Đó là lời của anh Phạm Văn Toản xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình – chủ trang trại trồng sắn dây đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế cao hiện nay.
Sau quá trình tìm hiểu, học hỏi anh Toản nhận thấy cây sắn dây phù hợp với đồng đất quê mình, thời gian từ trồng đến thu hoạch ngắn, ít sâu bệnh, đầu ra thuận lợi và có hiệu quả hơn các cây trồng khác nên anh quyết định chọn cây sắn dây để trồng cho mảnh đất hoang này. Gia đình anh đã sang tỉnh Hải Dương mua giống và thuê kỹ thuật về bố trí trồng, chăm sóc cây, kết hợp thuê máy móc để cải tạo đất, đắp ụ lên luống,… Năm đầu tiên trồng thử nghiệm khoảng 400 gốc, khi thu hoạch có nhiều gốc cho năng suất cao tới 180 kg củ/gốc, trừ mọi chi phí, anh thu về gần 200 triệu đồng.
Ban đầu, do đây là cánh đồng bỏ hoang nhiều năm, không thuận tiện cho giao thông, thủy lợi nên tốn nhiều công sức, chi phí để dọn sạch cỏ dại,diệt chuột, xây dựng trang trại, hệ thống đường đi, kênh mương,… Có những lúc tưởng chừng như phải bỏ cuộc, chấp nhận là “kẻ điên” như người dân nơi đây đã nói. Nhưng nhờ tính kiên trì, lòng quyết tâm, cùng sự động viên của gia đình, các đồng chí lãnh đạo thôn, xã và hiệu quả từ cây sắn dây mang lại ngay từ vụ đầu tiên mà gia đình anh thêm vững tâm tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất. Đến năm 2019, anh trồng khoảng 1.000 gốc sắn dây trên diện tích 3,5 ha, năng suất dự kiến khoảng 70-80 tấn củ, với giá bán 10.000-13.000 đồng/kg của tươi, trừ các khoản chi phí cho giống, phân bón, đắp ụ, làm giàn,… thì lợi nhuận thu được dự kiến trên 500 triệu đồng. Ngoài trồng sắn dây, anh còn nuôi thêm 20 con trâu thịt cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng/năm.
Anh Toản chia sẻ: “Sắn dây trong trang trại chỉ bán cho thương lái nên giá cả chưa ổn định. Vì vậy gia đình tôi rất mong muốn liên kết được với các công ty để mở rộng diện tích trồng và gắn kết các hộ trồng sắn dây khác để đảm bảo cung cấp sản lượng từ 100 tấn củ/năm trở lên. Trong thời gian tới gia đình có ý định trồng thêm một số cây lâu năm hơn như gấc, cây ăn quả,… Tuy nhiên, hiện nay thời gian cho thuê đất còn ngắn, gia đình chưa dám đầu tư sản xuất”.
Anh Toản đang chia sẻ về kinh nghiệm trồng sắn dây
Theo ông Phạm Minh Tuấn – Chủ tịch Hội Nông dân xã An Đồng, huyện Quỳnh Phụ đánh giá: “Anh Toản là người chăm chỉ, chịu khó tìm hiểu, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Mô hình trồng cây sắn dây trên những diện tích lúa bỏ hoang của gia đình anh được xã đánh giá có hiệu quả cao. Địa phương đã tổ chức cho nhiều đoàn đến thăm quan, học tập để nhân rộng mô hình trong thời gian tới”.
Còn theo ông Long - Trưởng thôn Bắc Dũng, xã An Đồng, Quỳnh Phụ - là người gắn bó với trang trại của anh Toản ngay từ những ngày đầu cho biết: “Đây là mô hình chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả bỏ hoang được thôn, xã rất quan tâm nên luôn đồng hành cùng gia đình từ hỗ trợ các thủ tục đất cát đến tạo điều kiện khi làm đường điện, đường giao thông thuận lợi, đảm bảo an ninh,…”.
Như vậy, thành công ban đầu của mô hình trồng sắn dây ở trang trại của gia đình anh Toản đã mở ra hướng phát triển cây trồng mới cho bà con nông dân tại địa phương. Hi vọng trong thời gian tới thủ tục đất đai, thời gian thuê đất sẽ thuận lợi hơn để các hộ dân như anh sớm hoàn thành mục tiêu của mình, để biến những mảnh đất bỏ hoang trở thành những vùng sản xuất hàng hóa có hiệu quả cao.