Xuất thân từ gia đình thuần nông, cuộc sống của gia đình chị cũng chỉ quanh năm trồng lúa, nuôi lợn, nuôi gà, cuộc sống vất vả nhưng cũng chỉ đủ trang trải. Năm 2013, khi thành phố có Đề án sản xuất nấm, vợ chồng chị đã mạnh dạn đăng ký và làm nhà trồng nấm với diện tích chỉ gần trăm mét vuông. Được cán bộ khuyến nông tận tình hướng dẫn từ khâu đóng bịch, hấp bịch, cấy nấm và quá trình chăm sóc nên gia đình chị đã thu lãi ngay từ vụ đầu tiên. Cứ thế qua các năm, kinh nghiệm trồng nấm được anh chị dần tích luỹ, diện tích trồng nấm qua các năm cũng được mở rộng lên. Đến nay, diện tích tích trồng nấm của gia đình anh chị đã lên đến gần 600 m2 với tổng số hơn 6.000 bịch nấm sò và hơn 20.000 bịch nấm mọc nhĩ.
Với tổng diện tích đất của gia đình có gần 2.000 m2, vợ chồng chị bố trí, xây dựng một quy trình sản xuất nấm khép kín với đầy đủ các hạng mục như khu chứa, khu xử lý nguyên liệu, nhà đóng bịch, cấy giống, nhà nuôi trồng nấm các loại. Để đảm bảo nuôi trồng nấm thành công, đem lại năng suất cao thì ngoài những kinh nghiệm đã có, kiến thức đã học được qua lớp tập huấn của cán bộ khuyến nông, vợ chồng chị rất quan tâm, chú trọng đến chất lượng giống nấm. Theo kinh nghiệm nhiều năm trong nghề, để chủ động được giống nấm, lại đảm bảo được chất lượng, nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, anh chị đã chủ động đăng ký với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái để lấy giống nấm.
Chị Hoa chăm sóc nấm
Theo chị Hoa, trong sản xuất các loại nấm ăn và nấm dược liệu thì nấm sò đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn cả do chi phí giống không cao, thời gian thu hoạch nhanh, sau khi cấy giống khoảng 1 tháng là có thể cho thu hoạch. Tuy nhiên, nấm sò thường được tiêu thụ tươi và thu hoạch rộ cùng một thời gian nên nếu nuôi trồng nấm sò với số lượng lớn sẽ gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm.
Nghề nuôi trồng nấm không khó, nhưng đòi hỏi người trồng phải chịu khó, siêng năng từ khâu chọn nguyên liệu cho đến khâu xử lý, tưới nước, chuẩn bị đất cũng như chăm sóc. Người trồng nấm cũng phải tỉ mỉ, cẩn thận theo dõi thời tiết để có chế độ chăm sóc, phun ẩm cho nấm cho phù hợp. Ngoài ra cần có sự đầu tư, như nhà trồng nấm phải xây dựng bán kiên cố, hợp vệ sinh, nguồn nước tưới không bị ô nhiễm, hệ thống nồi hấp phải đảm bảo yêu cầu...
Hiện nay, với hơn 26.000 bịch nấm các loại, mỗi năm gia đình anh chị thu được hơn 3 tấn nấm sò tươi và 1 tấn nấm mọc nhĩ khô, với giá bán bình quân 30.000 đồng/kg nấm sò tươi và 120.000 đồng/kg nấm mọc nhĩ khô, sau khi trừ đi chi phí cũng cho gia đình chị thu lãi hơn 150 triệu đồng. Là người trồng nấm nhiều năm nay nên nấm thương phẩm của gia đình chị, đặc biệt là nấm mộc nhĩ thường xuyên được các thương lái đặt hàng và đến tận nhà thu mua. Với nhiều ưu điểm thì nghề nuôi trồng là cách làm hay để bà con phát triển kinh tế.