Năm 1994, rời quê hương Nghệ An, anh cùng vợ đã chọn mảnh đất tại xã Đăk Săk, huyện Đăk Mil, tỉnh Đăk Nông để phát triển kinh tế. Lúc đầu, cuộc sống gia đình gặp rất nhiều khó khăn chật vật vì không có vốn làm ăn, nhưng trong tâm niệm của anh luôn quyết tâm phải làm gì để thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất mà mình đã chọn.
Tận dụng ưu thế đất đỏ bazan sẵn có, anh xác định cây trồng chính là cây cà phê trồng ghép với các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như: bơ, sầu riêng… Diện tích cà phê hiện nay của gia đình anh đã lên đến 5ha. Nhờ tính cần cù, chịu khó, luôn cải tiến áp dụng các kỹ thuật học được vào sản xuất, vườn cà phê nhà anh hàng năm luôn cho năng suất cao và ổn định, tạo được thu nhập ổn định cho gia đình với gần 600 triệu đồng/năm.
Sau khi tham quan một số mô hình sản xuất kinh tế giỏi và qua quá trình tìm hiểu thông tin trên báo, đài, anh Tạo rất tâm đắc với mô hình nuôi dê nhốt chuồng. Năm 2017, với số tiền tích góp được anh đã mua 15 con dê giống với giá 2.000.000 đồng/con để nuôi thử nghiệm. Sau một thời gian nuôi, nhận thấy mô hình nuôi dê nhốt chuồng dễ nuôi, cho thu nhập cao nên anh tiếp tục mở rộng thêm qui mô đàn. Hiện nay, tổng đàn dê của anh là 140 con, trong đó có 100 con chuyên sinh sản để lấy giống, còn lại là dê đực và dê mới sinh.
Anh Tạo chia sẻ kinh nghiệm để nuôi dê nhốt chuồng đạt hiệu quả cao là người nuôi dê phải biết áp dụng kỹ thuật từ khâu làm chuồng trại cho đến việc theo dõi, quản lý đàn dê. Vì dê là loài động vật không ưa độ ẩm cao nên chuồng trại cho dê phải được đảm bảo sạch sẽ, thông thoáng, tránh nắng nóng và ẩm ướt. Ngoài ra, chuồng nuôi dê phải có sân chơi để theo dõi quản lý đàn dê, cũng như khi bắt dê kiểm tra phối giống và phòng trị bệnh. Trong chuồng và sân chơi phải có máng ăn, máng uống để bổ sung thức ăn và nước uống cho dê. Vì nuôi nhốt chuồng nên việc loại thải con giống và ghép đôi giao phối có thể thực hiện một cách chủ động hơn so với chăn thả, năng suất và chất lượng con giống cũng từ đó được nâng cao. Nuôi dê dễ vì thức ăn dễ kiếm, chỉ cần cho chúng ăn rau xanh, cỏ tươi và một số lá cây, đặc biệt lá cây mít, cho uống nước đầy đủ là dê phát triển rất tốt.
Vợ anh Tạo đang chăm sóc đàn dê
Không dừng lại ở đó, với diện tích khoảng 0,2 ha còn lại trong vườn nhà anh tiếp tục đầu tư để nuôi vịt đẻ. Hiện trang trại chăn nuôi của anh Tạo có trên 4000 vịt đẻ. Đối với mô hình vịt đẻ, anh cho biết: Từ khi bắt giống về nuôi đến khoảng 4 tháng là vịt đã bắt đầu cho trứng. Đặc biệt lưu ý trong quá trình vịt đẻ phải cung cấp đủ chất đạm cho vịt và không được tiêm bất cứ một loại thuốc nào vì làm như vậy vịt sẽ ngừng đẻ. Chuồng trại cần phải thường xuyên vệ sinh sạch sẽ, chú ý tăng chất lượng thức ăn của vịt sẽ giúp cho vịt đẻ đều, trứng to. Một lứa vịt đẻ có thể sử dụng trong 2 năm. Hiện mỗi ngày anh thu về khoảng 3200 quả trứng, bỏ mối cho các lái buôn và chủ lò ấp vịt trong và ngoài tỉnh. Sau khi trừ chi phí đầu tư ban đầu về giống, thức ăn và tiền công thuê 2 lao động, với giá bán trứng vịt trung bình từ 2500 - 3000 đồng/quả, hàng năm anh thu về khoảng 130 triệu đồng từ nuôi vịt đẻ.
Ngoài lợi nhuận thu được từ những mô hình chăn nuôi, anh còn thu được một lượng phân bón đáng kể từ nuôi dê, vịt, để ủ hoai bón cho cà phê và hồ tiêu. Hàng năm, anh thu được khoảng 20 tấn phân chuồng, giảm được 35 triệu đồng chi phí đầu tư phân bón cho cây trồng.
Nhờ sự đa dạng trong cơ cấu sản xuất đã mang lại thành công cho gia đình anh Nguyễn Văn Tạo. Đây là mô hình sản xuất kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi điển hình trong xã vừa cho thu nhập cao, vừa hạn chế được sự ô nhiễm môi trường, tận dụng sản phẩm của chăn nuôi để phục vụ trồng trọt.
Năm 2017, anh được chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đắk Nông tặng Bằng khen: “Đã có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi các cấp giai đoạn 2012 - 2017”. Hiện anh là Phó chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Săk và tiếp tục kết hợp với khối dân vận - mặt trận vận động bà con nông dân trong xã xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả như: mô hình cải tạo vườn cà phê, mô hình nuôi vịt, nuôi dê nhốt chuồng và nuôi hươu… hàng năm thu hút nhiều đoàn trong và ngoài tỉnh đến thăm quan, học tập.