|
Du khách Nga tham quan KDL Sài Gòn-Bình Châu. |
Giai đoạn 2011-2015, ngành du lịch huyện Xuyên Mộc phấn đấu đạt mức doanh thu 1.143 tỷ đồng. Để thực hiện mục tiêu trên, huyện Xuyên Mộc đang tăng tốc thực nhiệu nhiều giải pháp nhằm đưa Xuyên Mộc trở thành một trong những trung tâm du lịch của tỉnh vào năm 2015.
MỨC CHI TIÊU THẤP
Từ năm 2005, huyện Xuyên Mộc đã thu hút 12 dự án đầu tư du lịch. Các loại hình du lịch sinh thái rừng ngập mặn, dã ngoại, tắm bùn, tắm khoáng nóng, điều dưỡng, chữa bệnh, cắm trại, du ngoạn trên hồ… được các doanh nghiệp du lịch đưa vào phục vụ khách từ rất sớm. Lượng khách du lịch đến Xuyên Mộc tăng đều theo từng năm. Tuy vậy, doanh thu bình quân trên đầu người chưa cao. Theo thống kê của huyện Xuyên Mộc, năm 2011, ngành du lịch huyện đón và phục vụ hơn 900 ngàn lượt khách du lịch, doanh thu đạt 100 tỷ đồng, tăng gần 20% so với năm 2010, nhưng chia bình quân doanh thu trên mỗi du khách chỉ đạt hơn 100 ngàn đồng/người.
Ông Ngô Bá Hương, Phó giám đốc Phòng kinh doanh -Tiếp thị Công ty cổ phần du lịch Sài Gòn - Bình Châu - Hồ Cóc phân tích: “Ngoài nghỉ dưỡng, tắm khoáng, tắm bùn, tắm biển, ăn uống, mua sắm đồ lưu niệm, hầu hết khách lưu trú dài ngày đều thích thăm thú cảnh quan, mua sắm đặc sản địa phương. Nhưng xung quanh khu du lịch (KDL) Sài Gòn - Bình Châu - Hồ Cóc lại hoàn toàn không có. Sau bữa tối, khách chỉ dạo bộ trong khuôn viên, hát karaoke, thư giãn rồi về phòng ngủ. Chính sự đơn điệu này nên khách lưu lại nhiều lắm cũng chỉ 1-2 ngày, còn phần lớn đi về trong ngày”.
Còn chị Hồng Nga, hướng dẫn viên tiếng Nga cho một công ty lữ hành ở Phan Thiết (Bình Thuận), cho rằng, khách Nga sẽ góp phần tăng đáng kể doanh thu cho du lịch địa phương vì đây là đối tượng khách có tiền lại khá dễ tính. Nhưng chỉ mình KDL Sài Gòn - Bình Châu - Hồ Cóc thì không đủ sức cạnh tranh để kéo khách Nga về Bà Rịa-Vũng Tàu được. “Một kỳ nghỉ của khách Nga thường kéo dài từ 10 ngày đến nửa tháng. Họ chỉ lưu trú một nơi cố định. Ban ngày, họ di chuyển trong bán kính 200km tham quan nhưng đêm về họ lại thích dạo bộ trên những khu phố sáng đèn, có nhiều nhà hàng, quán bar sôi động. Khi mỏi chân, họ có thể dừng ở bất cứ nơi nào uống bia, ăn đồ nướng, lắc lư theo nhạc”, chị Hồng Nga nói.
TRIỂN KHAI ĐỒNG BỘ CÁC DỰ ÁN
Trên địa bàn Xuyên Mộc hiện có 104 dự án du lịch được cấp phép còn hiệu lực, với tổng số vốn đăng ký là 10.664 tỷ đồng và 4,734 tỷ USD, trong đó, 2 khu du lịch hoàn thành 100% là Sài Gòn-Bình Châu và Hồ Tràm Beach resort; 8 dự án đã kinh doanh giai đoạn 1 và hơn 10 dự án đang triển khai và sẽ đi vào hoạt động trong giai đoạn 2012-2015.
Theo ông Mai Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc, nếu nhìn vào quy hoạch tỷ lệ 1/500 các dự án đầu tư du lịch đã được cấp phép có thể thấy đầy đủ dịch vụ vui chơi, giải trí phụ trợ như trò chơi trên biển, bến du thuyền, lướt ván, casino, khu mua sắm về đêm, sân golf, trò chơi cảm giác mạnh, rạp chiếu phim, trung tâm hội nghị… nhưng tiến độ triển khai quá chậm.
“Việc đầu tư các công trình ngoài hàng rào các KDL bằng vốn ngân sách, lắng nghe ý kiến nhằm tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các dự án cũng được huyện Xuyên Mộc tổ chức thường xuyên có sự tham dự của các sở, ban, ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nhằm tạo thêm dịch vụ thu hút du khách lưu lại Xuyên Mộc dài ngày. Bên cạnh đó, đối với những dự án chậm triển khai mà không có lý do chính đáng, huyện Xuyên Mộc sẽ kiến nghị UBND tỉnh thanh tra, kiên quyết thu hồi giao cho nhà đầu tư có năng lực”, ông Mai Văn Dũng nói.
Bài, ảnh: ĐĂNG KHOA