Theo đó, tiêu hủy toàn bộ số tôm thẻ chân trắng đã thả nuôi trong 21 ao nuôi tôm diện tích 49.700m2 của 11 hộ nuôi tôm xã Bình Dương và Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tôm nuôi bị chết được chẩn đoán do vi rút gây bệnh đốm trắng (WSSV) và vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus có gen gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm (AHPND) gây ra.
UBND huyện Bình Sơn giao Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện chủ trì, phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện và UBND xã Bình Dương, UBND xã Bình Chánh thực hiện biện pháp tiêu hủy theo đúng qui trình kỹ thuật, khử trùng xung quanh khu vực nuôi và khu vực tiêu hủy; theo dõi và báo cáo biến động dịch tễ của bệnh trước, trong và sau khi tiêu hủy tại khu vực tiêu hủy và vùng nuôi liên quan để kịp thời xử lý khi có dịch xảy ra...
Tiêu hủy toàn bộ số tôm thẻ chân trắng của 11 hộ nuôi tôm xã Bình Dương và Bình Chánh
Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cho biết, từ ngày 20-28/4, nhận được điện báo của nhân viên Khuyến nông – Thú y xã Bình Dương về tình hình tôm nuôi bị bệnh chết không rõ nguyên nhân của 02 hộ/04 hồ nuôi tôm ở thôn Mỹ Huệ (xã Bình Dương), Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, UBND xã Bình Dương, nhân viên Khuyến nông – Thú y xã đến ao nuôi kiểm tra. Qua kiểm tra thấy tôm nuôi có các biểu hiện: tôm yếu, bỏ ăn, bơi lờ đờ, tấp mé, đỏ thân. Quan sát tôm lâm sàn có dấu hiệu điển hình: khối gan tụy dễ vỡ, ruột trống không chứa thức ăn, tỉ lệ chết có thể lên khá cao sau 3-5 ngày phát bệnh. Các hồ có tôm nuôi bị bệnh nằm trong khu vực liền kề nhau nên không lấy mẫu xét nghiệm vì có cùng các triệu chứng giống với các mẫu đã lấy trước đó. Các hộ này thả nuôi tôm thẻ chân trắng (nguồn giống tôm từ các tỉnh Bình Định và Bình Thuận) từ ngày 23/3-07/4.
Còn tại xã Bình Chánh, cũng trong thời gian nói trên, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện nhận được điện báo của nhân viên Khuyến nông – Thú y xã Bình Chánh về tình hình tôm nuôi bị bệnh chết không rõ nguyên nhân của 09 hộ/17 hồ nuôi tôm ở thôn Mỹ Tân (xã Bình Chánh), Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện phối hợp với Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, UBND xã Bình Dương, nhân viên Khuyến nông – Thú y xã đến ao nuôi kiểm tra. Qua kiểm tra thấy tôm nuôi có các biểu hiện: tôm yếu, bỏ ăn, bơi lờ đờ, tấp mé, đỏ thân. Quan sát tôm lâm sàn có dấu hiệu điển hình: Dưới vỏ vùng giáp đầu ngực, vỏ thân, đuôi có nhiều đốm trắng, đường kính 0,5-2mm. Tỉ lệ chết lên khá cao trong vòng 3-7 ngày; tổng diện tích các hồ bị bệnh là 4,42ha, số lượng giống thả 3,344 triệu con. Các hồ có tôm nuôi bị bệnh nằm trong khu vực liền kề nhau nên không lấy mẫu xét nghiệm vì có cùng các triệu chứng giống với các mẫu đã lấy trước đó. Các hộ này thả nuôi tôm thẻ chân trắng (nguồn giống tôm từ các tỉnh Bình Định, Bình Thuận, Ninh Thuận) từ ngày 28/2 – 04/4.