Nỗ lực tái đàn lợn
Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, tỉnh đã phát hiện ổ dịch đầu tiên ngày 13/6/2019 tại một hộ chăn nuôi ở xã Xuân Hóa (huyện Minh Hóa). Sau đó dịch đã lan rộng trên 361 hộ tại 163 thôn của 59 xã, phường, thị trấn thuộc 8 huyện, thành phố, thị xã, làm gần 2.700 con lợn (chiếm 1,15% tổng đàn lợn) mắc bệnh, chết và buộc tiêu hủy với trọng lượng gần 139 tấn. Nhờ sự nỗ lực phối hợp của lực lượng thú y với các địa phương trong việc chủ động phòng ngừa và ngăn chặn, đến cuối tháng 3/2020, tỉnh Quảng Bình đã công bố hết dịch tả lợn châu Phi (DTLCP). Để tiếp tục ổn định và phát triển sản xuất, ngành nông nghiệp đang tập trung thực hiện các biện pháp hướng dẫn và hỗ trợ người chăn nuôi tại các địa phương triển khai công tác tái đàn lợn theo hướng có kiểm soát và đảm bảo an toàn dịch bệnh…
Trang trại của anh Trương Văn Dễ ở xã An Ninh, huyện Quảng Ninh có quy mô 260 lợn nái, 180 lợn thịt và được công nhận là cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh năm 2018. Dù trong giai đoạn có DTLCP tại địa phương, nhưng nhờ thực hiện đầy đủ các khâu tiêu độc khử trùng và chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, gia đình anh vẫn giữ được đàn lợn. Vào dịp cuối năm ngoái, từ nguồn con giống tại chỗ của gia đình, anh Dễ đã mạnh dạn tái đàn với số lượng 340 con để phục vụ cho thị trường dịp Tết. Tương tự như thế, trang trại chăn nuôi lợn công nghệ cao Vũ Trung ở xã Mai Thủy, huyện Lệ Thủy vẫn luôn đảm bảo đàn lợn nuôi thịt với quy mô tổng đàn khoảng 1.200 con ngay cả trong giai đoạn DTLCP nhờ thực hiện tốt các điều kiện vệ sinh phòng dịch.
Con giống tái đàn tại Trang trại Vũ Trung (Lệ Thủy) đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn dịch bệnh
Thực tế, việc ổn định chăn nuôi lợn vẫn được nhiều trang trại chăn nuôi thực hiện có hiệu quả trong bối cảnh bệnh DTLCP dần được kiểm soát và khống chế trên địa bàn tỉnh. Ngay từ cuối năm 2019, các trang trại được công nhận an toàn dịch bệnh vẫn tiếp tục duy trì đàn lợn nái và tái đàn lợn thương phẩm với số lượng lớn để phục vụ nhu cầu thịt trong dịp Tết Nguyên đán. Thời điểm đó, tổng đàn lợn của tỉnh đạt 241.000 con, tăng 11.300 con so với trước thời điểm DTLCP lan rộng. Đến nay, sau gần 2 tháng công bố hết dịch, tỉnh đã có tổng đàn lợn 242.500 con, đạt 69,2% kế hoạch, tăng 1,5% so với tháng 3/2020. Riêng đối với hoạt động tái đàn, trong 4 tháng đầu năm, đặc biệt là sau khi có thông báo hết dịch tả lợn, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện tái đàn được gần 9.800 con lợn, trong đó lợn nái là 313 con, lợn thịt 9.475 con. Các cơ sở tái đàn chủ yếu là các trang trại quy mô lớn và có áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học.
Gỡ khó cho người chăn nuôi
Sau khi DTLCP được khống chế và kiểm soát, nhiều trang trại và hộ chăn nuôi đã bước đầu tái đàn lợn để ổn định sản xuất. Tuy nhiên, theo ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi- Thú y tỉnh, dù DTLCP cơ bản được khống chế trên địa bàn toàn tỉnh, nhưng do đây là bệnh nguy hiểm đối với lợn, vi-rút DTLCP có khả năng tồn tại rất lâu trong môi trường và các sản phẩm lợn, hiện chưa có vắc-xin và thuốc điều trị nên nguy cơ tái phát dịch là rất lớn. Khó khăn nữa là dù giá lợn hơi cao nhưng thị trường đầu ra không ổn định, nguồn lợn giống khan hiếm, giá lợn giống quá cao (280.000- 300.000 đồng/kg) trong thời gian dài nên người chăn nuôi chưa yên tâm, mạnh dạn đầu tư để tái đàn.
Để kịp thời định hướng, hỗ trợ người dân tháo gỡ khó khăn, Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Bình đã chủ động ban hành nhiều văn bản triển khai tới cấp cơ sở, đồng thời tập trung theo sát tình hình thực tế tại các địa phương để hướng dẫn khôi phục sản xuất. Theo ông Mai Văn Minh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Nông nghiệp và PTNT, để thực hiện tốt kế hoạch tái cơ cấu ngành chăn nuôi theo hướng phát triển ổn định đàn lợn, ngành nông nghiệp đã tập trung chỉ đạo việc tăng đàn tại chỗ ở các cơ sở chăn nuôi tập trung đủ điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học trên cơ sở bảo đảm nguồn con giống tự sản xuất. Hiện tại, tỉnh đã ổn định được đàn lợn đực giống 350 con, đàn lợn nái gần 32.000 con, bước đầu đáp ứng cho nhu cầu cung cấp con giống đảm bảo chất lượng cho việc tái đàn.
Đối với những cơ sở chăn nuôi nhập giống bên ngoài, cần phải kiểm soát từ nguồn gốc của người bán giống, tạo con giống bảo đảm an toàn, chất lượng phục vụ sản xuất, đồng thời thực hiện kê khai đầy đủ theo quy định của ngành nông nghiệp. Cùng với kiểm soát các hộ chăn nuôi bảo đảm tốt các điều kiện thực hiện tái đàn lợn, ngành nông nghiệp cũng khuyến khích các hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ chuyển sang các vật nuôi khác, duy trì sản xuất.
Nhiều cơ sở chăn nuôi vẫn lưu giữ đàn lợn nái phục vụ nguồn giống chất lượng cho hoạt động tái đàn lợn
Theo kế hoạch, toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2020 tổng đàn lợn đạt trên 352.000 con, trong đó có gần 314.000 con lợn thịt. Toàn tỉnh hiện có 2 cơ sở sản xuất con giống lớn là Trung tâm Giống vật nuôi tỉnh và Công ty TNHH Buntaphan (huyện Quảng Ninh); có 194 trang trại chăn nuôi, trong đó trên 90 trang trại chăn nuôi lợn và 10 trang trại liên doanh với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam có áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, đảm bảo vệ sinh môi trường nên không để xảy ra dịch bệnh. Đây là “tín hiệu vui” cho việc tái đàn lợn một cách hiệu quả, hướng tới ổn định sản xuất, chăn nuôi lợn tại các địa phương trong thời gian tới.