Chia sẻ về câu chuyện làm trang trại, phát triển chăn nuôi đem lại thu nhập cao, anh cho biết: “Khi tôi mới lập gia đình, diện tích canh tác nông nghiệp của hai vợ chồng chỉ có 1 sào ruộng và 1 sào đất. Cuộc sống mưu sinh trông chờ vào làm nông nghiệp và buôn bán nhỏ nên kinh tế gia đình rất khó khăn. Bản thân chưa bao giờ có ý định đầu tư làm ăn lớn, làm giàu”.
Do thường xuyên tham gia sinh hoạt công tác hội và phong trào nông dân, được thông tin về chủ trương khuyến khích các hộ nông dân chuyển đổi cơ chế sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, anh đã dần thay đổi nếp nghĩ: Muốn làm giàu và đi lên thì phải tập trung vào con đường chăn nuôi và mở mang dịch vụ ngay chính trên mảnh đất quê hương mình.
Hiện tại, trang trại của anh nuôi lợn và gà ta. Anh nuôi gà ta theo hình thức kết hợp giữa nuôi nhốt và nuôi thả, cho ăn thức ăn công nghiệp, mỗi lứa anh nuôi 3.000 con (9.000 con/năm). Đối với đàn heo, anh nuôi 1.000 heo thịt /lứa (3.000 con heo thịt/năm) và 130 con heo nái để lấy giống, heo con đẻ ra anh đều để lại nuôi. Bình quân mỗi năm, sau khi trừ chi phí, gia đình anh thu lãi trên 3,6 tỷ đồng và tạo việc làm thường xuyên cho 8 lao động địa phương với mức lương bình quân từ 5-8 triệu đồng/người/tháng.
Anh Sang cho gà ăn
Xác định chăn nuôi quy mô lớn, nếu không có kiến thức và chủ quan trong phòng chống dịch bệnh, chăn nuôi sẽ không hiệu quả, thậm chí dẫn đến thua lỗ. Vì vậy, ngoài việc tích cực tham gia các lớp tập huấn, hội thảo, tham quan các mô hình trong và ngoài tỉnh, anh Sang đã dành nhiều công sức đi tìm hiểu, tham quan học tập các mô hình trang trại điển hình; tranh thủ sự giúp đỡ, hỗ trợ của đối tác, của các nhà khoa học. Không chỉ vậy, anh còn chủ động liên hệ, hợp tác và học hỏi kinh nghiệm của các đơn vị có uy tín, có kỹ thuật và ứng dụng khoa học tiên tiến hiện đại hàng đầu trong chăn nuôi lợn và tự mày mò đọc sách, lên mạng để tự bổ sung kiến thức.
“Trang trại của tôi thực hiện quy trình nuôi khép kín và ứng dụng các tiến bộ khoa học vào chăn nuôi như tự sản xuất con giống để nuôi lợn thịt, tự phòng và điều trị bệnh, sử dụng thức ăn công nghiệp; khâu chọn giống tỉ mỉ, lựa chọn các giống lợn có chất lượng cao. Kiến thức học được từ các lớp tập huấn, hội thảo cộng với kỹ năng thao tác “trăm hay không bằng tay quen” trong trang trại giúp tôi có thể đảm nhiệm tốt tất cả các khâu trong chăn nuôi”, anh Sang nhấn mạnh.
Theo anh Sang, trong những năm gần đây, dịch bệnh liên tiếp xảy ra và đang là vấn đề bức bối khiến nhiều trang trại phải điêu đứng thậm chí thua lỗ. Với trang trại của anh, do tuân thủ nghiêm ngặt khâu phòng bệnh và vệ sinh môi trường, tích cực triển khai nhiều biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như tiêm phòng cho đàn lợn theo đúng quy trình, vệ sinh thường xuyên cho khu vực chăn nuôi và phun xịt thuốc khử độc sát trùng định kỳ; quan tâm sát sao công tác phòng chống dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ người và vật lạ vào khu vực chăn nuôi để tránh mầm bệnh xâm nhập, áp dụng nghiêm ngặt quy định sát trùng, bảo đảm nguồn nước sạch cũng như nguồn thức ăn hằng ngày, kiên quyết không hám lời mà dùng thức ăn không bảo đảm chất lượng. Bằng cách làm trên, trang trại của anh luôn miễn nhiễm trước nhiều dịch bệnh, các lứa lợn đều khỏe mạnh, ăn ngủ tốt, nhanh lớn.
Với những thành công đó, từ năm 2016 đến nay, anh đã được UBND tỉnh tặng nhiều bằng khen. Đặc biệt, năm 2019, anh được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen và là người duy nhất của Bình Định được vinh danh “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2019”.