách có nhu cầu mua dâu tươi, uống nước dâu tại chỗ hay mua nước cốt dâu, mứt dâu… mang về, anh mới tính tiền. Từ khi mở cửa đón khách đến tham quan, mỗi ngày, vườn dâu tằm của anh Đoàn Ngọc Lợi đón khoảng chục lượt khách, 2 ngày cuối tuần lượt khách đến tham quan tăng lên gấp đôi. Người dân trong xã và các xã lân cận rủ nhau đến điểm hẹn mới này để mua trái dâu, tham quan và thưởng thức các sản phẩm từ dâu tằm. Đây là thành công bước đầu của anh Lợi sau 1 năm thử nghiệm đưa loại cây trồng Đà Lạt về vùng đất biên giới.
Chia sẻ về dự định của mình, anh Lợi cho biết sẽ tiêp tục phát triển hình thức sinh thái kết hợp để mọi người, đặc biệt là các em học sinh đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động nông nghiệp, thưởng thức nước uống từ dâu, câu cá, bơi xuồng, nghỉ ngơi, thư giãn.
Với sự cần cù trong lao động và ý chí vươn lên, anh Đoàn Ngọc Lợi là một tấm gương sáng trong phong trào thanh niên khởi nghiệp của xã Phú Lộc nói riêng và thị xã Tân Châu nói chung.Đây sẽ là động lực thúc đẩy thanh niên ở địa phương xây dựng mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của bản thân để giảm nghèo và làm giàu cho gia đình và xã hội.