Trong gần 8 tháng bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành chăn nuôi của huyện; bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 19/23 xã, thị trấn với số lợn chết và buộc phải tiêu hủy là 6.549 con với trọng lượng trên 34,8 tấn.
Đến nay, trên địa bàn huyện Bắc Quang, dịch tả lợn châu Phi đã được kiểm soát; toàn bộ các ổ dịch tại 19 xã, thị trấn đều không phát sinh dịch và huyện đã ban hành Quyết định Công bố hết dịch.
Sau dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn trên địa bàn Hà Giang nói chung và tại huyện Bắc Quang nói riêng đều tăng khá cao; điều đó đã khiến người chăn nuôi muốn nhanh chóng tái đàn lợn. Từ thực tế đó, các ngành chức năng của huyện Bắc Quang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân cần hết sức thận trọng khi tái đàn sau dịch và phải đáp ứng các biện pháp an toàn sinh học khi tái đàn vì đây là dịch bệnh nguy hiểm đến nay chưa có vắc-xin đặc hiệu.
Nhằm đảm bảo an toàn khi tái đàn lợn, UBND huyện Bắc Quang đã đề ra các lộ trình cụ thể khi tái đàn như: Những cơ sở đã xuất hiện dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019 chỉ được phép nuôi tái đàn với số lượng đàn lợn không vượt quá 10% so với trước khi có dịch. Sau 30 ngày nuôi sẽ phải lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả âm tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi, sau đó mới được tăng số đàn lợn theo nhu cầu của cơ sở. Việc tái đàn lợn đối với các cơ sở chăn nuôi chỉ được thực hiện khi cơ sở chăn nuôi có đủ các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi đảm bảo được các yêu cầu về an toàn sinh học trong chăn nuôi, chủ động kiểm soát về con giống và nguồn thức ăn. Khu vực chăn nuôi phải định kỳ vệ sinh, tiêu độc, khử trùng đối với người, phương tiện ra vào khu vực chăn nuôi bằng vôi bột hoặc hóa chất; hạn chế người không có nhiệm vụ ra vào khu vực chăn nuôi. Cùng với thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn, việc kiểm soát và phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi vẫn phải được chủ động thực hiện với các biện pháp theo dõi và giám sát chặt chẽ, phát hiện và xử lý kịp thời khi bệnh dịch xuất hiện, không để lây lan ra diện rộng; chấp hành nghiêm việc vận chuyển lợn giống và lợn thương phẩm trong và ngoài vùng có dịch. Chỉ cho phép tái đàn tại các cơ sở chăn nuôi chưa bị dịch bệnh hoặc bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái phát và đã công bố hết dịch, nhưng phải đảm bảo thực hiện nghiêm các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học; khuyến khích sử dụng giống lợn địa phương để tái đàn…
Bắc Quang tái đàn theo lộ trình sau dịch tả lợn châu Phi
Theo ý kiến của người chăn nuôi huyện Bắc Quang, hiện nay người dân rất mong muốn thực hiện nhanh việc tái đàn lợn. Tuy nhiện, việc tái đàn lợn cũng gặp không ít khó khăn, nhất là nhu cầu về con giống. Các cơ sở sản xuất con giống quy mô nhỏ nên không đáp ứng được nhu cầu. Bên cạnh đó, giá lợn giống rất cao, lên tới 2,5 triệu đồng một con có trọng lượng khoảng 8 kg. Ngoài ra, thức ăn chăn nuôi cũng tăng giá, trong khi đó giá lợn thương phẩm cũng khó lường trong thời gian tới khiến nhiều người chăn nuôi còn phải e dè
Đồng chí Nguyễn Hống Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Quang cho biết: Đối với 4 xã và các thôn chưa có dịch tả lợn châu Phi có thể tập trung tái đàn sau chu kỳ chăn nuôi; định kỳ tổ chức công tác vệ sinh, tiêu độc, khử trùng; ưu tiên mua con giống tại chỗ. Đối với các xã đã công bố hết dịch, các hộ và cơ sở chăn nuôi chỉ được phép tái đàn khi đảm bảo nghiêm ngặt các biện pháp kỹ thuật theo hướng dẫn số 08, ngày 29/8/2019 của Sở Nông nghiệp & PTNT Hà Giang. Trong năm 2020, huyện Bắc Quang sẽ triển khai tái đàn với trên 16.000 con lợn; chuyển hướng chăn nuôi trên 100.000 con gia cầm và 2.000 con dê để đảm bảo nguồn cung trên địa bàn và bù đắp giá trị từ chăn nuôi do dịch tả lợn châu Phi trong năm 2019.